Những ngày qua, vấn đề Biển Đông giành được nhiều sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước và quốc tế.
Hầu hết người Việt Nam đều bất bình trước việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép từ đầu tháng 7/2019, vi phạm luật pháp quốc tế. Lợi dụng tình hình này, nhiều trang mạng của nước ngoài, của một số thế lực thù địch đã có những bài viết kích động người dân Việt Nam xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc, thể hiện sự thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nếu không thận trọng suy xét thấu đáo các khía cạnh của vấn đề, nóng nảy, bốc đồng thì có thể sẽ có những người mắc mưu của kẻ xấu, lòng yêu nước sẽ bị lợi dụng để dẫn tới các hành động sai trái, phá hoại chính đất nước mình, phá sự bình yên của chính mình.
Để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông, Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện nhất quán chủ trương là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước của Liên Hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Và trên thực tế, trong những năm qua, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật quốc tế nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Liên quan đến việc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép, Việt Nam đã có phản ứng quốc tế mạnh mẽ. Cụ thể là chỉ trong khoảng 10 ngày (từ 16/7/2019 đến 25/7/2019), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã 3 lần lên án việc này, trong đó có 2 lần vào các ngày 19/7 và 25/7, đã chỉ đích danh tàu khảo sát Hải Dương 8 và các tàu hộ tống của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Bộ Ngoại giao đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
Tàu CCG 3901 và tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc hoạt động trái phép tại khu vực bãi Phúc Tần – Tư Chính Ảnh: Ngư dân cung cấp (Thanhnien.vn)
Đặc biệt là, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 ở Thái Lan ngày 31/7/2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước của LHQ về Luật Biển 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp trên biển. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC”.
Phó Thủ tướng kêu gọi ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hòa bình và ổn định, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển; và nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất. Theo ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp thuộc Tổ chức nghiên cứu Rand (Mỹ) thì việc “Việt Nam đã nêu rõ Trung Quốc là bên có hành vi gây hấn ở Biển Đông khi họp với đại diện các nước ASEAN đã có tác dụng truyền cảm hứng cho các bên”.
Có lẽ nhờ đó mà trong Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 đã nhắc lại cụm từ có sắc thái biểu cảm mạnh là “xói mòn lòng tin” mà Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã sử dụng. Cụ thể trong Tuyên bố chung có đoạn viết: “Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó các bộ trưởng bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”. ASEAN kêu gọi các bên tăng cường niềm tin lẫn nhau, tự kiềm chế, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, theo đuổi giải quyết vấn đề theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), tránh làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Cũng trong thời gian diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN nêu trên, sau cuộc gặp tại Bangkok, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã ra Tuyên bố chung thể hiện “mối quan ngại nghiêm trọng” đối với “các báo cáo đáng tin cậy về những hoạt động gây cản trở liên quan đến các dự án dầu khí lâu dài” ở Biển Đông.
Như vậy là quan điểm, thái độ của Việt Nam trong bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa được thể hiện hết sức rõ ràng, mạnh mẽ, kiên quyết tại hội nghị quốc tế đa phương, chính thức. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình, nhưng cách thể hiện mang tính xây dựng, đầy thiện chí dựa vào luật pháp quốc tế, phù hợp với quan điểm, nhận thức chung của cộng đồng các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới, do đó được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận quốc tế, tạo ra áp lực đối với các hành vi sai trái. Trên thực địa, lực lượng chấp pháp của Việt Nam đang ngày đêm làm nhiệm vụ, kiên quyết không lùi bước trước bất cứ khó khăn, hiểm nguy nào để bảo vệ vững chắc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Tổ quốc.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, một số trang mạng của nước ngoài và trên trang mạng một số tổ chức, cá nhân tự xưng là yêu nước đã có những bình luận thiếu khách quan, thiếu trung thực, suy diễn sai trái, cho rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam không có những hành động kiên quyết để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Từ đó, các trang mạng này kêu gọi người dân xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa Việt Nam và phản đối Đảng, Nhà nước “làm ngơ”. Các trang này còn kích động tâm lý “bài Trung” rất nguy hiểm.
Hồi năm 2014, vụ tàu Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm vào vùng thềm lục địa của Việt Nam đã gây ra một làn sóng biểu tình phản đối hành động của tàu Trung Quốc trên khắp Việt Nam và cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đáng tiếc là ở một số địa phương như Hà Tĩnh, Bình Dương, biểu tình đã biến thành các vụ xô xát, ẩu đả, gây mất an ninh trật tự, phá hoại tài sản của các doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí làm chết người. Rồi năm 2018 vừa qua, khi dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và dự án Luật An ninh mạng được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, một số trang mạng của các thế lực bên ngoài, thế lực thù địch, của những kẻ xấu đã kích động gây hiểu nhầm trong xã hội, tạo ra biểu tình, đốt phá trụ sở công quyền, đánh đập, chống người thi hành công vụ tại một số địa phương thuộc các tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh… Đó là bởi khi hàng trăm, hàng nghìn người được tập hợp lại, với những cái đầu nóng nảy, thiếu tỉnh táo thì chỉ cần một sự kích động nào đó, một sự vu khống nào đó rất dễ thổi bùng đám đông thực hiện những hành động sai trái, vi phạm pháp luật. Qua những cuộc xuống đường biểu tình nêu trên, rất nhiều tài sản công đã bị hủy hoại, nhiều chiến sĩ công an bị thương, gây mất an ninh trật tự ở các địa phương.
Người Việt Nam vốn mang trong mình lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết, sự tự hào, tự tôn dân tộc rất cao. Lòng yêu nước ấy, sự tự hào, tự tôn dân tộc ấy rất đáng quý, đã giúp cho dân tộc Việt Nam đứng vững trước biết bao phong ba, bão táp, những thử thách trong lịch sử, bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ được độc lập dân tộc. Thế nhưng, lòng yêu nước cần được thể hiện một cách tỉnh táo, phân biệt rõ đúng sai, thể hiện một cách đầy trách nhiệm. Không thể có lòng yêu nước thể hiện bằng cách đập phá tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, ném đá, đánh người, chống người thi hành công vụ, gây mất an ninh trật tự. Một trong những thế mạnh để đất nước ta phát triển kinh tế hiện nay chính là môi trường hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, an toàn cho các doanh nghiệp. Nếu môi trường ổn định và an toàn ấy bị hủy hoại bởi những hành vi xốc nổi được gắn các mác là “thể hiện lòng yêu nước” thì sẽ tước đi cơ hội phát triển của đất nước. Như thế không thể gọi là yêu nước, mà chính là phá hoại đất nước.
Dân tộc Việt Nam chỉ thực sự có sức mạnh khi có được sự đoàn kết toàn dân tộc. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay thì sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam được quy tụ dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã giúp đất nước ta giành được hòa bình, độc lập, thống nhất và đang trên đà phát triển nhanh như hiện nay. Do đó, mọi người Việt Nam cần tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của đất nước trên Biển Đông. Khi dân tộc Việt Nam đã đoàn kết thành một khối, thống nhất ý chí và hành động, dựa theo luật pháp quốc tế thì sức mạnh chính nghĩa sẽ thuộc về chúng ta, là cơ sở để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.
Hồ Quang Phương (Nhà báo và Công luận)
Nguồn: Đấu trường dân chủ