Việt Nam được bầu vào HĐBA với số phiếu rất cao là kết quả của một chiến lược toàn diện, bài bản và được thực hiện từ nhiều năm nay.
Việc Việt Nam đạt được số phiếu cao kỷ lục để trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an (HĐBA) thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây cũng là kết quả của một chiến lược toàn diện và bài bản được thực hiện nhiều năm qua. Phóng viên VOV thường trú tại Mỹ, phỏng vấn Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ):
PV: Điều gì đã dẫn tới việc Việt Nam đạt được số phiếu rất cao tại cuộc bầu chọn các thành viên không thường trực mới của HĐBA LHQ, thưa Đại sứ?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả phiếu bầu như thế. Có những nguyên nhân về lịch sử, về hình ảnh Việt Nam trong lòng bạn bè. Có nguyên nhân về chính sách và cách thức xử lý quan hệ đối ngoại của chúng ta, và có cả nguyên nhân từ công tác vận động của Việt Nam.
Đại sứ Đặng Đình Quý trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.
Về vấn đề lịch sử, phần lớn các nước vừa và nhỏ, những nước đã có lịch sử đấu tranh chống chế độ thực dân, nhất là châu Phi, châu Mỹ La-tinh thì họ vẫn còn ấn tượng hết sức tốt đẹp đối với lịch sử đấu tranh anh dũng, hào hùng và vì độc lập, tự do của đất nước ta, và cũng vì lương tri của thời đại. Tôi phải khẳng định điều đó. Điều thứ hai là các nước cũng đánh giá rất cao quá trình đổi mới thành công, những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Điều thứ ba, dù Việt Nam đổi mới thành công như thế nhưng không bao giờ quên bạn bè cũ, ứng xử rất đàng hoàng với với các nước lớn trên trường quốc tế và trong những vấn đề lớn của thế giới. Đó là lý do rất quan trọng để các nước bỏ phiếu cho Việt Nam. Bên cạnh đó, nếu chúng ta vận động không tốt, thì không phải nước nào cũng bầu cho Việt Nam. Chúng ta đã có chiến lược, đã thực hiện một cách có hệ thống, từ cấp cao đến tất cả các cấp.
Từ các kênh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và kênh ngoại giao nhân dân cùng tham gia thực hiện. Riêng ngành Ngoại giao, việc vận động không chỉ diễn ra tại Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, mà diễn ra tại Hà Nội và ở thủ đô các nước. Tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam đều có trách nhiệm rất lớn và chuyến đi của các nhà lãnh đạo Việt Nam đều có nội dung vận động lồng ghép vào. Do vậy, có thể khẳng định rằng đó là kết quả của một chiến lược rất toàn diện, bài bản và được thực hiện từ nhiều năm nay.
PV: Trở thành ủy viên không thường trực HĐBA LHQ thì trọng trách của ta sẽ lớn hơn rất nhiều. Vậy Việt Nam cần làm những gì và chuẩn bị những gì để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Phải chuẩn bị cả về con người, bộ máy và cơ chế. Về con người, chúng ta đã chuẩn bị từ nhiều năm và đã đào tạo rồi, nhưng bây giờ bước vào những công việc cụ thể thì cũng cần phải đào tạo tiếp để đảm bảo nhanh và kịp thời. Bộ máy và cơ chế phải làm sao quyết định nhanh, đúng thời điểm, bởi vì các công việc của Hội đồng Bảo an đòi hỏi phải quyết định rất nhanh.
Trước mỗi cuộc bỏ phiếu, chúng ta chỉ có khoảng dưới 12 tiếng để đưa ra quyết định. Do vậy, nếu không có cơ chế phân quyền, phân cấp và có trách nhiệm rõ ràng, giữa trong và ngoài, và các cấp thì khó có thể thực hiện được. Vấn đề thứ ba là nghiên cứu để đề ra các ý tưởng, bởi vì tình hình thế giới hiện nay rất nhiều thứ thay đổi.
Những vấn đề quan tâm của chúng ta và của bạn bè, các nước trên thế giới cũng thay đổi. Do vậy, phải làm thế nào để đề xuất cho đúng, cho trúng những vấn đề mà thế giới quan tâm và đúng là vấn đề người ta đang cần thiết mà Hội đồng Bảo an phải có trách nhiệm giải quyết. Đấy là điều khó.
PV: Vậy cá nhân Đại sứ và Phái đoàn Việt Nam tại LHQ phải có sự chuẩn bị như thế nào trong thời gian tới, đặc biệt ngay tháng 01 năm 2020 khi Việt Nam sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐBA LHQ?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Chúng ta có thuận lợi là những nước vừa rời khỏi HĐBA rất hợp tác với Việt Nam, chẳng hạn Thụy Điển, Ethiopia, Kazakhstan. Những nước đang trong Hội đồng Bảo an cũng rất hợp tác với Việt Nam, nhất là Indonesia, một nước thành viên ASEAN và vừa đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 5 vừa qua nên có kinh nghiệm thực tế và sẵn sàng chia sẻ. Ngoài ra, LHQ cũng có cơ chế đào tạo cho nhân viên những nước chuẩn bị là thành viên Hội đồng Bảo an. Bên cạnh những việc chúng ta chủ động làm, Phái đoàn sẽ kiến nghị Bộ Ngoại giao tận dụng triệt để những loại cơ chế đó, để làm sao chúng ta có sự sẵn sàng tốt nhất và khi bước vào công việc là hoàn thành luôn nhiệm vụ của mình.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ!/.
Phạm Huân/VOV-Washington
Nguồn: VOV