Tại đá Chữ Thập, phía Trung Quốc xây dựng hệ thống công trình ngầm rất lớn và 9 cầu tàu đảm bảo đón nhận tàu trọng tải hàng vạn tấn…
Toàn cảnh căn cứ đồn trú của binh lính Trung Quốc trên bãi Chữ Thập, cuối 2012-ẢNH: MAI THANH HẢI
Đá Chữ Thập là 1 rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa (H.Trường Sa, Khánh Hòa), nằm cách biệt về phía tây nam của cụm Nam Yết và về phía đông bắc của cụm Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ đầu năm 1988 cho đến nay.
Toàn cảnh khu đồn trú của lính Trung Quốc, được xây dựng từ tháng 2.1988 trên đá Chữ Thập – Ảnh: Mai Thanh Hải
Đại tá Phạm Công Phán, nguyên lữ đoàn trưởng 146 thuộc Bộ tư lệnh vùng 4 hải quân, đang nghỉ hưu tại H.Đông Hưng (Thái Bình) kể: Ngày 27.1.1988, tàu HQ-611 và HQ-712 do đại tá Phạm Công Phán làm biên đội trưởng (trung tá Nguyễn Văn Dân, phó tham mưu trưởng Vùng 4 hải quân làm biên đội phó), chỉ huy 1 đại đội công binh và 2 lực lượng 2 khung bảo vệ đảo của lữ đoàn 146 đi làm nhiệm vụ đóng giữ các đảo Đá Lớn, Đá Lát, Châu Viên, Chữ Thập. Đến đảo Trường Sa Đông thì tàu HQ-611 bị sự cố hỏng máy, phải dừng lại để khuất phục.
Đêm 30.1.1988, biên đội tiếp tục hành trình đến đóng giữ đảo Chữ Thập. Sáng 31.1.1988, khi cả 2 tàu cách Chữ Thập khoảng 5 hải lý thì 4 tàu chiến của hải quân Trung Quốc (trong đó có 2 tàu hộ vệ tên lửa mang số hiệu 502, 503) lao ra cắt mũi, không cho tàu HQ-611 và HQ-702 tiếp cận đảo, buộc ta phải trở lại Trường Sa Đông.
Hình ảnh bãi Chữ Thập và khu đồn trú, được chụp từ vệ tinh
Trung Quốc lúc đó đã huy động lực lượng lớn tàu hộ vệ tên lửa, tuần dương, tàu dầu, tàu đổ bộ… chiếm Chữ Thập từ ngày 22.1.1988 và rải 4 phía cả chục tàu chiến canh giữ, khống chế.
Một cựu binh lữ đoàn 83 công binh hải quân đã từng lên khảo sát Chữ Thập năm 1987 cho biết: Bãi có chiều dài tính theo trục đông bắc – tây nam là 14 hải lý, chiều rộng khoảng 4 hải lý với tổng diện tích khoảng 110 km². Trừ tảng đá cao 1 m nổi lên ở phần đuôi phía tây nam thì nhìn chung đá này chìm dưới nước khi thủy triều lên.
Sau khi chiếm đóng trái phép đá Chữ Thập, từ cuối tháng 2.1988, Trung Quốc bắt đầu xây dựng căn cứ tại đây và hoàn tất việc tạo lập căn cứ vào tháng 7.1988.
Tại căn cứ này, Trung Quốc đã xây dựng 1 toà nhà bê tông dài hơn 60m. Trên đó có nhiều ăng-ten, gồm ăng-ten radar thu phát sóng cao tần và giữa 2010, Trung Quốc phủ sóng mạng điện thoại tại đây…
Hệ thống thông tin liên lạc, ra đa dày đặc trên khu đồn trú Chữ Thập – Mai Thanh Hải
Từ cuối 2013 đầu 2014, phía Trung Quốc tập trung tối đa người, phương tiện để cải tạo mở rộng đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa.
Tính đến tháng 5.2015, đảo nhân tạo đã có diện tích khoảng 280,3 ha với chiều dài khoảng 3.700 m (rộng nhất 1.100 m, hẹp nhất 60 m) và hồ nhân tạo ở phía đông bắc diện tích khoảng 52 ha với luồng dẫn vào dài khoảng 700 m, rộng 270 + 300 m.
Đến nay, căn cứ Chữ Thập đã hoàn tất với cụm 7 nhà lớn ở khu vực trung tâm (cao 5-6 tầng) và 30 công trình nhà trung bình, nhỏ khác; 1 đường băng sân bay dài hơn 3.000 m, rộng 50 m phục vụ các loại máy bay vận tải dân dụng, quân sự, du lịch loại nhỏ cất hạ cánh; các đài chỉ huy không lưu, tháp ra đa không lưu và khoảng 30 nhà chứa máy bay dọc đường bang…
Ngoài ra, căn cứ này còn có các công trình hiện đại như: tháp hải đăng, tháp điều độ cảng, tháp viễn thông (thu phát sóng 4G), tháp ra đa đối không – đối hải, hệ thống liên lạc vệ tinh, sân vận động trung tâm, trạm quan trắc hải dương, trạm lọc nước biển, bệnh viện tiêu chuẩn cấp 2.
Đặc biệt, tại đá Chữ Thập, phía Trung Quốc xây dựng hệ thống công trình ngầm rất lớn và 9 cầu tàu đảm bảo đón nhận tàu trọng tải hàng vạn tấn…
Tàu 174 của Trung Quốc lao ra ngăn cản các tàu khác lại gần Chữ Thập, hình chụp cuối năm 2013 – Mai Thanh Hải
Do là căn cứ lớn nhất và quan trọng nhất ở Trường Sa nên phía Trung Quốc triển khai nhiều hệ thống, phương tiện bảo vệ. Các tàu thuyền nào vào gần đá Chữ Thập 12 hải lý đều bị xua đuổi, ngăn cản quyết liệt.
Một số hình ảnh đá Chữ Thập từ trước khi Trung Quốc xây dựng trái phép thành đảo nhân tạo và hiện trạng hiện nay, ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam):
2 hệ thống pháo phòng ngự, bình thường trùm bạt – Ảnh: Mai Thanh Hải
Nhưng nhanh chóng được mở bạt và sẵn sàng khai hỏa khi các tàu của quốc gia khác vào gần (hình chụp cuối năm 2013) – Ảnh: Mai Thanh Hải
Binh sĩ Trung Quốc đồn trú trên đá Chữ Thập, hình chụp cuối 2013 – Ảnh: Mai Thanh Hải
Nhiều phương tiện xây dựng được tập kết cạnh khu đồn trú trên đá Chữ Thập, hình chụp đầu 2014 – Ảnh: Mai Thanh Hải
Phía Trung Quốc hút cát bồi đắp lên đá Chữ Thập, lấy mặt bằng xây dựng
Đảo nhân tạo trên đá Chữ Thập, năm 2015 – Quảng cáo
Năm 2017, các công trình trên đá Chữ Thập
Khu đồn trú cũ vẫn được phía Trung Quốc giữ lại trên đá Chữ Thập, hình chụp 2019
Nguồn: Thanh niên