70 năm đã trôi qua, những khía cạnh văn hóa từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 vẫn còn nguyên giá trị với sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, từ những thành tựu và hạn chế của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước, cho chúng ta đúc rút được những bài học quý báu:
>>Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám từ góc độ văn hóa (phần I)
>>Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám từ góc độ văn hóa (phần II)
Thứ nhất, bài học về xây dựng văn hóa Đảng. Đảng ta là đảng cầm quyền, Đảng phải có văn hóa cầm quyền mới tạo dựng được uy tín trước nhân dân, là nguồn lực nội sinh to lớn, là chìa khóa để cho sự phát triển của Đảng. Thực tế cho thấy, từ khi ra đời Đảng đã là đạo đức là văn minh, nên mới có đủ bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức để lãnh đạo nhân dân. Một đảng trong sạch, được nhân dân tin yêu thì Đảng phải xác định rõ ràng mục đích phục vụ nhân dân, vì lợi ích chính đáng của nhân dân mà chiến đấu. Đảng ta đã nhiều lần khẳng định điều này.
Khí thế bừng bừng của quần chúng
Đảng không có lợi ích riêng, không phải muốn chiếm giữ quyền lực để cai trị nhân dân. Đảng nói điều ấy không phải những lời sáo rỗng, mà xuất phát từ tâm huyết chiến đấu cho đại nghĩa, trong sáng và chân thật, không cần nhiều lời, không cần phải hô to khẩu hiệu, mà chứng minh bằng hành động cụ thể. Trong thực tế lịch sử, hàng chục vạn đảng viên, cán bộ của Đảng đã hy sinh, vào tù, hiên ngang ra chiến trường và bước lên pháp trường trong sáng vô tư vì nghĩa lớn, được nhân dân cảm phục, tin yêu, trân trọng, được nhân dân tự nguyện đi theo, tự nguyện thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Ngày nay, những đảng viên tốt, chân chính vẫn luôn ý thức rằng, chỉ có hết lòng vì nhân dân, không để chủ nghĩa cá nhân xen vào, không để lợi ích nhóm tiêu cực tha hóa, thì mới được nhân dân tin yêu, mới giữ được lâu dài vai trò lãnh đạo của Đảng. Nếu ngược lại thì vai trò lãnh đạo của Đảng tất yếu sẽ giảm dần, mất dần và cuối cùng không còn nữa.
Những đơn vị vũ trang đâu tiên
Thứ hai, bài học về phát huy sức mạnh của văn hóa. Văn hóa là cốt lõi của sức mạnh mềm và được coi là yếu tố có vai trò quyết định sức mạnh và vị thế quốc gia. Việc gia tăng sức mạnh này là chiến lược quan trọng để hoàn thành nhiều mục tiêu lớn, trong đó có nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, có thể thấy đất nước ta, đất không rộng, người không đông, tiềm lực quân sự, kinh tế chúng ta không lớn mạnh. Nhưng từ thời Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê đến thời đại Hồ Chí Minh chúng ta đều sử dụng “sức mạnh mềm” của dân tộc để chiến thắng những kẻ thù lớn mạnh gấp nhiều lần như phong kiến phương Bắc và chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
Văn hóa như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt được hội tụ và phát huy tạo nên sức mạnh vật chất làm nên Cách mạng Tháng Tám. Không riêng gì Việt Nam mà các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapo… đã rất thành công trong sử dụng những chính sách văn hóa trong phát triển đất nước. Dân tộc ta có bề dầy văn hóa, lịch sử đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu trong phát huy sức mạnh văn hóa vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, cần trú trọng xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa vào sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thứ ba, bài học về bổ sung, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nền văn hóa mới. Văn hóa là những giá trị người trong các quan hệ xã hội, trên tất cả các lĩnh vực của dời sống xã hội. Theo quy luật phát triển các quan hệ xã hội cũng phát triển, theo đó các giá trị người trong đó cũng phải bổ sung, phát triển cho đồng tốc.
Vì vậy, xây dựng nền văn hóa mới là tất yếu để bổ sung, phát triển các giá trị văn hóa. Thực tế lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đến đêm trước của Cách mạng Tháng Tám chúng ta luôn biết bổ sung, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, làm gia tăng các giá trị văn hóa để lấy văn hóa cách mạng chống lại văn hóa phản cách mạng, lấy văn hóa truyền thống để chống lại sự nô dịch về văn hóa.
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội nhờ có sự quan tâm đúng mức về xây dựng văn hóa mới, thực hiện cách mạng tư tưởng văn hóa thông qua các nghị quyết chuyên đề về văn hóa như Đề cương văn hóa Việt Nam 1943, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, gần đây là nghị quyết Trung ương 9 khóa XI… mà đời sống văn hóa của nhân dân nâng lên, kinh tế phát triển.
Toàn dân một ý chí giành độc lập
Trong quá trình xây dựng nền văn hóa mới có thể có hạn chế, sai lầm, cũng như một con người khó có thể tránh khỏi những những hạn chế, khuyết điểm. Vấn đề là ở chỗ, thái độ đối với khuyết điểm, hạn chế đó như thế nào. Từ chối nhận khuyết điểm, hạn chế, sai lầm sẽ không có cơ may sửa chữa để phát triển. Nhưng thừa nhận khuyết điểm, sai lầm rồi cho qua chuyện mà không thực sự quyết tâm sửa chữa thì đó là một nguy cơ thực sự của một đảng cầm quyền.
Bài học này dù không mới, nhưng chưa bao giờ cũ, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Trong quá trình bổ sung phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nền văn hóa mới phải kết hợp mối quan hệ giữa “chống” và “xây”. “Chống” là chống lại những phản giá trị, những cái đã lỗi thời lạc hậu, “xây” là bổ sung thêm những giá trị mới phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ xã hội. “Chống” mà không “xây”, thì chúng ta sẽ bị tụt hậu.
Lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua bao thăng trầm nhưng mỗi nấc thang trong sự phát triển lại là một dấu ấn văn hóa. Thắng lợi của Cách mạng Tháng là một bước nhảy trong sự tích tụ bề dày truyền thống văn hóa dân tộc, tích lũy thêm những bài học trong phát huy sức mạnh văn hóa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Truyền thống văn hóa được tích tụ và những bài học đó còn nguyên giá trị, sẽ tiếp tục lan tỏa trong sự nghiệp đổi mới đất nước xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay./.
Nguyễn Hồng Điệp (Tầm nhìn)
Nguồn: Đấu trường dân chủ