Mới đây, trong ba ngày 16, 17 và 18 tháng 7 tại thủ đô Washington, DC, 02 tu sĩ được cho là thuộc giáo hội “bị bách hại” tại Việt Nam tên là A Ga và Lương Xuân Dương khi tiếp xúc với Tổng thống Hoa Kỳ cũng như trao đổi với đài RFA tiếng Việt đã cố tình nói sai sự thật về tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Mục sư đạo Tin Lành ở Tây Nguyên là A Ga đã nói rằng: “Tôi có nguyện vọng là trong tương lai gần chính quyền Việt Nam không nên dối trá, phải có chính sách thay đổi để cho người dân, đặc biệt đồng bào ở Tây Nguyên, có quyền tự do tôn giáo. Khi có tự do tôn giáo rồi thì họ không bao giờ phải chạy trốn qua Thái Lan mà họ rất đau khổ. Hy vọng chính phủ Việt Nam không thể che dấu được nữa”.
Còn đạo hữu Lương Xuân Dương khi trao đổi với đài RFA thì lớn tiếng vu cáo: “Nhà cầm quyền Việt Nam đã hứa rất nhiều lần nhưng không thực hiện. Tôi mong muốn ngành lập pháp Hoa kỳ tác động lên ngành hành pháp để đưa Việt Nam vào lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC), buộc Việt Nam phải tôn trọng những điều mà chính họ đã cam kết”.
Người tự xưng là “cựu tù nhân lương tâm” và đến từ bang Texas còn cho biết đến tham dự Ngày vận động cho Việt Nam với ba mục tiêu: thứ nhất là vận động các dân biểu và nghị sĩ của Quốc hội Hoa Kỳ làm việc với chính quyền Việt Nam về những vi phạm của chính quyền Việt Nam đối với quyền tự do tôn giáo đạo Cao Đài cũng như các tôn giáo khác như Phật Giáo, Hòa Hảo, Công Giáo, Tin Lành…; thứ hai là từ chính sách độc tài, nhà cầm quyền Việt Nam bóp nghẹt tiếng nói những người yêu nước, yêu nhân quyền, tôn trọng quyền tự do tôn giáo, bắt giam họ một cách tùy tiện. Vị này bày tỏ mong muốn nói lên sự thật để các vị thuộc lập pháp, hành pháp Hoa Kỳ tác động lên chính quyền Việt Nam, buộc họ phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm; thứ ba là chế tài những viên chức Việt Nam có liên quan đến tình trạng vi phạm nhân quyền trong nước.
Rõ ràng, những tiếng nói lạc lõng trên hoàn toàn là xuyên tạc, không đúng sự thật về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo, trong đó có 6 tôn giáo lớn, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo. Hằng năm, ở Việt Nam có hàng nghìn lễ hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng từ cấp quốc gia đến địa phương được diễn ra, các tín đồ tôn giáo tự do thực hiện các nghi lễ tôn giáo, bày tỏ và thực hành đức tin tôn giáo của mình.
Trong suốt những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn chú ý ban hành và thực hiện tốt các chính sách bảo đảm tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, các tôn giáo đều được đối xử công bằng trước pháp luật.
Điều 24, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Bên cạnh đó, các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân còn được cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Đất đai, Luật Giáo dục…
Luật Tín ngưỡng tôn giáo có hiệu lực ngày 1/1/2018 và Nghị định 162/2017/NĐ-CP đã khẳng định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật… cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng tôn giáo.”
Đáng chú ý, sự thành công rất tốt đẹp của Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 với sự tham dự của hàng nghìn đại biểu quốc tế thuộc 570 phái đoàn quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, cùng hơn 20 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam vào giữa tháng 5/2019 là minh chứng tiêu biểu cho thành tựu tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, nơi mọi tôn giáo và công dân đều có đầy đủ quyền tự theo Hiến pháp và pháp luật./.
Đắc Chí
Nguồn: Tre làng