Những ngày qua thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đề nghị truy tố 14 bị can trong vụ án Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) được dư luận quần chúng rất quan tâm.
Trong số 14 bị can, có 13 bị can bị cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 220, Khoản 4 – Bộ luật Hình sự năm 2015. Riêng bị can Phạm Nhật Vũ (sinh năm 1973, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) bị cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đề nghị truy tố về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại Điều 364, Khoản 4 – Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, 4 bị can: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà còn bị cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố thêm tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, Khoản 4 – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Có thể thấy, đây tiếp tục là một trong các vụ án được đưa ra ánh sáng liên quan đến những vi phạm của những vị cán bộ có vị trí nhằm đẩy lùi những tội phạm liên quan đến chức vụ, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo, củng cố niềm tin của nhân dân. Chúng ta đã và đang tiếp tục đạt được kết quả trong việc đẩy mạnh chống tham nhũng nhằm làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy.
Theo thống kê từ đầu nhiệm kỳ khoá XII cho tới nay, cấp uỷ, uỷ ban các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức Đảng và 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó gần 1.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Ngoài ra, có hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Cơ quan thanh tra, kiểm toán kiến nghị thu hồi, xử lý hơn 61.000 tỷ đồng và 144ha đất. Tính riêng từ đầu năm đến nay, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 123 tổ chức Đảng, gần 8000 đảng viên vi phạm. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban kiểm tra trung ương đã kỷ luật đối với 1 tổ chức Đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu.
Những con số trên thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc loại bỏ những con mọt đang làm mục ruỗng niềm tin nơi quần chúng nhân dân. Ấy vậy mà, có một số thế lực cố ý chống phá Đảng, Nhà nước ta và muốn cản trở cuộc đấu tranh chống tham nhũng lại tung tin cho rằng đây là cuộc “đấu đá” tranh giành quyền lực, tranh giành lợi ích giữa các phe phái, lực lượng trong Đảng, Nhà nước ta; đấu tranh chống tham nhũng chỉ là cái cớ che đậy cuộc chiến giữa các phe phái; cuộc đấu tranh chống tham nhũng làm bộc lộ tình trạng mất đoàn kết, những mâu thuẫn trong nội bộ Đảng, Nhà nước ta…xuyên tạc về cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang quyết tâm thực hiện.
Có thể thấy rằng, tham nhũng là một hiện tượng xã hội, ở đâu có quyền lực, ở đó có tham nhũng, tham nhũng không chỉ tồn tại ở một quốc gia mà nó có mặt ở tất cả các quốc gia trên thế giới, có chăng thì hình thức thể hiện có khác nhau mà thôi. Chống tham nhũng trong bất cứ thời đại nào cũng là để giữ ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam cũng không ngoài mục đích trên, qua việc xử lý các phần tử tham nhũng vừa rồi chúng ta thấy, nó không thuộc một đối tượng nào mà có dấu hiệu phe phái, không có vùng cấm, không loại trừ ai, từ cấp cao đến cấp thấp, ngay cả lực lượng vũ trang, lực lượng quân đội, chính quyền các địa phương, lãnh đạo các cấp từ trung ương vi phạm đều xử lý hết.
Kết quả phòng chống tham nhũng đã tạo bước đột phá, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, nhận được sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, đồng thời có tác dụng phòng ngừa, răn đe rõ rệt, vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng, vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia phòng chống tham nhũng. Vì vậy, chống tham nhũng hay “đấu đá nội bộ” câu trả lời nên để người dân đưa ra!
LOXEBEN