Trang chủ Luận bàn - Phản biện Giáo sư Mỹ: Việt Nam có chiến lược bảo vệ từng...

Giáo sư Mỹ: Việt Nam có chiến lược bảo vệ từng centinmet chủ quyền

209
0

Các hành động hung hăng và coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông đã biến tuần qua trở thành một tuần sôi động của khu vực khi lần lượt các bên liên quan đều lên tiếng bằng nhiều cách khác nhau.

Mỹ, quốc gia luôn bị Trung Quốc ngăn cản can dự vào Biển Đông, đã lên tiếng vào ngày 20-7 trước các động thái mà Mỹ gọi là “khiêu khích”, “bắt nạt” và “gây bất ổn” của Trung Quốc nhắm vào các hoạt động dầu khí trong khu vực, nhấn mạnh yếu tố “đã có từ lâu” khi nhắc đến Việt Nam.

Các hành động hung hăng của Trung Quốc cùng những tuyên bố mạnh mẽ của Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi vùng biển của Việt Nam trong tuần qua đã tràn ngập truyền thông thế giới, củng cố thêm quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước.

Giáo sư Mỹ:  Việt Nam có chiến lược bảo vệ từng centinmet chủ quyền

Tàu hải cảnh 35111 của Trung Quốc trực tiếp đe dọa các hoạt động dầu khí của Malaysia và Việt Nam trong hai tháng trở lại đây – Ảnh: AFP

Trung Quốc càng hung hăng càng bị phản ứng

Các phản ứng cứng rắn của Mỹ trước những hành động của Trung Quốc khiêu khích và cản trở hoạt động dầu khí được xem là câu trả lời của Washington trước chiêu bài cùng khai thác Biển Đông luôn được Bắc Kinh tô vẽ.

Có một điểm đáng chú ý trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ tối 20-7, đó là nước này đã cáo buộc Trung Quốc gây sức ép lên các nước ASEAN, buộc những nước này phải chấp nhận một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông nhằm mục đích ngăn chặn các nước hợp tác với nước thứ ba để khai thác dầu khí trên Biển Đông, từ đó kiểm soát các nguồn tài nguyên trong khu vực.

Ông Gregory Poling – giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) – nhận định Mỹ đang chuẩn bị rẽ vào một bước ngoặt mới bằng tuyên bố tối 20-7, chuyển trọng tâm chỉ từ tự do hàng hải sang việc đảm bảo tất cả các hoạt động “hợp pháp” trên Biển Đông.

Ông Poling cũng cho rằng những gì đang diễn ra với Việt Nam và Malaysia sẽ là bài học cảnh tỉnh Philippines.

Theo ông Poling, Trung Quốc sẽ không ngừng khiêu khích các hoạt động dầu khí nằm trong đường 9 đoạn vô lý của mình và tùy vào phản ứng của các nước mà điều chỉnh.

Giáo sư Mỹ:  Việt Nam có chiến lược bảo vệ từng centinmet chủ quyền

Tấm bản đồ mà nhóm nghiên cứu “đường lưỡi bò” mới của Trung Quốc cho là căn cứ để nối liền các đoạn của “đường lưỡi bò” cũ – Ảnh chụp màn hình

Trong một bài bình luận trên tờ Forbes, giáo sư Panos Mourdoukoutas thuộc Đại học LIU Post (Mỹ), đã khẳng định quan điểm ngay từ tựa bài: “Trung Quốc đừng nên cư xử với Việt Nam như Philippines”.

Theo đó, bằng việc xoay chuyển thành công một chính quyền từ địch thủ trở thành bạn dưới thời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Bắc Kinh đã giành được một thắng lợi ngoại giao lớn, từng bước xóa nhòa giá trị của phán quyết Biển Đông của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982. 

Tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải là nguyên tắc cơ bản trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Mỹ và các nước ASEAN cùng chia sẻ. Các hoạt động mang tính cưỡng ép của Trung Quốc nhắm vào những người hàng xóm Đông Nam Á sẽ phản tác dụng, đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực.John Bolton (cố vấn an ninh quốc gia Mỹ)

Hồi tháng 4-2018, Tổng thống Duterte đã hủy kế hoạch thăm và kéo cờ tại một hòn đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam sau khi nhận được lời khuyên “thân thiện” từ Bắc Kinh. Đổi lại tất cả, Manila nhận được nhiều khoản đầu tư và viện trợ từ Bắc Kinh cho các dự án cơ sở hạ tầng của nước này.

