Có lẽ với Nguyễn Văn Đài, người đang cùng vợ và “cộng sự” lưu vong tại nước Đức, không có gì là quá lạ với nhiều người. Nhưng nếu bảo ai đó hệ thống hoá các hành vi của Đài khiến gã bị kết tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân với 15 năm tù và bị phạt quản chế 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt thì e không phải ai cũng làm được.
Và mới đây báo Công an nhân dân đã có một bài lược trích khá cụ thể hành vi của nhà dân chủ này với nhiều tư cách khác nhau trong bài “Ngựa quen đường cũ” và cũng là để trả lời cho câu hỏi: “Thực chất Nguyễn Văn Đài là người như thế nào?”:
Xin được trích dẫn toàn văn: “Nguyễn Văn Đài sinh năm 1969 tại thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Nguyễn Văn Đài học trường Trung học Kỹ thuật điện ở Sóc Sơn – Hà Nội. Năm 1989, đi xuất khẩu lao động tại Cộng hòa Dân chủ Đức; năm 1990 trở về Việt Nam và sau đó theo học tại Đại học Luật Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, Nguyễn Văn Đài làm việc cho một số văn phòng luật sư ở Hà Nội, như: Văn phòng Tư vấn pháp luật 35 Ngô Quyền, Công ty Luật Hà Nội, Công ty Luật Đông Đô và Công ty FPT.
Năm 1999, tham gia Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc; cùng năm này, Nguyễn Văn Đài đã gia nhập Hội thánh Tin lành ở Hà Nội.
Năm 2002, Nguyễn Văn Đài chuyển về Đoàn Luật sư Hà Nội; sau đó thành lập và làm Giám đốc Công ty TNHH Dịch thuật và Tư vấn Việt Luật; đồng thời là Trưởng Văn phòng Luật sư Thiên Ân, có trụ sở tại số 10 Đoàn Trần Nghiệp, Hà Nội. Tháng 4-2004, cùng với 11 luật sư khác, Nguyễn Văn Đài thành lập nhóm “Luật sư Vì Công lý”; nhưng sau đó, toàn bộ những người cùng tham gia đều rút khỏi nhóm.
Năm 2006, Nguyễn Văn Đài tham gia cùng tổ chức khủng bố Việt Tân thực hiện kế hoạch câu móc các hệ phái Tin lành ở Việt Nam cùng sự hỗ trợ ngấm ngầm của nước ngoài; đồng thời, trở thành một “khâu trung gian” giữa các thế lực chống đối nước ngoài và các đối tượng chống đối ở trong nước.
Đặc biệt, với cái vỏ “tín đồ đạo Tin lành”, Nguyễn Văn Đài đã thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với một số nhân viên sứ quán nước ngoài tại Hà Nội và được mời sang Mỹ tham dự chương trình “Khách thăm quốc tế” (International Visitor Program – IVP) với chủ đề “Những nhà hoạt động dân chủ cơ sở” thời gian ở Mỹ hơn một tháng (từ 10-1 đến 23-2-2006)”.
Cũng trong thời gian này, Nguyễn Văn Đài đã viết nhiều tài liệu chống phá Việt Nam, như: “Quyền tự do thành lập đảng”, “Dân trí và dân chủ”, “Xã hội dân sự ở Việt Nam”; đồng thời, xây dựng mối quan hệ khăng khít với nhiều tổ chức chính trị đối lập ở trong và ngoài nước, như: đảng Việt Tân; Họp mặt Dân chủ; Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam; Ủy ban Cứu trợ Thuyền nhân Việt Nam; khối 8406; đảng Dân chủ Việt Nam; Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam…
Nguyễn Văn Đài đã thường xuyên nhận được sự cung cấp tài chính từ các tổ chức này và thực hiện các hành vi:
(1) Hỗ trợ Nguyễn Văn Lý thành lập Khối 8406, và giữ vị trí đại diện của khối này tại Hà Nội.
(2) Giúp Hoàng Minh Chính viết bản dự thảo điều lệ đầu tiên cho đảng Dân chủ Thế kỷ 21 (ra mắt ngày 1-6-2006, sau đổi tên thành đảng Dân chủ Việt Nam).
(3) Bố trí và liên hệ để giúp Trần Khuê gặp các nhân viên ngoại giao một số nước phương Tây tại tầng 5 tòa nhà Vincom trên phố Bà Triệu, Hà Nội.
(4) Cùng Trần Ngọc Thành (chủ bút báo Đàn Chim Việt và Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam, sống ở Ba Lan) thành lập Công đoàn Độc lập Việt Nam vào cuối tháng 9-2006.
(5) Cùng với sự tham gia của Phạm Văn Trội, Bạch Ngọc Dương, Lương Duy Phương, Nguyễn Văn Đài trực tiếp đứng đầu thành lập Ủy ban Nhân quyền Việt Nam và Hãng tin Tự do (FNA) nhằm mục đích thu thập tài liệu về các vụ “vi phạm nhân quyền” ở Việt Nam, để viết báo cáo hằng tháng cho các nhóm đối lập ở nước ngoài, chỉ đạo các đối tượng đã lộ diện tiếp tục công khai thách thức chính quyền để tạo ra những vụ đàn áp.
(6) Cấp tiền và cử một số nhân viên của Văn phòng Luật sư Thiên Ân, như Trần Thanh, Phan Sĩ Nguyên, Nguyễn Xuân Đệ, đi các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ để thu thập thông tin, chuyển tin cho Ngô Thị Hiền – Chủ tịch “Ủy ban Tự do Tôn giáo cho Việt Nam” ở Mỹ, và cho nhân viên Sứ quán nước ngoài tại Hà Nội.
(7) Triển khai “Dự án Vì Công lý” với lớp vỏ hỗ trợ pháp lý cho những gương mặt đối lập, cùng những nhóm dân khiếu kiện tập thể ở trong nước để tuyển các sinh viên luật phù hợp, nhằm gửi sang các lớp huấn luyện hạt nhân chống chế độ được tổ chức ở Bankok, Thái Lan.
(8) Mở các lớp huấn luyện chính trị ở Văn phòng Luật sư Thiên Ân. Các lớp này hướng đến đối tượng sinh viên, trí thức trẻ, trong đó ưu tiên các ngành luật, công đoàn và báo chí để nhận hỗ trợ của các quỹ có hoạt động chống phá Việt Nam ở phương Tây…
Ngày 3-3-2007, Nguyễn Văn Đài bị bắt và sau đó bị kết án 4 năm tù và 4 năm quản chế về tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Ngày 5-3-2011, Nguyễn Văn Đài được ra tù và ngày 24-4-2013, đã khởi xướng thành lập “Hội Anh em Dân chủ” (HAEDC) để nối tiếp các phương thức hoạt động chống phá trước đó.
Và từ đó đến tháng 7-2017, Nguyễn Văn Đài cùng các thành viên cốt cán của HAEDC là Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển đã lôi kéo Trương Minh Đức, Lê Thu Hà và một số người tham gia tổ chức thực hiện các hành vi: Lập văn phòng đại diện, địa chỉ website để hoạt động, xây dựng “Cương lĩnh vắn tắt”, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, chiến lược đối nội, đối ngoại, hoạt động phát triển lực lượng, đào tạo hội viên, liên kết với các tổ chức bất hợp pháp trong nước, tìm sự hậu thuẫn, nhận tài trợ về tài chính từ nước ngoài với gần 72.000USD và hơn 9.000 EURO để hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước, chống chính quyền nhằm thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam để xây dựng chế độ “đa nguyên, đa đảng”, “tam quyền, phân lập”, tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân…
Ngày 5-4-2018, Nguyễn Văn Đài cùng các đối tượng Phạm Văn Trội; Nguyễn Trung Tôn; Nguyễn Bắc Truyển; Trương Minh Đức; Lê Thu Hà đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử về hành vi “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo quy định tại Điều 79, Khoản 1 – Bộ luật Hình sự năm 1999.
Trong đó, Nguyễn Văn Đài lĩnh án cao nhất là 15 năm tù và bị phạt quản chế 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt. Với chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta, ngày 7-6-2018, Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà đã được đi tị nạn, sống lưu vong tại Đức”.
Hết trích.
Nhìn lại hành trình lao lí của gã dân chủ này, có thể thấy một điều là hễ được tự do thì y như rằng, Đài lại có hoạt động chống đối; lại bày vẽ những chiêu trò dưới các dạng thực mới. Ở Đài dường như không có bất cứ sự ngưng nghỉ nào… Hai lần vào tù chưa đầy 10 năm cho thấy được cái bản chất chống đối đã ăn vào máu của gã.
Đó cũng là lí do, sau khi đã lược trích gần như không thiếu hành vi nào, không phải tờ báo của Bộ Công an VN lại đặt tít bài “Ngựa quen đường cũ”. Bởi lẽ, tại Đức – nơi lưu vong Đài đã lộ rõ bộ mặt của một kẻ phản trắc, cơ hội và cũng hết sức tráo trở.
Theo báo Công an nhân dân: “Từ ngày được tị nạn, lưu vong ở nước ngoài, Nguyễn Văn Đài không chịu cải tà quy chính mà tiếp tục liên hệ với các tổ chức phản động trong và ngoài nước thực hiện các hành vi câu móc, hỗ trợ tài chính cho các hoạt động tuyển lựa, đào tạo, phát triển lực lượng chống đối trong nước và tiếp tục tán phát các tài liệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta và bôi nhọ lãnh tụ và chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng”.
Và từ những điều được chỉ ra, tờ báo này đã đi đến kết luận rằng: “Những luận điệu trên đã thể hiện bản chất của kẻ chống phá Nguyễn Văn Đài là không thay đổi. Những luận điệu đó chỉ càng chứng tỏ bản chất của một kẻ vô ơn, bất nghĩa, không biết đâu là Tổ quốc đã cho mình sinh ra, trưởng thành; bị mua chuộc, bởi những đồng tiền bẩn thỉu của các thế lực chống đối.
Sự việc này cũng phản ánh bản chất chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, phản động đối với cách mạng nước ta là không có điểm dừng. Nguyễn Văn Đài cùng những kẻ được gọi là “cộng sự” hãy bừng tỉnh và nhớ rằng: “trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”, tự ngẫm và biết sống đúng nghĩa với cương vị trong một gia đình và trong một Tổ quốc để thế hệ sau không oán hận”.
Ở thời điểm hiện tại Nguyễn Văn Đài còn rất trẻ. Đài chưa thể hiểu được những nỗi buồn, sự trống trải và cô đơn của một kiếp người nơi xa xứ. Đài chưa trải nghiệm được cái sự day dứt có cố quốc không dám về của Bùi Tín, của những kẻ đã chốt thân làm vong nô, tay sai cho ngoại bang.
Hãy chờ xem khi mà tuổi già cận kề và sự bất lực của bản thân xuất hiện, gã sẽ làm gì. Hay cũng chấp nhận chôn thân nơi xứ người như cái cách mà Bùi Tín đã phải làm mới đây?
Nguồn: Mõ làng