Trang chủ Tin tức Vụ Ansazo: Các cơ quan quản lý đang xử lý rất thận...

Vụ Ansazo: Các cơ quan quản lý đang xử lý rất thận trọng

218
0

Hiện nay còn nhiều lỗ hổng pháp lý về xuất xứ hàng hóa, PV VOV đã phỏng vấn ông Âu Anh Tuấn-quyền Cục trưởng Cục giám sát Hải quan về vấn đề này.

PV: Thưa ông! Trong quá trình kiểm tra, giám sát, quản lý khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và kiểm tra sau thông quan, xin ông cho biết cơ quan hải quan đã phát hiện những gì khiến các doanh nghiệp (DN) lợi dụng được điều này?

Ông Âu Anh Tuấn: Thời gian qua, một số DN đã lợi dụng các quy định để thực hiện các hành vi gian lận. Cụ thể, DN chỉ thành lập các nhà máy ở đây, đăng ký là hoạt động sản xuất gia công nhưng thực tế chỉ nhập hàng hóa về, thay đổi nhãn mác xong rồi xuất đi, hoặc thực hiện một số công đoạn gia công đơn giản để sau đó xin giấy chứng nhận xuất xứ.

Nếu các cơ quan cấp giấy mà không kiểm tra kỹ thì DN dễ lợi dụng để xin được giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam. Hoặc một số DN thực hiện hoạt động đưa hàng vào sau đó lấy thông tin về hàng hóa xuất tại Việt Nam. Ví dụ, vận đơn là xếp hàng tại cảng Việt Nam, hóa đơn xuất tại Việt Nam hoặc là một số thông tin khác để xuất đi.

Vụ Ansazo: Các cơ quan quản lý đang xử lý rất thận trọng

Cần rà soát những “lỗ hổng” pháp lý về xuất xứ hàng hóa. (Ảnh minh họa: KT)

Nếu cơ quan Hải quan của nước nhập khẩu không kiểm soát kỹ thì rất dễ xác định nhầm xuất xứ hàng hóa. Trường hợp này cơ quan Hải quan cũng có biện pháp để tăng cường kiểm soát chặt chẽ những mặt hàng, đặc biệt là hàng hóa thực hiện gia công đơn giản thông qua việc kiểm tra tình hình sản xuất, năng lực sản xuất xem có hoạt động gia công không.

Ví dụ có tiêu thụ nhiều điện năng không, có tiêu thụ nước không, có sử dụng nhân công không, hay có sử dụng nguyên liệu đầu vào không. Hai là nắm bắt xem DN sản xuất theo quy trình nào, có thực sự làm thay đổi bản chất hàng hóa không hay chỉ sản xuất đơn giản như đóng gói hoặc dán lại nhãn thì hoạt động đó không phù hợp với các quy định về xuất xứ theo các Nghị định thương mại tự do.

PV: Thông thường, những phát hiện vi phạm về xuất xứ này là do cơ quan chức năng Việt Nam tự phát hiện ra hay do các đối tác nước ngoài? Qua thực tế, ông có thể cho biết những thông tin nhận biết dấu hiệu vi phạm của DN về xuất xứ hàng hóa?

Ông Âu Anh Tuấn: Có 2 nguồn thông tin. Một là, nước nhập khẩu họ thấy rằng,  hàng hóa xuất khẩu tăng đột biến trong khi một số quốc gia lại giảm mà quốc gia đó đang bị áp dụng các biện pháp thuế cao, khi đó họ sẽ thông báo cho phía Việt Nam để kiểm soát chặt chẽ khi thực hiện thủ tục xuất, nhập và phối hợp với Bộ Công Thương trong việc kiểm tra xuất xứ.

Thứ hai, qua quá trình thu thập và nắm thông tin, phía cơ quan Hải quan cũng có thể phát hiện ra. Theo quy định đối với hàng hóa gia công để sản xuất xuất khẩu, cơ quan Hải quan sẽ chịu trách nhiệm về giám sát quản lý hàng hóa từ nguyên liệu đầu vào trong quá trình sản xuất đến khi ra sản phẩm. Trong quá trình thu thập thông tin về DN, ví dụ xem công suất của DN là bao nhiêu sản phẩm, sử dụng máy móc như thế nào, sử dụng điện ra  sao, sử dụng nước, nguyên liệu đầu vào, kể cả việc đăng ký đóng bảo hiểm với cơ quan BHXH, nếu Hải quan phát hiện nghi vấn sẽ tiến hành kiểm tra.

