Trong những ngày cuối tháng 06/2019, phong trào biểu tình phản đối Dự luật Dẫn độ ở Hong Kong tiếp tục diễn ra sôi động, chủ yếu xoay quanh 2 diễn biến. Thứ nhất, báo chí nước ngoài dự đoán rằng đợt biểu tình này sẽ thêm mạnh nhờ việc phóng thích Joshua Wong, một biểu tượng trẻ của phong trào “Ô vàng”, vào ngày 17/06. Thứ hai, là việc các nhóm biểu tình tiếp tục xuống đường từ hôm 16/06, viện cớ họ “không tin tưởng quyết định tạm dừng Dự luật Dẫn độ của bà Carrie Lam”. Chẳng hạn, Mặt trận Nhân quyền tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình đến khi bà Lam đáp ứng 5 yêu sách: “(1) Hủy hoàn toàn Dự luật Dẫn độ, (2) Rút lại lời quy kết rằng cuộc biểu tình hôm thứ 4 là bạo loạn, (3) Điều tra trách nhiệm của cảnh sát trong việc dùng vũ lực với người biểu tình, (4) Thả tất cả những người bị bắt vì biểu tình, và (5) Từ chức”. Như vậy, yêu sách của người biểu tình đã được mở rộng đáng kể, vượt ra ngoài vấn đề phản đối Dự luật, để nhắm đến nhân sự của chính quyền Đặc khu.
Những diễn biến vừa nêu đã trở thành tâm điểm chủ ý của toàn bộ giới chống đối, bất mãn ở Việt Nam. Họ đưa tin, tuyên truyền và tranh luận về mọi khía cạnh của đợt biểu tình, với lượng bài viết và bình luận rất lớn. Có thể tạm chia nội dung tuyên truyền của họ thành 3 chủ đề con – là (1) Bản chất của những xung đột dẫn đến biểu tình, (2) Tình thế của Việt Nam trước những xung đột đó, và (3) Trách nhiệm và hành động cụ thể của mỗi người Việt Nam trong xung đột. Trong 3 chủ đề con vừa kể, giới chống đối gần như đồng thuận về 2 chủ đề đầu, nhưng còn đang tranh cãi về chủ đề thứ 3.
Cụ thể, trong chủ đề con thứ nhất, giới chống đối cho rằng đợt biểu tình ở Hong Kong là kết quả của cả xung đột quốc tế lẫn xung đột cục bộ. Xung đột quốc tế, theo họ, là mâu thuẫn giữa mô hình chính trị của phương Tây và của Trung Quốc, được tăng tốc trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Xung đột cục bộ, theo họ, là mâu thuẫn giữa nhu cầu kiểm soát của chính phủ trung ương Trung Quốc và nhu cầu tự do, tự trị của người dân Hong Kong, vốn quen sống trong mô hình chính trị của Anh. Giới chống đối cho rằng về bản chất, cả xung đột quốc tế lẫn xung đột cục bộ đều xuất phát từ mâu thuẫn giữa “đa đảng” và “độc đảng”, giữa “dân chủ” và “độc tài”. Nói cách khác, họ cho rằng xung đột ý thức hệ là nguyên nhân duy nhất của biểu tình; bất chấp sự tồn tại của nhiều biến số quan trọng khác – như xung đột kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc ở tầm quốc tế, hoặc xung đột giữa các đảng phái, các thế hệ, các tầng lớp, các luồng quan điểm khác nhau về Dự luật Dẫn độ trong chính nội bộ Hong Kong.
Tiếp đó, khi mô tả “xung đột ý thức hệ” vừa nêu, giới chống đối không đứng ở vị trí của người quan sát khách quan, mà đứng ở vị trí người ủng hộ mô hình phương Tây, chống mô hình Trung Quốc. Cụ thể, họ coi đây là một chương trong cuộc chiến toàn cầu giữa “khối độc tài” và “khối thế giới tự do”, kéo dài từ thời Chiến Tranh Lạnh. Để ca ngợi mô hình chính trị của phương Tây, họ ca ngợi người biểu tình Hong Kong ôn hòa, kỷ luật, văn minh, qua những biểu hiện như tuần hành ôn hòa, nhường đường cho xe cấp cứu, thức đến 2h đêm để dọn rác trên đường phố… Để đả kích mô hình chính trị của Trung Quốc, họ công kích Trung Quốc “đàn áp biểu tình bằng bạo lực”, “bưng bít thông tin về biểu tình”, “tuyên truyền dối trá về biểu tình”… Trong quá trình tuyên truyền, bên cạnh các clip thật, không ít tổ chức, cá nhân chống đối sử dụng tin giả, tin không đầy đủ, hoặc các bình luận không xác đáng. Chẳng hạn, nhiều fanpage viết rằng một người biểu tình Hong Kong đã “hi sinh cho dân chủ”, và Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về vụ việc, dù thực ra người này vô tình ngã khỏi dàn giáo khi đang treo biểu ngữ. Nhiều cây bút viết rằng cuộc bạo động hôm 12/06 chỉ đến từ cảnh sát, người biểu tình không hề bạo động; dù phóng viên BBC Helier Cheung, có mặt tại hiện trường, đã khẳng định việc người biểu tình ném đồ đạc vào cảnh sát. Ngoài ra, các đài nước ngoài phát sóng bằng tiếng Việt đồng loạt giật title rằng Nhân dân Nhật báo nói “nhiều người Hong Kong biểu tình để chống Mỹ”, khiến dư luận cho rằng báo này nói dối, khi gán mục đích “chống Mỹ” cho đợt biểu tình để phản đối Dự luật Dẫn độ ở Hong Kong. Trong thực tế, Nhân dân Nhật báo không đưa tin sai, vì họ chỉ đăng bài về một cuộc biểu tình có thật, trong đó vài chục thành viên “Liên minh các Phụ huynh Đặc khu” kêu gọi Mỹ ngừng “khuấy động giới trẻ khiến họ chống lại Dự luật Dẫn độ”.
Cần lưu ý rằng cách nhìn trên chỉ chi phối giới chống đối, chứ không chi phối toàn bộ dư luận phi chính thống ở Việt Nam. Một số cây bút trung lập không viết quá nhiều về Hong Kong, trong khi một số ít hơn tỏ ra nghi ngờ những thông điệp một chiều của giới chống đối. Chẳng hạn, Nguyen Tieu Quoc Dat đăng ảnh một quảng trường ở Mỹ ngập rác sau một buổi vận động bầu cử cho Donald Trump, rồi bình luận rằng người biểu tình Hong Kong đã chủ động không xả rác để thể hiện trình độ nhận thức, mức độ tự chủ và căn cước tập thể của mình với dư luận.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 3 ý kiến.
Thứ nhất, nếu đọc thêm thông tin về đợt biểu tình ở Hong Kong, giới “dân chửi” sẽ thấy các mâu thuẫn “ý thức hệ” chỉ là một trong những nguyên nhân của biểu tình. Biểu tình còn đến từ nhiều xung đột khác – như xung đột kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc ở tầm quốc tế, hoặc xung đột giữa các thế hệ, các tầng lớp, các luồng quan điểm khác nhau về Dự luật Dẫn độ trong chính nội bộ Hong Kong. Chẳng hạn, về xung đột giữa các thế hệ, một phóng viên BBC cho biết cha mẹ của nhiều học sinh, sinh viên không ủng hộ việc con em họ tham gia biểu tình. Xung đột trong quan điểm về Dự luật Dẫn độ thể hiện qua việc một bộ phận không nhỏ cư dân Hong Kong, bao gồm mẹ của cô gái bị sát hại ở Đài Loan, vẫn ủng hộ dự luật. Về vai trò của các nhóm lợi ích kinh tế, nếu năm 2014, Phòng Thương Mại Hong Kong và một số phòng thương mại nước ngoài đã phản đối kế hoạch biểu tình chiếm khu trung tâm thương mại Central, thì năm 2019, khoảng vài trăm doanh nghiệp, bao gồm cả một số doanh nghiệp lớn, đã hỗ trợ phong trào bằng cách ngừng kinh doanh hoặc linh hoạt hóa giờ làm, để nhân viên có quyền đi biểu tình. Qua việc giới doanh nhân tư sản quyết định ủng hộ hoặc chống biểu tình không phải vì ý thức hệ, mà tùy vào việc người biểu tình có bảo vệ lợi ích của họ hay không, có thể thấy trong những nguyên nhân dẫn đến đợt biểu tình ở Hong Kong, lợi ích thực tiễn quan trọng hơn “ý thức hệ”.
Thứ hai, vì sao giới “dân chửi” cố bóp méo sự thật, để quy hết nguyên nhân của biểu tình cho “ý thức hệ”? Lý do nằm ở chỗ họ nhiều tham vọng mà ít thực lực, không dựa vào dân mà dựa vào ngoại quốc. Họ mong thế giới vẫn đang ở trong thời Chiến Tranh Lạnh, để các ông bà cờ vàng được ngửa tay xin Mỹ tiền chống Cộng, hoặc viết thư xin tàu chiến Mỹ bơi đến chống Trung Quốc hộ mình. Với lối tư duy lệ thuộc này, họ chỉ tự biến mình thành quân cờ của Mỹ, biến Việt Nam thành chiến trường nóng của Chiến Tranh Lạnh, trước khi họ bị Mỹ vứt bỏ.
Thứ ba, khi giới “dân chửi” tuyên truyền về Hong Kong bằng tin giả, họ không góp phần “quảng bá dân chủ”, cũng không góp phần làm Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn. Họ chỉ góp phần gia tăng dối trá trong xã hội, và khiến độc giả Việt Nam hiểu rằng cái “thế giới tự do” giả tưởng của họ cũng có thể nói dối.
Nguồn: Loa Phường