Trang chủ Biển - Đảo Chiến thuật nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông: “Cháo nóng...

Chiến thuật nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông: “Cháo nóng húp quanh”!

177
0

Tiến sĩ Trần Công Trục – nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ – nhận định với Lao Động: Trung Quốc đã và đang triển khai chiến thuật gặm nhấm theo phương châm “cháo nóng húp quanh” đối với các thực thể địa lý nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông.

Chiến thuật nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông: “Cháo nóng húp quanh”!
Nhà giàn DK1/18 Phúc Tần. Ảnh: HOÀNG TRƯỜNG

Cưỡng chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa

Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh, trong Biển Đông, Trung Quốc đã và đang lợi dụng mọi thời cơ, tận dụng mọi lợi thế về quân sự, kinh tế, kỹ thuật, tài chính… để từng bước, lúc bí mật, khi công khai, tiến hành xâm chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa vào các năm 1956, 1974 và một phần quần đảo Trường Sa năm 1988.

Tiếp đến, từ sau năm 1988, Trung Quốc, một mặt tiến hành đào bới, san lấp, xây dựng, biến 6 thực thể địa lý ở phía tây bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ vừa đánh chiếm năm 1988 thành các đảo nhân tạo rất lớn, đủ để xây dựng và bố trí các thiết bị quân sự hải, lục, không quân hiện đại; mặt khác, họ tiếp tục triển khai chiến thuật gặm nhấm nguy hiểm, theo phương châm “cháo nóng húp quanh” đối với các thực thể địa lý là những bãi ngầm, rạn san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông, như những gì đã xảy ra ở Đá Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough 2012, Bãi Cỏ Mây…

Tiến sĩ Trục nhấn mạnh, đáng chú ý, Bắc Kinh đã và đang mở rộng hoạt động phi pháp này bằng cách huy động lực lượng tàu thuyền đến hoạt động tại khu vực bãi cạn James cách bờ biển Malaysia chỉ 80km, Bãi Cỏ Rong ở phía đông quần đảo Trường Sa, cách Philippines dưới 200 hải lý. Và, gần đây nhất, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã quay trở lại xâm phạm vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông – đã được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao hôm 16.8.2019 lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Theo tiến sĩ Trần Công Trục, sự việc này một lần nữa cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương biến không thành có, biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp; hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý đã bị lên án, bác bỏ; từng bước thực hiện bằng được mục tiêu chiến lược độc chiếm Biển Đông.

Chủ trương và phương thức ứng xử của Việt Nam

Tiến sĩ Trần Công Trục nhận định, nội dung trong các tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam liên quan đến các hành vi Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam cho thấy lập trường pháp lý và chủ trương chính trị của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, rõ ràng, thích hợp với quy chế pháp lý của từng vùng biển và thềm lục địa, đồng thời thể hiện thiện chí của một quốc gia thành viên có trách nhiệm của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).Chiến thuật nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông: “Cháo nóng húp quanh”!

Trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định phù hợp với quy định của UNCLOS, quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế.

Tiến sĩ Trần Công Trục lưu ý thêm, theo UNCLOS 1982, các quốc gia ven Biển Đông đều có quyền dựa vào đó để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia mình, trong đó có vấn đề hiệu lực để xác định phạm vi biển của các quần đảo, đảo, đá, bãi cạn ở Biển Đông.

Chiến thuật nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông: “Cháo nóng húp quanh”!
Tiến sĩ Trần Công Trục

Một lưu ý quan trọng nữa, theo UNCLOS 1982, việc phát hiện và xử lý các sai phạm có khả năng xảy ra hay đã xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, các lực lượng chấp pháp trên biển của quốc gia ven biển cũng phải tuân thủ các thủ tục pháp lý chặt chẽ, không được phép xử lý một cách tùy tiện. Đặc biệt là hạn chế hoặc thậm chí nghiêm cấm việc sử dụng các biện pháp bằng sức mạnh để cưỡng bức, không qua xét xử của các cơ quan tư pháp…

Tiến sĩ Trục lưu ý, khi áp dụng các biện pháp đấu tranh tại hiện trường xảy ra vụ việc, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên biển, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam cũng phải hết sức thận trọng và phải cân nhắc kỹ trước khi áp dụng một biện pháp nào đó, chứ không thể xử lý theo cảm xúc, chủ quan. “Chưa kể nếu không cẩn thận, có thể bị mắc bẫy của đối phương khi họ kiếm cớ để gây khủng hoảng dẫn tới đụng độ, nhằm nhanh chóng rút ngắn thời gian thực hiện mục tiêu chiến lược của họ” – tiến sĩ Trục nói.

“Điều này còn là bài học, lời cảnh tỉnh đối với chúng ta, với tư cách là những công dân bình thường, khi tiếp cận với những thông tin không được kiểm chứng hòng kích động dư luận, gây bất ổn về chính trị, vì những động cơ chính trị. Còn với tư cách là những cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh chính trị, pháp lý, tuyên truyền, giáo dục, trước hết, phải nâng cao kiến thức pháp lý của mình để chỉ đạo hay trực tiếp tham gia quá trình xử lý đúng đắn và thích hợp, đồng thời, có trách nhiệm thông tin kịp thời, chuẩn xác, rõ ràng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, trong bối cảnh có nhiều thông tin thiếu kiểm chứng đang tràn ngập trên các mạng xã hội ở thời đại công nghệ 4.0” – tiến sĩ Trần Công Trục nói.

Vân Anh

Nguồn: Cánh Cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây