Trang chủ Từ Facebook Bản chất cái gọi là “Học bổng xã hội dân sự VOICE”

Bản chất cái gọi là “Học bổng xã hội dân sự VOICE”

179
0

Theo đó, các đối tượng mời gọi thanh niên tham gia và cam kết “giúp các học viên trở thành những công dân tích cực, giàu tinh thần cộng đồng, và được trang bị các kiến thức nền tảng để có thể tham gia vào các hoạt động xã hội”.

Bản chất cái gọi là “Học bổng xã hội dân sự VOICE”

Bản chất cái gọi là “Học bổng xã hội dân sự VOICE”

Trước hết, bàn về tổ chức VOICE (Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment), hay còn gọi là “Sáng kiến vì lương tâm người Việt hải ngoại”, có thể khẳng định đây chính là tổ chức ngoại vi của Việt Tân.

Tổ chức này manh nha hoạt động từ năm 1997, do Trịnh Hội – một kẻ có nhiều hành vi chống phá Việt Nam – đứng đầu. Đến năm 2007, VOICE chính thức được thành lập như một tổ chức phi chính phủ (NGO).

Theo tuyên bố, mục tiêu hoạt động của VOICE là “thúc đẩy xã hội dân sự Việt Nam phát triển, vận động các chính sách và nhân quyền, và giúp tái định cư những người Việt tị nạn”. Tuy nhiên, bản chất chính của tổ chức này là chống phá chính quyền Việt Nam, truyền bá tư tưởng về xã hội dân sự, kích động người dân chống đối chính quyền.

Một trong những hoạt động được tổ chức VOICE thực hiện thường xuyên là cung cấp các học bổng về xã hội dân sự. Thực chất, đây là lớp huấn luyện, đào tạo, trang bị các kiến thức đấu tranh chống đối và tập trung lực lượng.

Về cái gọi là “học bổng xã hội dân sự VOICE”, các đối tượng rêu rao “Sứ mệnh của Khóa đào tạo này là giúp các học viên trở thành những công dân tích cực, giàu tinh thần cộng đồng, và được trang bị các kiến thức nền tảng để có thể trở thành nhà hoạt động xã hội dân sự chuyên nghiệp”.

Đi liền với đó là những hứa hẹn như “Những học viên tốt nghiệp xuất sắc khóa đào tạo sẽ được VOICE gửi sang các tổ chức quốc tế ở các quốc gia Đông Nam Á, Đông Á, châu Âu, Úc, và Mỹ để thực tập trong vòng 3-6 tháng sau đó”.

Vậy nhưng đằng sau những lời tuyên bố đầy tốt đẹp lại là những hoạt động chống đối nguy hiểm. Trong khoá đào tạo của mình, trước hết VOICE truyền bá những cách nhìn nhận sai lệch về tình hình chính trị, xã hội tại Việt Nam, hình thành tư tưởng chống đối chính quyền cho học viên.

Sau đó, VOICE tiến hành tập huấn, trang bị, huấn luyện cho học viên các nội dung về đấu tranh bất bạo động đối với chính quyền, đặc biệt là việc sử dụng chiêu bài tự do, nhân quyền để tiến hành chống phá.

Ngoài ra, VOICE còn tổ chức cho học viên tiếp xúc với các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị để học hỏi phương thức hoạt động, thậm chí là cả cách ứng phó với cơ quan chức năng. Các “sản phẩm” sau đào tạo được tung về nước, trở thành hạt nhân tập trung lực lượng tiến hành chống phá chính quyền.

Cẩn trọng dưới chiêu trò “xã hội dân sự”

Thời gian vừa qua, “xã hội dân sự” được sử dụng như một chiêu bài để thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”.

Một cách đơn giản, xã hội dân sự được định nghĩa là xã hội tự lập, phi nhà nước, được hình thành và vận hành trong không gian công cộng và tư nhân, nằm ngoài vùng ảnh hưởng trực tiếp của yếu tố nhà nước. Đó có thể là các tổ chức, hội, nhóm, cộng đồng v.v… được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tự chủ và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Xét về bản chất, xã hội dân sự không hề xấu. Nếu các tổ chức xã hội dân sự hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích đã đăng ký với cơ quan chức năng, tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật quốc gia thì nó sẽ thúc đẩy tính dân chủ, trở thành cầu nối giữa Nhà nước và người dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, từ thực tiễn trong nước và quốc tế thời gian qua, có thể thấy xã hội dân sự đang bị một số đối tượng lợi dụng để chống phá chính quyền. Với Việt Nam, các đối tượng triệt để sử dụng chiêu bài “xã hội dân sự” để thúc đẩy “tự diễn biến, tự chuyển hoá”, tác động thay đổi tình hình chính trị của nước ta.

Thứ nhất, các đối tượng núp bóng xã hội dân sự để thành lập các tổ chức chính trị đối lập, tiến tới đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Hoạt động đầu tiên được các đối tượng sử dụng là tuyệt đối hoá sự độc lập của xã hội dân sự. Bằng các lập luận của mình, các đối tượng truyền bá luận điệu giữa xã hội dân sự và chính quyền có sự tách bạch riêng rẽ với nhau. Xã hội dân sự được ca ngợi là tiến bộ, dân chủ, coi trọng quyền con người; ngược lại, các đối tượng rêu rao chính quyền là bó buộc, bảo thủ, không phù hợp với thực tiễn.

Thậm chí, các đối tượng còn truyền bá thông tin xã hội dân sự là đối trọng với chính quyền, chỉ khi nào xã hội dân sự “độc lập” một cách tuyệt đối thì nó mới có thể phát huy quyền lực của mình, bảo đảm tính tự do, dân chủ của đất nước. Từ đây, các đối tượng hình thành ở người dân tư tưởng chống đối với chính quyền.

Dưới vỏ bọc xã hội dân sự, các đối tượng tiến hành tập hợp lực lượng, truyền bá, rao giảng các thông tin sai lệch, từ đó hình thành nên các tổ chức chính trị đối lập với chính quyền. Với Việt Nam, cái đích cuối cùng được hướng đến là xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hình thành xã hội đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, hướng lái, chuyển hoá chế độ.

Thứ hai, qua hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, các đối tượng tạo sức ép cho chính quyền, can thiệp vào công việc nội bộ đất nước. Không khó để nhận thấy thời gian vừa qua, với chiêu bài xã hội dân sự, các đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước đã câu móc với nhau, xây dựng các hội, nhóm chống đối. Lợi dụng các sự kiện nóng, đặc biệt là các sự kiện liên quan đến vấn đề khiếu kiện đất đai, ô nhiễm môi trường, dân tộc, tôn giáo v.v…, các đối tượng tụ tập, hình thành nên các tổ chức mang tính tự phát.

Những cái tên như “Hội dân oan”, “Hội phản đối BOT”, “Hội tù nhân lương tâm” v.v… được các đối tượng sử dụng để tiến hành tập trung lực lượng. Thông qua hoạt động của các hội nhóm này, các đối tượng đòi hỏi nhà nước phải bảo đảm cho chúng một thứ tự do vô giới hạn.

Cùng với đó, các hội nhóm trong nước tiến hành móc nối với các tổ chức phản động, chống đối bên ngoài và các thế lực thù địch với Việt Nam để tiến hành hoạt động gây sức ép nhằm cam thiệp vào công việc nội bộ đất nước ta.

Từ học bổng “xã hội dân sự VOICE” đến những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia

Như đã phân tích ở trên, cái gọi là “học bổng xã hội dân sự VOICE” thực chất chính là một khoá đào tạo chống phá chính quyền Việt Nam. Núp dưới danh nghĩa học bổng, núp dưới vỏ bọc xã hội dân sự, các đối tượng tiến hành tập trung các phần tử có tư tưởng lệch lạc, biến chất người Việt để từ đó huấn luyện, đào tạo thành các hạt nhân chống đối.

Sau khoá đào tạo, các đối tượng tiến hành tung “học viên” về nước để hoạt động. Đây là một nguy cơ lớn đe dọa đến an ninh quốc gia của Việt Nam. Qua quá trình đào tạo, phương thức, thủ đoạn chống phá Đảng, nhà nước của các đối tượng trở nên tinh vi hơn, khó phát hiện hơn.

Cùng với đó, do có sự móc nối giữa đối tượng trong nước và ngoài nước, do các hoạt động chống phá được lên kế hoạch bài bản nên tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi chống phá sẽ tăng lên gấp bội.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải đẩy mạnh công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, chống đối, từ đó có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, hoạt động đào tạo lực lượng núp dưới học bổng xã hội dân sự của Tổ chức VOICE cần được cơ quan chức năng giám sát một cách chặt chẽ để chủ động ứng phó.

Trần Anh Tú

Nguồn: Mặt trận thanh niên chống phản động

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây