Trang chủ Tin tức Điều tra: Thủ thuật xóa dấu vết 'made in China' của Asanzo

Điều tra: Thủ thuật xóa dấu vết 'made in China' của Asanzo

213
0

Tivi là sản phẩm chủ lực của Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam suốt những năm qua, còn gần đây máy lạnh vọt lên đứng thứ hai. Bao bì, tem nhãn của Asanzo luôn được ghi “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” và “xuất xứ Việt Nam”.

Điều tra: Thủ thuật xóa dấu vết 'made in China' của Asanzo

Công đoạn sản xuất tại Công ty cổ phần điện tử Asanzo thực chất là lắp ráp linh kiện từ Trung Quốc

Sau khi chứng minh hàng loạt công ty nhập đồ điện gia dụng hiệu Asanzo từ Trung Quốc, chúng tôi tập trung làm rõ tivi và máy lạnh nhãn hiệu Asanzo bán trên thị trường có phải là hàng Việt, xuất xứ Việt Nam như Asanzo công bố? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã theo hàng trăm container từ Trung Quốc về Việt Nam và “đột nhập” vào tận nhà máy Asanzo ở KCN Vĩnh Lộc, Tân Bình (TP.HCM)…

Đường đi của container đến từ Trung Quốc

Trong những tháng đầu năm 2019, chúng tôi đã đeo bám hàng trăm container linh kiện tivi và máy lạnh từ Trung Quốc về cảng Cát Lái.

Ngày 8-4, nhóm phóng viên trực chiến tại cảng Cát Lái ghi nhận Công ty Lê Quang ở quận 12 và Công ty Văn Đoàn ở  quận 7 làm thủ tục thông quan nhiều container linh kiện điện tử nhập từ Trung Quốc. Để tránh bị mất dấu, chúng tôi đánh dấu ngẫu nhiên hai container số hiệu TEMU3434… và SEGU6321… của hai công ty này để bám theo.

Hơn 8h sáng 9-4, xe chở container số hiệu TEMU3434… rời cảng Cát Lái chạy thẳng đến nhà máy Asanzo tại KCN Vĩnh Lộc. Một nhóm công nhân túa ra khuân vác thùng cactông vào trong. Trong container này có 6 loại linh kiện lắp ráp tivi do Công ty Xin Ying Global bán cho Công ty Lê Quang, được xếp lên tàu RHL ASTRUM tại cảng Nansha ở tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc.

Đến 17h cùng ngày, container số hiệu SEGU6321… của Công ty Văn Đoàn cũng về tới nhà máy Asanzo Vĩnh Lộc. Vận đơn DCSZ190400… thể hiện container này được xếp lên tàu CASTORN tại cảng Shekou (Thẩm Quyến, Trung Quốc). Bên trong container chứa 402 tấm panel LCD do Công ty Hong Kong Kangguan Technology cung cấp.

Theo điều tra của chúng tôi, trong bốn tháng đầu năm 2019, Công ty Lê Quang đã nhập hàng trăm ngàn linh kiện lắp ráp tivi từ các công ty Trung Quốc. Còn Công ty Văn Đoàn nhập hơn 128.000 linh kiện tivi, chủ yếu là tấm panel LCD.

Tương tự với máy lạnh cũng là hàng Trung Quốc. Tập đoàn điện tử Asanzo công bố trong mùa cao điểm nắng nóng 2019 này đã bán ra thị trường hơn 160.000 bộ máy lạnh Asanzo. Linh kiện máy lạnh từ đâu ra trong khi Asanzo không sản xuất linh kiện? Chúng tôi chia nhiều mũi truy tìm nguồn cung cấp cho Asanzo.

Mũi trực chiến tại cảng Cát Lái ghi nhận ngày 24-4, Công ty Trần Thoàn thông quan 6 container chứa linh kiện máy lạnh gồm: cục nóng, dàn ngưng tụ, môtơ nén do Công ty Ningbo Aux Import & Export cung cấp.

Tiếp đó, ngày 31-5 và 1-6 công ty này thông quan tiếp 5 container linh kiện máy lạnh. Các container này xuất phát từ cảng Ningbo, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đến cảng Cát Lái. Bám theo các xe chở container này từ lúc rời cảng, chúng tôi ghi nhận hầu hết đều được đưa về nhà máy Asanzo ở KCN Vĩnh Lộc.