Qua quá trình kiểm tra phát hiện một số trường hợp DN khai là hoạt động gia công sản xuất xuất khẩu, nhưng thực tế chỉ là hoạt động đóng gói gia công đơn giản, sau đó xuất khẩu sản phẩm để lợi dụng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu để hưởng ưu đãi.

PV: Thưa ông! Hiện nay các cơ quan chức năng đang vào cuộc đối với nghi vấn về xuất xứ hàng hóa của Tập đoàn ASANZO cũng như nhiều DN khác giống ASANZO. Ông có thể chia sẻ về nội dung này?

Ông Âu Anh Tuấn: Đối với vụ việc của ASANZO, hiện tại, Tổng cục Hải quan đang thực hiện kiểm tra sau thông quan tại các DN thuộc Tập đoàn ASANZO, DN nhập khẩu các nguyên liệu và sản phẩm sau đó bán lại cho ASANZO để sản xuất hay đưa ra thị trường. Kết quả sẽ công bố sớm trong thời gian tới sau khi phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ KHCN, Tổng cục QLTT để xác định xem là việc thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu và sản xuất cũng như đưa ra sản phẩm lưu thông có phù hợp với quy định pháp luật hay không.

Các cơ quan quản lý đang xử lý rất thận trọng, sau khi có kết quả sẽ công bố trên thông tin đại chúng. Tuy nhiên, về cơ sở pháp lý cũng có một số điểm chưa thực sự rõ ràng dẫn đến rất khó xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt những DN nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, sau đó đưa ra bán tại thị trường trong nước.

Cụ thể là DN nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất, nhưng như thế nào gọi là được ghi nhãn Made in Viet Nam hoặc sản xuất tại VN thì hiện tại chưa rõ ràng. Các thông tư của Bộ Công Thương chỉ hướng dẫn về tiêu chí xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa nhập khẩu mà chưa hướng dẫn thế nào được gọi là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam và bán tại thị trường Việt Nam.

Nghị định 43 của Chính phủ hướng dẫn về ghi nhãn thì cũng có quy định DN phải ghi nhãn xuất xứ trên sản phẩm và DN chịu trách nhiệm về ghi nhãn xuất xứ, ví dụ như, sản xuất tại Việt Nam, chế tạo tại Việt Nam… và DN phải tuân thủ pháp luật về xuất xứ, nhưng pháp luật về xuất xứ thì lại không có quy định về xuất xứ đối với hàng hóa sản xuất và bán tại thị trường trong nước. Khoảng trống về pháp lý cần các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc để đưa ra các quy định rõ ràng, một mặt bảo vệ người tiêu dùng, một mặt hướng dẫn DN tuân thủ đúng các quy định để tránh tình trạng có những thông tin gây ảnh hưởng tới DN.

PV: Như ông vừa nói, các lỗ hổng trong quy định về xuất xứ hàng hóa cũng cần được kiểm tra trên thực về và có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp?

Ông Âu Anh Tuấn: Những thông tin mà thời gian vừa qua một số DN nhận được có những quy định về mặt pháp lý chưa thực sự chặt chẽ. Do vậy, để khẳng định doanh nghiệp sai hay không sai thì hiện tại cơ quan quản lý đang vào cuộc, một mặt thu thập, kiểm tra đánh giá các hoạt động sản xuất kinh doanh, các thông tin liên quan đến DN đặc biệt là việc quá trình sản xuất của DN để xem hàng hóa đó đã trải qua quá trình gia công sản xuất như thế nào. Mặt khác, trong trường hợp DN nhập sản phẩm nguyên chiếc thì DN có ghi thông tin trung thực như khai báo hải quan hay không?

Đầu vào khi DN nhập khẩu, DN khai là xuất xứ nước ngoài thì khi bán trong nước DN phải giữ nguyên là xuất xứ khi khai hải quan, không được thay đổi xuất xứ. Nếu DN thay đổi thành sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ tại VN thì DN đã vi phạm các quy định có liên quan đến kể cả Nghị định 43, rồi liên quan đến các quy định về xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp DN sản xuất thì hiện đang có bất cập về chính sách. Thông tin không minh bạch không rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp./.

Nguồn: VOV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây