Ngày 31/5/2019, một sự việc hiếm gặp đã xảy ra: Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Ra quyết định trái pháp luật” quy định tại Điều 371 Bộ luật hình sự, xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an.
Sở dĩ nói hi hữu vì một cơ quan tố tụng lại ra quyết định khởi tố đối với một cơ quan tố tụng khác. Đó là điều bất đắc dĩ và cũng hiếm gặp nhưng khi đã diễn ra thì ngoài câu chuyện của pháp luật thì nó còn nói lên rất nhiều điều.
Lí do khởi tố vụ án được báo chí đồng loạt đưa tin như sau: Kết luận của Cơ quan điều tra VKSND tối cao cho thấy, vụ án Trương Huy Liệu và đồng phạm về tội “Buôn lậu”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an thụ lý có dấu hiệu tội phạm. Cụ thể, cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng trái với quy định của pháp luật và trái với chỉ đạo của liên ngành tư pháp Trung ương, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Hiện tại, vụ án đã được khởi tố và cơ quan điều tra VKSND tối cao đang tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Sau vụ việc này, khi bình luận bên lề người ta nhắc và cũng cảnh tỉnh những người thực thi pháp luật cần ẩn trọng hơn khi cân nhắc đưa ra các quyết định tố tụng. Nhưng xin nói luôn, đấy chỉ là điều tất yếu từ sự việc. Còn những điều bên lề mới đáng được bàn và suy ngẫm…
1. Rằng, qua sự việc sẽ cho người dân và cả những người xưa nay bán tín, bán nghi, thiếu tin tưởng vào cơ quan thực thi pháp luật về sự công bằng và dân chủ của hoạt động này!
Câu chuyện đặt ra là giữa cơ quan ra quyết định hởi tố vụ án hình sự về tội “Ra quyết định trái pháp luật” quy định tại Điều 371 Bộ luật hình sự, xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an và khách thể của quyết định có mối quan hệ với nhau không? thân thiết không? Thì xin thưa là có. Và chính mối quan hệ đó nên chuyện sắp xếp, ém nhẹm hoặc làm nhẹ sự việc dưới mức khởi tố sẽ hoàn toàn xảy ra… Nhưng nó đã không. Tình thân, mối quan hệ đã không chen chân, không hề có bất cứ cái gì đó gọi là vùng cấm trong chuyện này!
Và việc này làm được thì sẽ không thể nghi ngờ gì nữa về quyết tâm. Có chăng, trong sự việc và rất nhiều sự việc về sau, muốn cho nó đi đến đích, có tội phải chịu tội thì cần có một cơ chế giám sát thực sự đủ mạnh để chi phối nó; để dù có kẻ nào đó tham gia vào cũng phải bó tay….
2. Dù tin chưa tiết lộ nhưng theo nhiều nguồn tin chưa chính thống thì có thể bị can (khi khởi tố) có 2 tướng công an (Phan Văn Vĩnh, đã bị truy tố với tội danh khác và Lê Đình Nhường, nguyên chánh văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, nguyên phó chủ nhiệm uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội – mới bị miễn nhiệm…).
Đã có những ý kiến nói rằng, sau vụ cờ bạc vừa qua xem như với ông Vĩnh mọi thứ đã hết. Nó cũng là cái kết quá đau đớn với cựu tướng này. Đó cũng là lí do nhiều người nói rằng, dù nhúng chàm vào nhiều vụ việc khác nhưng khả năng ông Vĩnh được “bỏ qua” là rất cao.
Tương tự như thế tướng Lê Đình Nhường cũng xem như đã mất hết. Và điều đó dưới nhiều góc cạnh khác nhau cũng đã đủ để cảnh tỉnh những ông tướng khác…
Song đó chỉ là suy luận của những người ngoài cuộc, và không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến chống tham nhũng đang được thực hiện. Việc tiếp tục khởi tố vụ án hình sự về tội “Ra quyết định trái pháp luật” quy định tại Điều 371 Bộ luật hình sự, xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an và có thể là khởi tố bị can nay mai đang cho thấy: Không có gì là điểm chốt đối với những đại án tham nhũng và những ông quan tham nhũng.
Hễ họ còn có tội, còn có hành vi thì khi đó họ chưa thể yên thân. Muốn yên thân thì đừng làm, nhược bằng không sẽ tiếp tục chịu sự chi phối của pháp luật.
Nguồn: Mõ làng