Vậy là đã rõ, hầu hết các container hàng hóa từ Trung Quốc nhập về đều có một điểm đến, đó là nhà máy Asanzo ở KCN Vĩnh Lộc. Vậy Asanzo làm gì với số linh kiện khổng lồ này trước khi đưa sản phẩm hoàn chỉnh ra thị trường?

Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã vào nhà máy Asanzo để tìm câu trả lời…

Điều tra: Thủ thuật xóa dấu vết 'made in China' của Asanzo

“Tổng hành dinh” Asanzo tại KCN Vĩnh Lộc (quận Bình Tân, TP.HCM) với nhà máy sản xuất nhưng thực chất chỉ là xưởng lắp ráp tivi – Ảnh: M.THƯƠNG

Trong nhà máy Asanzo có gì?

Đầu tháng 4-2019, trước cổng nhà máy Asanzo có thông báo tuyển lao động, chúng tôi liền nộp đơn xin việc. Bốn ngày sau, một phụ nữ tên Kiều gọi điện hẹn đến nhà máy Asanzo tại KCN Vĩnh Lộc phỏng vấn.

Mặc dù cố ý nói không biết gì về điện, chưa từng mở thiết bị điện tử nhưng chúng tôi vẫn trúng tuyển. Thời gian thử việc hai tháng, lương 4,5 triệu đồng/tháng. Một thanh niên trực tiếp tuyển dụng nói công việc rất đơn giản, chỉ cần gắn các linh kiện nhỏ và vặn ốc vít nên không cần kinh nghiệm hay bằng cấp chuyên môn điện tử.

Bà Kiều tách chúng tôi thành hai nhóm làm việc ở KCN Tân Bình và KCN Vĩnh Lộc. Trong đó, nhà máy ở KCN Vĩnh Lộc được xem là tổng hành dinh của Asanzo.

Ngày đầu tiên vào nhà máy, chúng tôi được một người quản lý tên Phúc đưa bản cam kết ghi 12 điều quy định bắt đọc và ký tên. Trong đó điều thứ 10 nghe có vẻ nghiêm trọng: “Bảo vệ tài sản và bí mật công nghệ của công ty. Giữ bí mật các sản phẩm của công ty. Không mang bất kỳ sản phẩm, tài liệu kinh doanh nào ra khỏi công ty”.

Nói là nhà máy cho hoành tráng, thực ra đây chỉ là xưởng lắp ráp có khoảng 12 chuyền và trên dưới 200 công nhân. Làm việc thời gian khá dài nhưng chúng tôi không hề thấy nhà máy sản xuất bất cứ linh kiện nào. Hỏi các công nhân làm lâu năm, họ nói linh kiện nhập từ Trung Quốc đưa về đây lắp ráp chứ không có sản xuất.

Chúng tôi được bố trí vào chuyền số 1 học việc duy nhất một ngày rồi đứng làm như những công nhân khác. Tại mỗi chuyền đều có một xấp tài liệu hướng dẫn quy trình lắp ráp tivi của Asanzo.

Theo đó, chỉ có 6 bước để “sản xuất” một chiếc tivi. Bước 1: lấy panel LCD từ trong thùng ra đặt lên chuyền và lắp bảng mạch vào. Bước 2: gắn dây tín hiệu, dây LED, dây nguồn và cáp vào bảng mạch và panel. Bước 3: kiểm tra và gắn nắp lưng. Bước 4: bắn ốc vít. Bước 5: kiểm tra tổng thể chiếc tivi. Bước 6: vệ sinh và dán tem.

Ngay khi lấy tấm panel LCD ra khỏi thùng cactông đặt lên chuyền bắt đầu quy trình “sản xuất”, chúng tôi nhìn thấy ở góc phải, bên dưới có dán một tem sườn hình chữ nhật (dán ở cùng vị trí và có cùng kích thước với chiếc tem bị rách trong tivi Asanzo mà chúng tôi đã mua ở một siêu thị điện máy trước đó). Trên tem sườn in thông tin model, mã số panel LCD. Đặc biệt là dòng chữ in hoa “made in China” ngay phía trên mã vạch.

