Giải bóng chuyền VTV Cup 2019 vừa tổ chức ở Quang Nam, được người dân hưởng ứng rất đông vui. Mình chơi bóng chuyền từ hồi thanh niên, nay xem giải này cũng thích. Nhưng mỗi lần nhìn lên khán đài, thấy sự phân biệt chỗ ngồi xem của quan chức và của người dân, thì không chịu nổi!
Trong khi người dân đứng ngồi chen chúc chật ních và rất nhiều người không thể vào sân, thì khu vực của quan chức rộng thênh thang, trang hoàng như lễ đài ngày 2/9 cụ Hồ đọc tuyên ngôn Độc lập! Nào là ghế, bàn sang trọng, rộng thênh thang, trên bàn bày hoa tươi và nước giải khát… Ngay trong trận chung kết, có đội Việt Nam thi đấu mà “lễ đài” của các quan cũng vẫn thừa ghế, còn những trận khác, khu vực này rất nhiều ghế bỏ trống, nhưng người dân không được pháp bén mảng đến! (Nhân viên truyền hình trực tiếp cũng rất ý tứ, nhưng thỉnh thoảng vẫn lộ hình ảnh khu vực này trên màn hình, nên mình chụp được).
Thì ra đi xem thể thao, các quan chức cũng phải tham nhũng ghế ngồi thật đẹp mà không mất tiền, lại được phục vụ; lại phải thật sang trọng, phân biệt, xa cách khác hẳn với thân phận thấp hèn của dân đen thì mới khoái!
Đó quả là thứ vô văn hóa của loại quan chức trọc phú học làm sang, không biết mở mắt xem quan chức ở thế giới văn minh, người ta giản dị, bình đẳng, hòa đồng với nhân dân thế nào, nhất là trong sinh hoạt đời thường, như xem văn nghệ, thể thao…
Thời phong kiến chỉ có một ông vua, các quan không được xây nhà to, đi xe đẹp, ăn chơi hơn vua… Nay thì có “Vua tập thể”, mỗi tỉnh, huyện đều có mấy lãnh chúa; họ muốn xây biệt phủ to hơn vua bao nhiêu cũng được, muốn ăn chơi hơn vua cũng tha hồ, chẳng sao… Chỉ có đi xem bóng chuyền, họ cũng phải như vua, chúa, khác xa với thần dân.
Lối sống đó đã trở thành đặc quyền, đặc lợi của quan chức, nên họ ăn, ở, đi lại, chữa bệnh, chơi bời, con cái học hành, cách nói năng, ứng xử … tất cả đều phải khác biệt, xa lạ với người dân mới thỏa mãn. Có phải đó cũng là đặc điểm nhân cách có tính phổ biến của quan chức Việt Nam thời nay?
Từ một hiện tượng có thể xâu chuỗi các sự kiện để nhìn ra bản chất vấn đề, đó không phải suy diễn cảm tính, quy kết chủ quan, tùy tiện mà là một phương pháp tư duy, mọi người dân đều cần được trang bị để trưởng thành về nhận thức, biết phê phán một cách có cơ sở, để thoát khỏi thảm cảnh:
“Dân hai lăm triệu, ai người lớn
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”…
như Tản Đà Tiên sinh đã nêu ra từ năm 1916; nay dù đã hơn 100 năm, dân ta gần trăm triệu, cũng chưa khá hơn được bao nhiêu!
11/8/2019
Mạc Văn Trang
Nguồn: Ngọn Cờ