Sáng nay một loạt báo thông tin, nghi can huy động giang hồ vây xe chở công an ở Đồng Nai đã bị bắt khẩn cấp. Theo đó, tối 14/6/2019 Công an TP Biên Hòa đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Ngô Văn Giang, tức “Giang 36” ngụ P.Long Bình, TP Biên Hòa để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng. Giang được xác định là một trong nhiều đối tượng xăm trổ kéo đến gần khu vực nhà hàng Lam Viên ở xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, chặn xe chở một số người, trong đó có 3 công an và gây rối trật tự công cộng vào chiều 12/6/2019.
Nhiều người dân địa phương đã tỏ ra bức xúc, một số nhà báo đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi côn đồ chặn xe của người dân kéo dài hơn 2 tiếng mới được vãn hồi.
Theo một số tờ báo, có vài chục công an được trang bị vũ khi đầy đủ được huy động đến hiện trường nhưng đám côn đồ vẫn không chịu dừng lại.
Đã không có hành động nào có tính quyết định, thể hiện sức mạnh của chính quyền, thể hiện thượng tôn pháp luật khiến dư luận bức xúc. Thậm chí một bài báo của VTC News còn đặt vấn đề “Hàng trăm cảnh sát vô nghĩa trước chục tên côn đồ xăm trổ, vây giữ người ở Đồng Nai: Nơi hoàn toàn bị côn đồ kiểm soát?”. Xem ảnh chụp màn hình.
Theo bài báo: “Hàng trăm cảnh sát ở Đồng Nai được huy động đến để giải vây nhưng bất thành. Chánh Văn phòng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai cũng phải ra tận hiện trường để nắm tình hình. Phải đến khi lãnh đạo Công an TP Biên Hòa đến “thương thuyết” thì sau 2 tiếng đồng hồ nhóm giang hồ mới chịu rời đi, những người trong xe được đưa sang xe khác để ra khỏi nơi nguy hiểm. Hình ảnh đám côn đồ xăm trổ ngông nghênh, bao vây chiếc xe, bên cạnh – theo thông tin báo chí – là 200 cảnh sát được trang bị đầy đủ nhưng lại không có bất cứ một hành động trấn áp nào ngay tức khắc khiến cho nhiều người xem cảm thấy phẫn nộ“.
Vẫn biết, quan điểm lấy dân làm gốc và lấy vận động, thuyết phục là giải pháp được ưu tiên hàng đầu, chỉ khi không còn cách nào khác thì mới sử dụng vũ lực trấn áp. Nhưng, nếu kéo dài sự vận động hơn sự cần thiết của nó mà các đối tượng vẫn không chấp hành thì sẽ có hiệu ứng ngược. Các đối tượng sẽ “được đằng chân, lân đằng đầu” và người dân mất niềm tin, thậm chí nghĩ sai về LLCA.
Đã có nhiều câu hỏi về trình độ năng lực, về thái độ trước cái sai cái ác của LLCA, và rằng vì sao LLCA chưa hoặc không mạnh tay trong trường hợp này và liệu họ có e ngại trước tính 2 mặt của một số ĐBQH, một số người làm báo?
Hay LLCA đã bị tước hết vũ khí bởi những bài báo kiểu “Cú đá này không dành cho dân”, “công an đánh dân” hay “hàng trăm người dân (xăm trổ) bị công an buộc giải tán”?
Xin trích một đoạn trong bài trên VTC News:
“Vì sao trong một Nhà nước pháp quyền, một xã hội văn minh và giữa ban ngày, đám côn đồ này lại có thể ngang nhiên sử dụng “luật rừng” để hành xử như thế? Tại sao lực lượng chức năng, trước một hành vi vi phạm pháp luật rõ như ban ngày lại không có biện pháp thị uy, truy bắt những kẻ côn đồ này.
Đó là chưa kể trước mặt hàng trăm cảnh sát đó, đám côn đồ ngang nhiên xì hơi 4 bánh xe ô tô – một hành vi cho thấy dấu hiệu tội huỷ hoại tài sản công dân.Tại sao lại phải đi “thương thuyết” với những tên côn đồ, khi hành vi bắt giữ người trái phép, xì lốp xe ô tô của nạn nhân…đã cấu thành tội phạm?
Nhiều người bình luận, lực lượng công an có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho người dân. Thế nhưng, trước mấy chục tên côn đồ, hàng trăm công an ở Đồng Nai dường như chỉ đứng vô nghĩa tại chỗ mà không thể xử lý, không thể trấn áp tội phạm.
Nhóm côn đồ ngang nhiên vây giữ người trái phép, bất tuân hợp tác với lực lượng thi hành nhiệm vụ. Điều này cho thấy sự yếu kém của lực lượng công an ở Đồng Nai trong khi xử lý vụ việc
Và chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng điều nguy hiểm và đáng sợ lớn hơn nhiều: Phải chăng vùng đất này do côn đồ hoàn toàn kiểm soát? Đây là nơi chốn của luật rừng, của những tên côn đồ coi pháp luật như cỏ rác, muốn làm gì cũng được.
Có nhiều người phải thốt lên, đến cả những người được đào tạo nghiệp vụ, trang bị vũ khí như công an còn phải lép vế trước côn đồ thì thử hỏi người dân tay không tấc sắt có thể làm gì để bảo vệ mình nếu gặp tình huống tương tự, cầu cứu được ai?”.
Những câu hỏi trên nghe mà nhức nhối nhưng nó là sự thật. Hãy lắng nghe và suy ngẫm để điều chỉnh hoạt động, không nên có phản ứng tiêu cực. Những góp ý thẳng thắn chân thành bao giờ cũng khó nghe nhưng đó là những gợi ý hữu ích không chỉ cho LLCA mà còn cả các quan chức từ Trung ương tới địa phương, các Đại biểu Quốc hội.
Thực tế, không chỉ trong vụ việc cụ thể này, nhiều vụ việc LLCA không thể mạnh tay trấn áp (ví dụ vụ biểu tình gây rối, bạo loạn ở Bình Thuận) là do quan niệm sai về chữ Dân.
Đừng lạm dụng chữ Dân quá đáng, chữ Dân hiểu cho đúng nghĩa thì chỉ dùng cho người lương thiện. Khi người dân đang có hành động vi phạm pháp luật tới mức nguy hiểm thì họ là đối tượng cần phải áp dụng các quy định của pháp luật để cưỡng chế – khi đó họ không còn là dân bình thường nữa. Việc sử dụng vũ lực để cưỡng chế là thực hiện quy định của pháp luật và sẽ không thể bị coi là “đánh dân” hay “bắt dân” hay bất kỳ cách hiểu nào tương tự. Không phân biệt được đâu là dân đâu là đối tượng cưỡng chế sẽ dẫn đến bó tay ngồi chờ.
Và lạm dụng chữ Dân hay hiểu sai về chứ Dân thì chính quyền sẽ trở nên dân túy, nhút nhát.
Dù muộn còn hơn không, một trong số những kẻ cầm đầu gây ra vụ việc đã bị bắt khẩn cấp và sẽ còn nhiều đối tượng khác phải ra vành móng ngựa, nhưng động thái này đã phần nào làm cho người dân yên lòng và tin tưởng vào lực lượng nòng cốt trong bảo vệ ANTT.
Ps: Phản ánh vụ việc này, một số tờ báo vì động cơ không trong sáng đã cố tình sử dụng con chữ, bẻ cong ngòi bút để dẫn dắt người đọc hiểu rằng đã có chuyện công an đánh nhau với nhóm xã hội đen khi nhậu nhẹt. Mục đích của họ là gì hẳn các bạn đã rõ, không cần phải nói ra.
LâmTrực@
Nguồn: Tre làng