Điều tra: Thủ thuật xóa dấu vết 'made in China' của Asanzo

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Theo tài liệu hướng dẫn quy trình lắp ráp của Asanzo, công nhân đứng tại vị trí số 3 có nhiệm vụ xóa dấu vết chữ “made in China”. Người này sẽ dán tem trên panel, bảng mạch và tem sườn trước khi gắn nắp lưng. Tem dán ở panel và bảng mạch có hình chữ nhật, góc trái là chữ ASG, bên phải là 12 ô ghi từ tháng 1-12, còn góc trái bên dưới là ô ghi năm sản xuất.

Ngay bên cạnh tem ASG còn dán tem có mã vạch. Asanzo cũng in ảnh thực tế tem sườn panel LCD có sẵn chữ “made in China” vào tài liệu để hướng dẫn công nhân dùng tem ASG và tem có mã vạch dán chồng lên để che mất chữ “made in China”.

Tuy nhiên khi đứng vào chuyền, chúng tôi được người quản lý yêu cầu gỡ bỏ tem sườn có chữ “made in China” trên panel LCD chứ không dán tem chồng lên như tài liệu hướng dẫn.

Vì tem sườn do nhà cung cấp Trung Quốc dán rất khó gỡ bằng tay, chúng tôi được dạy dùng miếng tem khác (giống như băng keo) dán chéo lên tem sườn, sau đó giật ngược lại. Lớp mặt của tem sườn bị lột ngay lập tức. Thông tin model, chữ “made in China” đều mất sạch. Mặt dưới tem sườn nham nhở vẫn để nguyên cho đến khi tivi được đóng gói bán tới tay người tiêu dùng.

Điều tra: Thủ thuật xóa dấu vết 'made in China' của Asanzo

Công đoạn cuối cùng trong quy trình “sản xuất” tivi tại Nhà máy Asanzo Vĩnh Lộc: đóng thùng đưa ra thị trường tiêu thụ

Trong thời gian làm việc trong nhà máy, chúng tôi cố ý chỉ xé một góc tem sườn và chừa lại dòng chữ “made in China” (khoảng 10 tấm panel LCD). Công nhân ở các vị trí sau chỉ phát hiện trả lại, bắt chúng tôi gỡ sạch chữ 3 cái panel LCD. Số còn lại vẫn lọt qua tới khâu bỏ tivi vào thùng cactông đưa ra thị trường tiêu thụ.

Còn công việc tại “nhà máy” ở KCN Tân Bình đơn giản hơn nhiều. Tại đây chỉ có một chuyền lắp ráp đồ điện gia dụng với khoảng 30 người làm việc. Phần lớn diện tích nhà xưởng dùng để chứa thùng cactông linh kiện và thành phẩm.

Do chúng tôi là “lính mới” nên thời gian đầu chỉ được giao khui thùng cactông chứa linh kiện có chữ “made in China” đưa lên chuyền cho công nhân lắp ráp. Mấy ngày đầu làm việc tại đây, chúng tôi chỉ khui thùng lấy linh kiện bếp điện từ để lắp ráp. Mỗi thùng cactông có hai ngăn, mỗi ngăn chứa 5 bộ bếp có in sẵn chữ Asanzo màu xanh.

Sau khi đặt bộ bếp điện lên chuyền, một nam công nhân dùng tuôcnơvit tháo ra thành hai bộ phận rồi lấy miếng tem nhỏ có chữ ASG dán vào bảng mạch. Nữ công nhân đứng đối diện lắp ráp bộ phận phát nhiệt có hình tròn, mặt lõm, đường kính khoảng 20cm. Chỉ qua vài khâu lắp ráp và dán tem, chiếc bếp điện được cho vào thùng cactông đóng gói.

Như vậy, chỉ bằng các thao tác lắp ráp đơn giản, những sản phẩm nhãn hiệu Asanzo đã ra đời và tỏa đi khắp nơi.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp nhập khẩu máy lạnh nguyên chiếc phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và kiểm tra chất lượng nhà nước. Việc tháo rời và khai báo linh kiện nhằm mục đích “né” kiểm tra và thuế tiêu thụ đặc biệt rất lớn. Vấn đề này sẽ được chúng tôi phân tích kỹ trong các bài viết sau.

Điều tra: Thủ thuật xóa dấu vết 'made in China' của Asanzo

“Giải phẫu” tivi Asanzo?

Chúng tôi đến một cửa hàng điện máy mua chiếc tivi LED Asanzo 32AS100 với giá 3.890.000 đồng để “khám phá” công nghệ Nhật Bản mà tập đoàn này quảng cáo.

Mặt trước tivi có dán nhãn năng lượng 4 sao kèm thông tin “Hãng sản xuất: Asanzo. Xuất xứ: Việt Nam”. Ở giữa ốp lưng mặt sau dán tem in mã vạch và thông tin model, số máy. Nổi bật nhất là dòng chữ “Asanzo – Japan Technology”, bên cạnh là dòng chữ “made in Việt Nam”.

Khi mở nắp lưng tivi, đập vào mắt chúng tôi là chiếc tem màu trắng kích thước 1,5x4cm dán lên thanh kim loại panel LCD bị rách nham nhở, giống như những gì chúng tôi nhìn thấy trong nhà máy tại KCN Vĩnh Lộc. Đây chính là tem sườn có chữ “made in China” bị Asanzo gỡ trong quá trình lắp ráp tivi.

Bị đuổi việc vì nhìn kỹ “quy trình” lắp ráp

Đầu tháng 4-2019, một phóng viên Tuổi Trẻ được nhận vào làm việc tại nhà máy Asanzo ở KCN Tân Bình, nhưng chỉ được phân công làm những việc lặt vặt, bốc xếp hàng. Làm việc khoảng một tuần, khi phóng viên này chăm chú nhìn quy trình dán tem nhãn xóa dấu vết hàng Trung Quốc thì bị người quản lý phát hiện nhắc nhở. Sau đó phát hiện phóng viên tiếp tục chăm chú nhìn quy trình “xóa dấu vết”, người quản lý liền kéo ra ngoài nói: “Anh về đi. Anh bị đuổi việc vì vi phạm nội quy”.

Nhiều công ty đăng ký địa chỉ “ma”

Trong tháng 4 và tháng 5-2019, chúng tôi đã phối hợp với công an các địa phương tìm văn phòng các công ty nhập khẩu đồ điện gia dụng và linh kiện tivi, máy lạnh đưa về Nhà máy Asanzo. Kết quả: tất cả doanh nghiệp (DN) đăng ký trên cổng thông tin quốc gia về DN không tồn tại trong thực tế hoặc có địa chỉ nhưng người đại diện không có thật.

Cụ thể, Công ty TNHH đầu tư sản xuất Phương Nguyên (mã số DN: 0315471884) đăng ký lần đầu tại số 38/10 An Phú Đông 10, phường An Phú Đông, quận 12 (TP.HCM). Chúng tôi tìm hết mọi ngóc ngách nhưng ở đây không tồn tại số 38/10, thậm chí số nhà 38 cũng không có.

Thấy trong giấy đăng ký kinh doanh ghi người đại diện pháp luật là bà Dương Thị Ngọc Giàu (ngụ xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, Tiền Giang), lập tức chúng tôi tìm đến nhà bà Giàu để tìm hiểu. Do bà Giàu đi vắng nên người nhà cho số điện thoại để liên hệ. Qua điện thoại, bà Giàu khẳng định không đăng ký thành lập bất kỳ một công ty nào.

Công ty TNHH đầu tư thương mại kỹ thuật Lê Quang (mã số DN: 0315201648) có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số 361/49 Hà Huy Giáp, khu phố 3B, phường Thạnh Lộc, quận 12. Nhưng cảnh sát khu vực phụ trách khu phố 3B sau khi tìm kiếm khẳng định không có địa chỉ này và cũng chưa từng biết có Công ty Lê Quang trên địa bàn.

Tương tự, UBND và Công an xã Long Thạnh Mỹ, quận 9 cũng khẳng định trên địa bàn không tồn tại địa chỉ 805/21 Nguyễn Xiển mà Công ty TNHH đầu tư XNK Trần Thoàn (mã số DN: 0315158505) đăng ký kinh doanh.

Còn Công ty TNHH hợp tác đầu tư Thạch Sơn (mã số DN: 0314844163) ghi địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số 174/1G1 Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp. Chúng tôi đi tìm công ty này nhiều lần nhưng không thể tìm được. Ông Nguyễn Kiên Trung – phó chủ tịch UBND phường – khẳng định đây là địa chỉ “ma” vì địa bàn chỉ có hẻm 174 Dương Quảng Hàm, nhưng không tồn tại số nhà 174/1G1.

* Còn tiếp

NHÓM PV

Nguồn: Tuổi trẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây