Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi như vậy khi góp ý vào Dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Quy định chặt chẽ về đối tượng tạm hoãn xuất, nhập cảnh
Dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam vừa được trình Quốc hội cho ý kiến vào chiều 28/5. Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, để đảm bảo tính thống nhất với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật quản lý thuế và tình hình hiện nay, dự thảo luật đã quy định chặt chẽ hơn về đối tượng, thẩm quyền, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh nhằm vừa đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình Dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Cụ thể, tạm hoãn xuất, nhập cảnh đối với các trường hợp bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (Điều 124). Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Trường hợp tòa án đã có quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc quyết định dẫn độ có hiệu lực pháp luật và có căn cứ cho rằng người đó bỏ trốn hoặc gây khó khăn, cản trở việc xem xét yêu cầu dẫn độ… cũng là đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh.
Tuy nhiên, để tránh việc lạm dụng, tùy tiện trong việc áp dụng các biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong các lĩnh vực dân sự, kinh tế, dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ hơn các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.
Cụ thể: dự thảo Luật quy định chỉ tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự, dân sự, kinh tế; người có nghĩa vụ trong vụ án hình sự, dân sự, kinh tế nếu có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, vụ việc, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc việc thi hành án; Người đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó theo quy định của pháp luật.
“Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá thời hạn người vi phạm, người có nghĩa vụ phải chấp hành bản án hoặc quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.
Đối với trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh thì thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá 3 năm và có thể gia hạn, mỗi lần không quá 3 năm” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Đặc biệt, Dự thảo Luật quy định rõ thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh của “Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế đối với trường hợp đang có nghĩa vụ nộp thuế” để đảm bảo phù hợp với Điều 53 Luật quản lý thuế; bỏ quy định thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đối với các trường hợp có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính (không quy định thẩm quyền xử phạt hành chính cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ).
Có quyền khởi kiện nếu quyết định tạm hoãn xuất nhập cảnh sai?
Góp ý vào dự án luật, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật cần nêu rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của công dân Việt Nam khi xuất, nhập cảnh ra nước ngoài. Họ không chỉ tuân thủ luật pháp nước sở tại mà phải gìn giữ văn hóa, bản sắc người Việt Nam, có trách nhiệm tuyên truyền giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam.
“Trường hợp vừa qua như Đoàn Thị Hương (bị tòa án Malaysia tuyên án 3 năm 4 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích bằng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm, được trả tự do ngày 3/5 – PV) khi trở về Việt Nam đã ứng xử như một “ngôi sao” thì trách nhiệm của công dân này ra sao? Phải xử lý như thế nào?”- đại biểu đặt câu hỏi và cho rằng dự án Luật phải làm rõ vấn đề này.
Theo đại biểu, cần phải nêu trách nhiệm, quyền hạn đầy đủ của các cơ quan liên quan như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng… Đại biểu cũng đặt vấn đề, ngoài trường hợp Đoàn Thị Hương, các cơ quan này đã bảo hộ quyền lợi nhiều công dân Việt Nam khác hay chưa?
Cho ý kiến về khoản 1 Điều 28 dự thảo luật quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cho rằng cần cân nhắc việc này. Bởi có trường hợp làm ăn mâu thuẫn với nhau, biết cá nhân đó sắp đi nước ngoài ký hợp đồng nên gửi đơn tố giác, nếu cơ quan xét đơn tố giác không thận trọng và tạm hoãn xuất cảnh, nhưng sau này mới biết sự tố giác đó là sai, cũng có nghĩa người bị tố giác đã mất cơ hội làm ăn, thì khi đó họ có quyền kiện ngược trở lại.
Hay như người đang có nghĩa vụ thanh toán 10 tỷ, năm đầu chỉ thanh toán được 1 tỷ, 2 năm sau có nghĩa vụ thanh toán số còn lại, nhưng họ đi nước ngoài làm ăn, kiếm tiền trả nợ là điều tốt vậy thì tại sao phải ngăn chặn không cho xuất cảnh. Ông Nghĩa đề nghị bổ sung “người có nghĩa vụ và đang vi phạm nghĩa vụ đó có thể bị cấm xuất, nhập cảnh”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.
Theo đại biểu đoàn TPHCM, người có thẩm quyền tạm hoãn xuất, nhập cảnh trong dự thảo luật quy định rất rộng. Đối với công an là cơ quan điều tra dù có quy định được phép tuy nhiên đối với một số trường hợp vẫn phải thông qua VKS. Đối với cơ quan điều tra, kể cả có đơn tố giác vẫn phải có phê chuẩn của VKS mới được quyền ra lệnh cấm xuất nhập cảnh.
Đại biểu Nghĩa kiến nghị đây là quyền hiến định của công dân nên người bị tạm hoãn xuất cảnh có quyền khởi kiện hành chính với quyết định này. Bởi vì một số quyết định tạm hoãn xuất, nhập cảnh thực chất là vấn đề hành chính thì UBND, Cục thuế, Cục Hải quan có thể bị khởi kiện nếu ra quyết định tạm hoãn xuất, nhập cảnh đối với một ai đó là sai.
“Người bị tạm hoãn xuất nhập cảnh trái pháp luật mà bị thiệt hại thì có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đề nghị đưa vấn đề này để những người thực thi công vụ có trách nhiệm đối với đất nước, với nhân dân, nhất là đối với những công dân rơi vào tình cảnh bị tạm hoãn xuất, nhập cảnh” – ông Nghