Trang chủ Loa Phường Lý Hiển Long vì ai, và nhân danh ai khi nói Việt...

Lý Hiển Long vì ai, và nhân danh ai khi nói Việt Nam “xâm lược” Campuchia?

170
0

Cuối tháng 05/2019, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã viết trên Facebook trong chiến tranh chống Khmer Đỏ, Việt Nam đã “xâm lược” Campuchia. Phát ngôn này đã dấy lên trong dư luận phi chính thống Việt Nam một cuộc tranh luận đa chiều, bao gồm cả ủng hộ lẫn phản đối.

Lý Hiển Long vì ai, và nhân danh ai khi nói Việt Nam “xâm lược” Campuchia?

Cụ thể, ngày 31/05/2019, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đăng lên trang Facebook của mình một bài viết về cái chết của cựu thủ tướng Thái Lan Prem Tinsulanonda. Khi nhắc lại quan hệ thân thiết giữa ông này với cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, bài viết có đoạn như sau:

“Thời điểm ông ấy (Prem Tinsulanonda) làm thủ tướng trùng với thời điểm năm nước thành viên ASEAN cùng nhau chống lại sự xâm lược của Việt Nam vào Campuchia và chính phủ Campuchia sau đó đã thay thế chế độ Khmer Đỏ. Thái Lan lúc đó ở chiến tuyến, đối mặt với quân đội Việt Nam tràn qua biên giới giữa họ và Campuchia. Tướng Prem khi đó đã kiên quyết không chấp nhận hành động này, và đã làm việc với các đối tác ASEAN để phản đối sự chiếm đóng của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Điều này ngăn cản một cuộc xâm lược quân sự và thay đổi chế độ không bị hợp pháp hóa”.

Ngày 04/06, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng khẳng định rằng phát biểu vừa nêu “phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận”. Từ ngày 05/06, nhiều tờ báo chính thống, cùng các blog và fanpage ủng hộ Nhà nước ở Việt Nam cũng đồng loạt đưa ra bình luận tương tự. Những bình luận này chủ yếu truyền đi 2 thông điệp: thứ nhất, ông Lý Hiển Long đã thiếu công bằng, vì nhìn nhận sự kiện tách rời bối cảnh lịch sử tổng thể; thứ hai, ông Lý “nợ nhân dân Việt Nam và các chiến sỹ quân tình nguyện một lời xin lỗi”.

Ngày 07/06, Thủ tướng Campuchia Hun Sen viết trên Facebook: “Phát ngôn của ông Lý cho thấy quan điểm ủng hộ lúc đó của Singapore đối với chế độ diệt chủng và mong muốn nó quay trở lại Campuchia như thế nào. Các phát ngôn của ông Lý còn là sự xúc phạm đến sự hi sinh của bộ đội tình nguyện Việt Nam, những người đã giúp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng. Tuyên bố của ông còn nói với thế giới và nhân dân Singapore rằng các lãnh đạo Singapore đã nhúng tay vào việc thảm sát người Campuchia. Điều cuối cùng, tôi hỏi liệu ông, Lý Hiển Long, có còn xem các phiên tòa xét xử lãnh đạo Khmer Đỏ là hợp pháp hay không?”.

Đáp lại, ngày 07/06, Chủ tịch Quốc hội Singapore nói tranh cãi về phát ngôn của Thủ tướng Lý Hiển Long không thể thay đổi việc Việt Nam “xâm lược” Campuchia trong quá khứ, và cũng không thay đổi hiện tại là “bạn tốt” giữa Singapore và Việt Nam. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Singapore cũng ra thông cáo báo chí có ý chính tương tự, kèm theo lời khẳng định rằng Singapore “không muốn thấy Khmer Đỏ quay lại Campuchia”, và “từng bảo trợ các nghị quyết Đại hội đồng lên án Khmer Đỏ để bảo đảm họ không được tham gia mọi chính phủ sau này ở Campuchia” vào năm 1988.

Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 4 ý kiến về cuộc tranh luận này.

Thứ nhất, dù quyết định chiếm đóng Campuchia của Việt Nam không phù hợp với pháp luật quốc tế, nó phù hợp với lợi ích của người dân Campuchia. Điều này đã được khẳng định bởi Thủ tướng Campuchia Hun Sen, và bởi 2 nghiên cứu nước ngoài mà BBC trích dẫn. Như vậy, ông Lý Hiển Long nên thừa nhận rằng trong Chiến Tranh Lạnh, Singapore và Thái Lan đã ngăn Việt Nam tiến chiếm đóng Campuchia vì lợi ích của chính mình và của các nước cùng phe như Mỹ, chứ không phải vì nền độc lập của người Campuchia.

Thứ hai, trái với cáo buộc của Lý Hiển Long, thực ra Việt Nam đã cố tránh một cuộc chiến tranh ở Campuchia. Trước khi chiến tranh nổ ra năm 1979, Việt Nam đã có 9 năm xung đột với Khmer Đỏ, trong đó phía Việt Nam hầu như chỉ đàm phán để tìm giải pháp hòa bình và tổ chức phòng ngự. Cụ thể, từ năm 1970 đến năm 1973, Khmer Đỏ đã gây ra 174 vụ tập kích để cướp vũ khí, lương thực, giết hơn 600 cán bộ và binh lính miền Bắc Việt Nam. Ngay sau khi lên nắm quyền ở Campuchia, Khmer Đỏ chiếm đảo Phú Quốc vào ngày 04/05/1975, và hành quyền 500 dân thường Việt Nam trên đảo Thổ Chu chỉ 6 ngày sau đó. Từ năm 1975 đến năm 1978, Khmer Đỏ đã nhiều lần đánh sâu vào đất liền Việt Nam, tàn sát hơn 30 nghìn người Việt, và khiến 300 nghìn người khác phải di tản. Trong quá trình xung đột đó, Việt Nam từng đánh sâu 30 km vào lãnh thổ Campuchia năm 1977, và từng đề nghị thương lượng để ký kết hiệp định biên giới vào năm 1978, nhưng Khmer Đỏ vẫn tiếp tục đưa kế hoạch xâm lược Việt Nam vào trong nghị quyết. Việt Nam từng đề nghị Trung Quốc làm trung gian hòa giải, và đề nghị Liên Hiệp Quốc lên tiếng, nhưng cả 2 đề nghị này đều không được phản hồi. Trong tình thế đó, lựa chọn duy nhất của Việt Nam là tạm thời chiếm đóng Campuchia để diệt tận gốc chế độ Khmer Đỏ.

Các số liệu cũng cho thấy Việt Nam đã hạn chế được thiệt hại nhờ chiếm đóng Campuchia. Từ năm 1977 đến khi chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, có 55 nghìn binh sĩ Việt Nam hy sinh, trong đó có 30 nghìn người hy sinh trong 1 năm trước khi phát động chiến tranh, và 25 nghìn người hy sinh trong 9 năm rưỡi chiếm đóng. Quan trọng hơn, việc tạm chiếm Campuchia đã giúp Việt Nam giữ được chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ sinh mạng dân thường.

Qua các số liệu trên, có thể thấy Việt Nam tiến sâu vào Campuchia không phải vì tham vọng lãnh thổ, mà vì không còn lựa chọn nào khác.

Thứ ba, cần lưu ý rằng Thái Lan, cùng các đồng minh Anh – Mỹ, có trách nhiệm lớn trong sự lộng hành của Khmer Đỏ và việc Việt Nam phải can thiệp sâu vào Campuchia. Theo một bài viết trên BBC tiếng Việt hồi tháng 11 năm ngoái, thì Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Mỹ, Anh và Thái Lan đã đồng loạt hỗ trợ Khmer Đỏ. Cụ thể, Mỹ đã yêu cầu các tổ chức cứu trợ quốc tế chỉ cấp viện cho các vùng do Khmer Đỏ kiểm soát, chứ không viện trợ cho các vùng do Nhà nước mới của Campuchia kiểm soát, cũng như cho Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ liên tục bỏ phiếu ủng hộ việc Khmer Đỏ có ghế ở Liên Hiệp Quốc, khiến họ giữ được ghế này đến tận năm 1993, tức 14 năm sau khi chế độ Pol Pot bị lật đổ. Trong khi đó, Anh đã cử lực lượng đặc nhiệm SAS sang huấn luyện cho các nhóm du kích từng phối hợp với Khmer Đỏ trong cuộc chiến chống Việt Nam. Còn Thái Lan đã cấp đất cho Khmer Đỏ xây căn cứ để hoạt động.

Thứ tư, chúng tôi mong rằng sau khi nhiệt tình phê phán Việt Nam, Singapore và Thái Lan sẽ mạnh dạn lên tiếng mỗi khi Mỹ “vi phạm trắng trợn luật quốc tế” để “xâm lược” các quốc gia khác.

Nguồn: Loa Phường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây