Trang chủ Luận bàn - Phản biện Đằng sau ngọn cờ dân chủ, nhân quyền là mưu đồ kích...

Đằng sau ngọn cờ dân chủ, nhân quyền là mưu đồ kích động biểu tình, tiến hành bạo loạn lật đổ

162
0

Thời gian gần đây, trên rất nhiều trang mạng truyền thông của các thế lực chống đối cũng như trên các website, trang báo nước ngoài có cái nhìn thù hằn với Việt Nam thường xuyên đăng tải thông tin liên quan đến việc biểu tình tại Hồng Kông. Thẳng thắn đánh giá, việc người dân xuống đường biểu tình ở Hồng Kông là vấn đề đang được cả thế giới chú ý. Ấy vậy nhưng, lo lắng thay, những người trên lại cố tình gán ghép việc biểu tình với Việt Nam, đưa ra nhiều bài viết mang tính kích động người dân Việt Nam tiến hành biểu tình. Thậm chí có nhiều bài viết thể hiện sự chê bai đối với thanh niên Việt Nam khi không xuống đường biểu tình. Vậy mưu đồ cuối cùng ở đây là gì?

Đằng sau ngọn cờ dân chủ, nhân quyền là mưu đồ kích động biểu tình, tiến hành bạo loạn lật đổTừ cuộc biểu tình ở Hồng Kông, nhiều kẻ cố tình hướng lái, kích động biểu tình tại Việt Nam.

Vì sao cố kích động người dân Việt Nam xuống đường biểu tình?

Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ biểu tình là quyền lợi của công dân. Hiến pháp năm 2013 của nước ta quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Trên thực tế, biểu tình là một cách thể hiện ý chí, nguyện vọng của bản thân đối với giới lãnh đạo. Thông thường, biểu tình chỉ diễn ra khi người dân không còn con đường nào khác để quyền đạt ý kiến của mình, khi mà những bất đồng quan điểm giữa người biểu tình và giới lãnh đạo lên đến đỉnh điểm, không thể dung hòa quan điểm giữa các bên.

Việc tiến hành biểu tình thể hiện quyền lực của nhân dân, thể hiện tính dân chủ của nhà nước. Với Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng và bảo vệ quyền biểu tình của nhân dân. Tuy nhiên, biểu tình không có nghĩa là thiếu kiểm soát. Việc biểu tình cần tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật liên quan. Vì suy cho cùng, biểu tình là cách thức để người dân đề đạt, thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình, là con đường để xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh và dân chủ hơn.

Vụ việc người dân Hồng Kông xuống đường biểu tình đang thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận thế giới. Thực tế, đây không phải là lần đầu ở Hồng Kông diễn ra biểu tình phản đối chính quyền. Năm 2014, với phong trào Dù Vàng, Hồng Kông cũng lâm vào cảnh hỗn loạn. Hàng loạt người dân, đặc biệt là giới sinh viên đã ra đường biểu tình để phản đối chính quyền Bắc Kinh can thiệp sâu, ngăn chặn tính dân chủ tại đây.

Việc nhiều người trẻ tại Hồng Kông xuống đường biểu tình là một vấn đề mang tính lịch sử. Với đặc điểm “một quốc gia, hai chế độ”, chế độ chính trị tại Hồng Kông và Trung Hoa đại lục tồn tại nhiều bất đồng. Cụ thể, Hồng Kông vẫn đi theo con đường tư bản trong khi đó Trung Quốc lại đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Chính những bất đồng chính trị này là nguyên do của những mâu thuẫn khó có thể bù đắp. Chính quyền Bắc Kinh luôn muốn xoá bỏ điều này nên đã tìm nhiều cách để áp đặt sự thống trị lên Hồng Kông. Đây là nguồn gốc sâu xa dẫn đến các mâu thuẫn ở đây liên tục nổ ra.

Tuy nhiên, nhiều người cố tình lờ đi đặc điểm chính trị của Hồng Kông mà chỉ tập trung vào việc người dân xuống đường biểu tình để từ đó cổ suý, kích động hành động tương tự tại Việt Nam. Thậm chí, nhiều đối tượng đã tung ra các bài viết có nội dung chê bai, đả kích thanh niên Việt Nam khi họ không xuống đường biểu tình chống chính quyền. Đây là một chiêu trò vô cùng nguy hiểm và có chủ đích. Đằng sau ngọn cờ dân chủ, nhân quyền là mưu đồ thực hiện các cuộc cách mạng đường phố để tiến hành bạo loạn, lật đổ chính quyền.

Cách mạng đường phố, bạo loạn lật đổ

Thực tế, cách mạng màu, cách mạng đường phố đang là một trong những chiêu bài được các thế lực chống đối sử dụng để tiến hành bạo loạn lật đổ, chống đối chính quyền, thậm chí là thay đổi thể chế.

Với Việt Nam, việc cổ suý, kích động bạo loạn cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Dù Việt Nam đang tiến hành hợp tác một cách sâu rộng với các quốc gia, khu vực trên thế giới, không phân biệt thể chế chính trị. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến đấu tranh giai cấp, những bất đồng trong xu hướng chính trị vẫn không thể xoá nhoà. Chính vì vậy, sự bài xích, đấu tranh với nhau giữa các quốc gia có thể chế chính trị khác nhau là điều mang tính hiển nhiên. Cùng với đó, qua thực tiễn lịch sử Việt Nam có thể thấy có không ít người có lợi ích gắn liền với chế độ cũ vẫn chưa từ bỏ được sự thù hằn, chưa chấp nhận thực tiễn chế độ cũ đã bị loại bỏ.

Vì những lý do trên, nhiều thế lực đang đẩy mạnh tuyên truyền, cổ suý việc tiến hành biểu tình nhằm gây bất ổn về chính trị, từ đó tác động, thay đổi thể chế chính trị của nước ta. Thậm chí, có không ít thế lực không tiếc bỏ tiền của để mua chuộc, lôi kéo, bồi dưỡng, đào tạo những đối tượng bất mãn, chống đối từ đó hình thành hạt nhân chống phá trong nước.

Hiện nay, mỗi người trong xã hội, đặc biệt là những người trẻ cần tự trang bị cho bản thân những hiểu biết về tình hình chính trị, xã hội trong và ngoài nước, tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Tạp chí Bút danh

Nguồn: Ngọn Cờ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây