Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành… mong muốn lãnh đạo tỉnh Bình Định tính toán hài hòa lợi ích của các bên khi “bứng” 3 khách sạn ngàn tỉ nằm ven biển Quy Nhơn.
Bãi biển Quy Nhơn có hàng ngàn người dân và du khách đến tắm mỗi ngày – ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng hộ lãnh đạo tỉnh Bình Định “bứng” 3 khách sạn ngàn tỉ ven biển Quy Nhơn, gồm: Bình Dương (2 sao), Hải Âu (4 sao), Hoàng Yến (4 sao) ở đường An Dương Vương (TP.Quy Nhơn) để trả lại không gian biển cho cộng đồng; nhiều ý kiến cũng mong lãnh đạo tỉnh Bình Định tính toán kỹ để làm hài hòa lợi ích của các bên, đừng để nhà đầu tư “ngồi trên lửa”.
Trong đó, điều quan trọng là cộng đồng được hưởng lợi nhưng doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng không phải chịu thiệt.
Cách đây 20 năm, khi khu vực các khách sạn này vắng như chùa bà Đanh, thì không ai nói gì? Rồi thời gian 2008 – 2012, khi nền kinh tế thế giới bị khủng hoảng, các doanh nghiệp xây dựng khách sạn lên phải trả lãi vay cho ngân hàng biết bao nhiêu là tiền. Có ai nghĩ cho họ vấn đề đó không?
Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành ở Bình Định
Các khách sạn ven biển Quy Nhơn đang “ăn nên làm ra”
Trao đổi với PV Thanh Niên, giám đốc một doanh nghiệp lữ hành ở Bình Định cho rằng chủ trương di dời các khách sạn ven biển của lãnh đạo tỉnh Bình Định rất được lòng dân, nhưng để thực hiện tốt việc này cần phải giải quyết nhiều bài toán. Nếu không tìm ra được lời giải hợp lý cho những bài toán này, thì việc di dời các khách sạn sẽ có nhiều tác động không tốt.
Theo vị giám đốc này, các khách sạn ven biển Quy Nhơn đang “ăn nên làm ra”, nộp tiền thuế cho ngân sách nhưng giờ tỉnh Bình Định lại chi tiền ngân sách ra đền bù để giải tỏa nó là một sự lãng phí.
Trong thời điểm nay, các khách sạn ven biển Bình Dương, Hải Âu, Hoàng Yến tồn tại vẫn có lợi cho xã hội. Mấy chục năm qua, những khách sạn này vẫn là “chim đầu đàn” trong việc thu hút du khách lưu trú ở tỉnh Bình Định, mà cho đến nay vẫn chưa có khách sạn nào thay thế được. Vì vậy, nếu quy hoạch chỉnh trang đô thị, thì cần phải có chiến lược lâu dài, thông báo rõ ràng và đền bù thỏa đáng cho doanh nghiệp.
“Muốn phát triển du lịch thì lãnh đạo tỉnh và người dân Bình Định phải có cái nhìn thiện chí với nhà đầu tư. Cách đây 20 năm, khi khu vực các khách sạn này vắng như chùa bà Đanh, thì không ai nói gì? Rồi thời gian 2008 – 2012, khi nền kinh tế thế giới bị khủng hoảng, các doanh nghiệp xây dựng khách sạn lên phải trả lãi vay cho ngân hàng biết bao nhiêu là tiền. Có ai nghĩ cho họ vấn đề đó không?
Đến bây giờ, khi du lịch Quy Nhơn bùng nổ lại thu hồi đất, bắt các khách sạn dời đi! Chủ các khách sạn này không làm sai điều gì cả, họ xây dựng khách sạn chỗ đó đã được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh. Bây giờ đang kinh doanh ngon lành thì bị thu hồi. Làm như vậy là không có sự công bằng với nhà đầu tư”, vị giám đốc này nói.
3 khách sạn Bình Dương, Hoàng Yến, Hải Âu nằm ven biển Quy Nhơn – ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Không nên “nói xong làm ngay”
Trong khi đó, giám đốc một công ty du lịch khác ở Bình Định cũng cho rằng lãnh đạo tỉnh Bình Định không thể một lúc chi tiền để thu hồi hết các khách sạn ven biển, và không nên “nói xong làm ngay” khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.
Trước mắt, tỉnh nên đề nghị các khách sạn nói trên phải quan tâm chỉnh trang cho khu vực bãi biển đẹp lên, hoạt động sao cho có hiệu quả và đóng góp vào ngân sách cho tốt, thì mới có lợi cho các bên. Nếu cần thiết thì yêu cầu các khách sạn này hỗ trợ thêm về dịch vụ bãi biển để phục vụ du khách tốt hơn. Làm như vậy thì doanh nghiệp được, Nhà nước cũng được mà xã hội cũng được lợi.
“Nên sử dụng công cụ thu ngân sách để điều tiết lợi ích của các bên, thì vẫn tốt hơn là dùng ngân sách để thu hồi nó (các khách sạn ngàn tỉ ven biển Quy Nhơn). Việc thu hồi đất của các khách sạn phải có một chiến lược, lộ trình cụ thể, lâu dài để chủ các khách sạn còn bố trí phương án kinh doanh mới, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động… Lãnh đạo tỉnh phải cân đối, hài hòa lợi ích của các bên, thì các doanh nghiệp mới yên tâm tìm đến để đầu tư, làm ăn”, vị giám đốc này nói.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty CP Khách sạn Hoàng Yến (đơn vị chủ quản khách sạn Hoàng Yến), cũng khẳng định hoàn toàn ủng hộ chủ trương của lãnh đạo tỉnh Bình Định để cho bờ biển Quy Nhơn thông thoáng hơn nhưng các cơ quan chức năng cần phải tính toán làm sao để đảm bảo hài hòa quyền lợi của các bên.
Khu vực biển Quy Nhơn sau lưng 3 khách sạn nằm trong kế hoạch di dời vẫn đang được cộng đồng sử dụng – ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Nên thực hiện theo lộ trình
Theo ông Tô Tử Thanh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 1996 – 2001), ý tưởng di dời 3 khách sạn ven biển Quy Nhơn để xây dựng công viên của lãnh đạo tỉnh Bình Định là vì lợi ích của người dân nên được nhiều người đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt chủ trường này, thì lãnh đạo tỉnh phải làm rất kỹ, rất chặt chẽ về lộ trình, vị trí đất đai bố trí mới, cũng phải tính đến số tiền đền bù cho chủ khách sạn cho thỏa đáng…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng cho biết tất cả công trình che khuất tầm nhìn ra biển đều bị giải tỏa theo lộ trình để tạo không gian thông thoáng cho phố biển Quy Nhơn.
Trước mắt, tỉnh Bình Định đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tài sản do thu hồi khu đất của khách sạn Bình Dương. Hiện Bình Định đang tính toán phương án cụ thể đối với khách sạn Hải Âu và Hoàng Yến.
Nguồn: Thanh niên