Ông Mourdoukoutas khẳng định cách hành xử như vậy sẽ không có tác dụng với Việt Nam. “Một phần Biển Đông thuộc về Việt Nam và Việt Nam có chiến lược để bảo vệ từng centimet chủ quyền của mình. Bằng chứng chính là cuộc đối đầu trên biển gần đây giữa hai nước.

Việt Nam cũng đang thúc đẩy hiệp định nhằm đặt các hành động hiện nay của Trung Quốc ra ngoài vòng pháp luật, điển hình là các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo, ngăn cản hoạt động hàng hải, triển khai vũ khí và tìm cách lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ)” – vị giáo sư Mỹ lập luận.

Giáo sư Mỹ:  Việt Nam có chiến lược bảo vệ từng centinmet chủ quyền

Tàu tuần duyên Bertholf số hiệu 750 của Mỹ diễn tập trên biển cùng tuần duyên Philippines trong đợt triển khai tới Biển Đông tháng 5-2019 – Ảnh: US Coast Guard

Nhận diện tàu hải cảnh Trung Quốc

Trong lúc Trung Quốc vẫn tiếp tục bảo vệ sự hiện diện bất hợp pháp của tàu thăm dò địa chất Hải Dương Địa Chất 8, Malaysia đã lặng lẽ tổ chức hai cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông với sự tham gia của các khí tài hải quân hàng đầu của nước này vào ngày 15-7.

Đây được xem là một thông điệp Malaysia muốn gửi đến Trung Quốc sau các hành động quấy phá hoạt động dầu khí của Malaysia ở bãi cạn Luconia. Khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Malaysia tuyên bố nhưng bị chồng lấn với đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) do Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông.

Dữ liệu từ CSIS có trụ sở tại Mỹ cho thấy tàu hải cảnh số hiệu 35111 trọng tải 2.000 tấn của Trung Quốc đã tham gia vào việc cản trở các giàn khoan của Malaysia cùng các tàu dịch vụ hộ tống trong tháng 5-2019.

Theo CSIS, đã có lúc tàu của Trung Quốc có hành động đe dọa khi chạy vòng tròn xung quanh tàu Malaysia ở khoảng cách 80m. Vị trí của cuộc tập trận hôm 15-7 của Malaysia khá gần nơi các giàn khoan của Malaysia bị Trung Quốc quấy rối.

Tàu hải cảnh 35111 sau đó trở về đảo Hải Nam của Trung Quốc vài ngày vào cuối tháng 5 và trở lại Biển Đông vào giữa tháng 6 với mục tiêu mới: các giàn khoan nằm trong lô 06-01 thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tàu hải cảnh 35111 của Trung Quốc cũng là tàu ở gần bãi Tư Chính của Việt Nam nhất kể từ đầu tháng 7 đến nay. Dữ liệu theo dõi của Marine Traffic cho thấy tàu hải cảnh 35111 từng trở về đá Chữ Thập để tiếp nhiên liệu trước khi quay trở lại khu vực hiện tại. Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Theo trang theo dõi hàng hải Marine Traffic ngày 21-7, tàu hải cảnh số hiệu 3402 bất ngờ xuất hiện gần tàu hải cảnh 35111 và lảng vảng gần giàn khoan Hakuryu 5 của Nhật Bản được liên doanh Việt – Nga thuê đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tàu hải cảnh số hiệu 3402 chính thức được biên chế cho lực lượng đặc trách Biển Đông của Trung Quốc vào tháng 10-2014 với chiều dài 99m, rộng 15m.

Với lượng giãn nước 4.000 tấn cùng sàn đáp trực thăng và các thiết bị hiện đại, tàu 3402 là một trong những tàu tiên tiến của hải cảnh Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang có 4 tàu cùng loại với 3402 thì đã biên chế đến 2 chiếc khu vực Biển Đông.

***

GS Carl Thayer tại ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, khẳng định Trung Quốc đã không kiềm chế hành động và ngó lơ luật pháp quốc tế, đặc biệt là phán quyết The Hague.

“Các yếu tố hiện diện cho cộng đồng quốc tế, bao gồm các nền dân chủ tự do và cường quốc hàng hải, đã đóng góp một vai trò quyết đoán hơn trong việc kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp. Mỹ đã nhân kỷ niệm ba năm của phán quyết The Hague để kêu gọi Trung Quốc thực hiện phán quyết. Trung Quốc dù vậy đã từ chối vị trí của các thành viên cộng đồng quốc tế, coi họ là các thế lực bên ngoài” – GS Thayer nói với Tuổi Trẻ.

***

Vi phạm trắng trợn của Trung Quốc trong mắt chuyên gia Nhật đăng ghi: TS Satoru Nagao (nhà nghiên cứu tại Viện Hudson, Mỹ): “Lá bài” điều đình trong quan hệ với Mỹ

Giáo sư Mỹ:  Việt Nam có chiến lược bảo vệ từng centinmet chủ quyền

Trong tháng 6-2019, Trung Quốc có hàng loạt động thái trong khu vực. Đầu tiên, tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Philippines rồi bỏ mặc các thuyền viên giữa biển trong đêm tối, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Triều Tiên.

Bắc Kinh cũng triển khai máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa và những tàu chiến được giao cho Sri Lanka.

Trung Quốc cũng xâm nhập khu vực Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh gây áp lực lên Đài Loan bằng các hoạt động tập trận liên tục…

Tại sao Trung Quốc thực hiện một loạt hành động như vậy chỉ trong giai đoạn ngắn?

Theo tôi, tất cả các hoạt động này đều liên quan tới mối quan hệ Mỹ – Trung. Dưới áp lực căng thẳng Mỹ – Trung, Trung Quốc muốn thể hiện mình là một cường quốc và không dễ cúi đầu trước sức ép của Mỹ.

Nhưng đồng thời, Trung Quốc cũng ngán Mỹ. Vì vậy, Trung Quốc vẫn đang tìm cách ứng phó với Mỹ.

Lấy ví dụ, nếu Trung Quốc thể hiện cách hành xử quyết đoán với các nước khác, Bắc Kinh có thể coi như có một “lá bài” để thỏa thuận với Mỹ. Họ sẽ tìm cách “thể hiện thiện chí” bằng việc ngừng sự quyết đoán (mà họ tạo ra) với một số nước trong khu vực.

PGS.TS Trần Nam Tiến (phó giám đốc Trung tâm biển và đảo, ĐH KHXH&NV TP.HCM):

Giáo sư Mỹ:  Việt Nam có chiến lược bảo vệ từng centinmet chủ quyền

Tổng thống Trump chứng tỏ quyết liệt hơn người tiền nhiệm

Trong tuyên bố đưa ra ngày 20-7 liên quan việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Trung Quốc nên ngưng hành xử kiểu bắt nạt và nên kiềm chế hành động khiêu khích và gây bất ổn khu vực”.

Đây là động thái chứng tỏ Mỹ muốn thể hiện vai trò quản trị trên thế giới, là một lãnh đạo toàn cầu theo chiến lược Washington đặt ra. Đồng thời, đó cũng là tín hiệu cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tỏ ra quyết liệt với những nước như Trung Quốc.

Dù mới thể hiện sức nặng về ngoại giao hơn là thực tiễn, tuyên bố phản đối của Mỹ đối với hành động của Trung Quốc là tín hiệu quan trọng, giúp thế giới quan tâm hơn và nhìn thấy Việt Nam đang hành xử đúng mực và chính nghĩa.

Chúng ta có thể thấy rằng từ lúc lên cầm quyền, Tổng thống Trump đã có một số thay đổi cơ bản trong chính sách đối ngoại. Ông tỏ ra quyết liệt hơn người tiền nhiệm trong việc thể hiện vai trò của Mỹ. Phạm vi của việc thể hiện này rộng hơn, toàn cầu chứ không chỉ là một số khu vực cụ thể, và nó được thể hiện đặc biệt ở những nơi có lợi ích của Mỹ.

Ngoài ra, khi đưa ra thông điệp trong vụ việc cụ thể này, Mỹ rõ ràng rất quan tâm tới tình hình cũng như mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Những ý kiến xuất phát từ các nước như Mỹ rất cần thiết, đặc biệt cần cho tất cả nhìn thấy tính chính nghĩa của Việt Nam trong vụ việc này.

PGS.TS Vũ Thanh Ca (Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội):

Giáo sư Mỹ:  Việt Nam có chiến lược bảo vệ từng centinmet chủ quyền

Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế

Khi điều tàu Hải Dương 8 “thăm dò dầu khí” tại bãi Tư Chính, một khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Bắc Kinh đã sai.

Trước tiên, không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”, tức “đường lưỡi bò”. Thứ hai, không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng.

Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016 đã nêu rõ rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất. Như vậy, theo quy định của UNCLOS, cơ chế pháp lý của bãi Tư Chính được quyết định bởi khoảng cách tới quốc gia gần nhất là Việt Nam và Việt Nam cũng xác định đây là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không có tranh chấp với nước nào.

(Theo Tuổi Trẻ)

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây