Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động trên vùng biển Đông bằng việc triển khai tên lửa, vũ khí tấn công, sân bay,.. trên các đảo chiếm giữ trái phép thuộc chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Quốc cũng không ngần ngại có các vụ việc đụng độ, tấn công bất hợp pháp tàu Cảnh sát biển, tàu cá của Việt Nam và các nước trong khu vực… Ý đồ độc chiếm vùng biển Đông của Trung Quốc ngày càng được thể hiện rõ nét.
Với yêu sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền chiếm đến gần 90% diện tích vùng biển Đông, xâm lấn nghiêm trọng vào chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Mặc dù yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc bị cả thế giới lên án, phản đối, nhưng quốc gia này vẫn đang “mặc kệ” và tiến hành những hành động phi pháp bất chấp mọi sự lên án. Đặc biệt, với tiểu xảo “biến vùng biển không có tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp”, Trung Quốc đang ngày càng khiến diễn biến tình hình tại vùng biển Đông trở nên phức tạp. Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực.
Thủ đoạn cao tay!
Năm 2011, 2012, Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp cắt cáp tàu Bình Minh 1, Bình Minh 2, tàu Viking 2 của Việt Nam, đồng thời đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.
Năm 2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Sau đó, Trung Quốc thường xuyên bí mật tăng cường vũ khí quân sự lên các đảo đang chiếm giữ trái phép thuộc quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trưởng Sa của Việt Nam.
Những ngày gần đây, Trung Quốc tiếp tục có hành động dùng tàu thăm dò dầu khí xâm phạm trái phép vào vùng thềm lục địa của Việt Nam tại vùng bãi Tư Chính.
Rõ ràng, hành động của Trung Quốc đang ngày càng lấn lướt và dần dần muốn mở rộng hơn vùng xâm phạm trái phép với cái cớ được đưa ra là “thực hiện chủ quyền theo “đường lưỡi bò”. Ý đồ độc chiếm biển Đông được thể hiện rõ ràng từ lời nói đến hành động của Trung Quốc.
Vấn đề xảy đến ở đây là trước những hành động trái phép của Trung Quốc, dư luận quốc tế dù có phản đối nhưng vẫn đang bị cuốn theo những “mơ hồ” do chính Trung Quốc gây nên. Một trong những thủ đoạn cao tay mà Trung Quốc sử dụng ở đây là việc “biến vùng biển không có tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp”.
Bản đồ đường lưỡi bò là do Trung Quốc tự vẽ ra, đơn phương tuyên bố mà không hề có các bằng chứng lịch sử cũng như pháp lý nào chứng minh. Thế nhưng, bằng những hành động gây hấn trên biển Đông, Trung Quốc đã hướng lái sai bản chất của sự tranh chấp chủ quyền trên biển. Dù Trung Quốc liên tục vi phạm pháp luật biển quốc tế, nhưng họ lại đánh lạc hướng rằng đó là hành động “tranh chấp”.
Đặc biệt, năm 2014, trong khi Trung Quốc ngang nhiên trái phép xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam thì họ lại tố cáo rằng tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc. Qua đó, “lừa gạt” rằng Việt Nam có xảy ra tranh chấp, phản kháng quân sự, làm phức tạp tình hình khu vực…
Cùng đó, Trung Quốc cũng coi việc gây hấn trên biển Đông tạo thành “bàn đạp” để gây ảnh hưởng lên tình hình chính trị – xã hội của Việt Nam. Năm 2014, ngay sau thông tin Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại biển Đông, hàng đoàn người bị kích động đã tập trung, gây rối, xuống đường đập phá nhà máy, đánh đập người nước ngoài…
Sự việc này ngay sau đó được Trung Quốc sử dụng làm lý do để buộc Việt Nam phải có những ưu đãi về chính sách thu hút đầu tư, có những khoản tiền đền bù. Có lẽ, tình hình xã hội tại Việt Nam càng hỗn loạn thì đó lại càng là cơ hội cho Trung Quốc thực hiện âm mưu, ý đồ trên biển Đông. Càng tiếp tục có cơ hội mở rộng vùng tranh chấp theo ý đồ đặt ra tại biển Đông.
Những ngày này, thông tin về việc Trung Quốc có hoạt động bất hợp pháp tại bãi Tư Chính tiếp tục được lan rộng trên mạng xã hội có thể tiếp tục là một “chiêu” nhằm gây mất ổn định tình hình an ninh tại Việt Nam; đồng thời ngầm muốn biến vùng biển vốn dĩ thuộc chủ quyền của Việt Nam hoàn toàn thành nơi tranh chấp.
Như vậy, thủ đoạn của Trung Quốc là kết hợp gây hấn vũ trang với gây rối tình hình an ninh nhằm những mục đích đánh bóng tên tuổi, gây nhiễu thông tin với quốc tế. Một thủ đoạn nguy hiểm mà nếu không có biện pháp, phương thức ngoại giao khôn khéo, Việt Nam rất dễ dàng “rơi bẫy”.
Đừng mơ!
Ngày 16/7/2019, trước những câu hỏi của truyền thông trong, ngoài nước về những diễn biến tại biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng khẳng định tất cả hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc, đồng thời khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình trước bất cứ hành vi xâm phạm nào.
Lời khẳng định này hướng trực tiếp đến việc chứng minh không hề có tranh chấp nào đang diễn ra tại biển Đông. Phủ nhận hoàn toàn việc xâm phạm trái phép vùng biển của Việt Nam đối với không chỉ Trung Quốc mà toàn bộ các quốc gia khác. Đây là những hành vi “vô giá trị” tức không có bất kỳ một tính pháp lý nào.
Rõ ràng, với kinh nghiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong những năm qua, với chủ trương nhất quán đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, Việt Nam đã nhận rõ được bản chất mưu đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ kiên quyết đến cùng bảo vệ chủ quyền quốc gia, không để bị cuốn theo những thủ đoạn mà Trung Quốc đặt ra để đánh lạc hướng.
Tùng Lâm
Nguồn: Ngọn Cờ