Một đêm ngủ dậy, cả dư luận trầm trồ khi thấy cái cô “nữ hoàng văn hóa tâm linh” lại chiếm sóng Facebook. Từ một câu chuyện tưởng chừng buồn cười, tất thảy sau đó sẽ khiến những người đang tìm hiểu về danh hiệu này, khi cái cô nữ hoàng Phạm Nữ Hiền Ngân lại là Phó ban chống hàng giả thuộc Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam.
Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam thuộc Viện Công nghệ chống làm giả và là cơ quan trực thuộc Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam. Ra mắt vào ngày 28/6/2019, được thành lập và hoạt động với tinh thần bảo vệ người dùng và nhà sản xuất. Cơ cấu của Ban bao gồm 1 trưởng ban và 5 phó ban, đều là những cá nhân làm việc trong cộng đồng doanh nghiệp. Trong 5 phó ban thì có duy nhất bà Phạm Nữ Hiền Ngân không phải doanh nhân.
Danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” của bà Phạm Nữ Hiền Ngân ở tại Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam được thực hiện tôn vinh vào ngày 22/7/2018, tại Ninh Bình. Chương trình do Trung ương Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phối hợp với Công ty XNK Ôtô Ngọc Minh tổ chức trong một cuộc thi có “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam lần thứ I – 2018”.
Điều đáng nói là người được trao danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam năm 2018” như cô Phạm Nữ Hiền Ngân là nhờ việc tham gia hầu đồng – một nghi lễ tâm linh trong các phủ, đền ở Việt Nam một cách tích cực.
Không những thế, nằm trong chương trình “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam” năm 2018, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam cũng đã trao hơn 20 danh hiệu liên quan đến “Nữ hoàng” cho các hội viên tiêu biểu trong các lĩnh vực, ngành nghề.
Phó Giám đốc Công ty TNHH SX TM Trường An bà Hồ Thị Hồng Yến từng được đơn vị này vinh danh là “Nữ hoàng Thương hiệu ngành than” năm 2018. Hay “Nữ hoàng Mỹ phẩm Việt Nam”, “Nữ hoàng trang sức”,… đã được trao danh hiệu ngay trong cùng thời điểm diễn ra trên.
Sau 2 tháng đăng quang “Nữ hoàng” Phạm Nữ Hiền Ngân và một số “Nữ hoàng” khác đã có chuyến công tác giao lưu văn hóa Việt Nam và Pháp cùng nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên.
Được biết, danh hiệu cuộc thi “Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019” sắp tổ chức tới đâ tại Cung Hữu nghị Việt Xô Hà Nội, sẽ có giá trị là chiếc vương miện đúc bằng bạc nguyên khối trị giá 1,8 tỉ đồng. Vương miện được làm bằng vàng và đính kim cương lấy ý tưởng từ bông hoa sen – quốc hoa Việt Nam.
Điều đáng nói, Viện Công nghệ chống làm giả là đơn vị thường xuyên thực hiện các chương trình tôn vinh doanh nghiệp trong nước với những danh hiệu về từng lĩnh vực, nghề nghiệp. Đơn vị này đã không ít lần có những tai tiếng với những danh hiệu giả.
Trong đó, nổi bật nhất là đơn vị này từng vinh danh Công ty Vinaca – một trong những doanh nghiệp sản xuất thuốc ung thư giả bằng bột than tre, khiến cho Cựu Tổng giám đốc của đơn vị này bị xử phạt tới 22 năm tù giam về hành vi sản xuất thuốc ung thư giả.
Cái thú vị ở đây, chính là cả Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam nói chung, chứ không tính riêng gì Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam, từ khi thành lập đến nay đã được 14 năm nhưng không hề xử lý được một vụ hàng hóa giả mạo nào. Thậm chí bị xem là đã tiếp tay cho sai phạm khi công bố danh hiệu cho Công ty TNHH Vinaca vẫn đạt danh hiệu Top 10 Thương hiệu, Sản phẩm, Dịch vụ hàng đầu Việt Nam – 2017.
Năm 2018, dư luận cũng đã được một phen “hết hồn” khi Lãnh đạo Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam lại đi dùng bằng giả để thăng tiến. Đó chính là ông Nguyễn Trọng Khanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam.
Năm 2019, câu chuyện trên lại được lập lại một lần nữa khi Ban của Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam lại dùng “danh hiệu giả” chống “hàng giả”.
Một tổ chức được thành lập để chống hàng giả, nhưng lại chỉ nhằm mục đích trao bằng khen, phong danh hiệu trong lĩnh vực, nghề nghiệp riêng biệt, chứ không làm đúng trách nhiệm của mình. Một cơ quan quản lý nhà nước về chống hàng giả, nhưng lại để tổ chức các chương trình “loạn danh hiệu” đã dẫn tới những tiêu cực trong xã hội. Đặc biệt là với các danh hiệu “Nữ hoàng” như đã nói ở trên dễ dẫn tới những tiêu cực là tình trang “mua – bán” danh hiệu của tổ chức cho các bên liên quan.
Với những tấm bằng khen, danh hiệu “trên trời” như trường hợp “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” như đã nói ở trên đã tạo ra những bình luận tiêu cực từ dư luận xã hội. Thậm chí là còn làm đánh mất đi giá trị văn hóa phát triển lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc mà chúng ta đang hướng tới trong xây dựng văn hóa.
Hiện nay, chưa có quy định nào cấm các tổ chức, đơn vị vinh danh, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Nhưng việc loạn danh hiệu, loạn “nữ hoàng” và danh hiệu giả như đã nói ở trên thì đó là kẽ hở vô cùng nguy hại cho nền văn hóa nước nhà. Khi mà Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đang chấn chỉnh phong tặng danh hiệu, thì Bộ cũng cần phải làm việc một cách nghiêm túc, để tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn” về danh hiệu.
Tùng Lâm
Nguồn: Ngọn Cờ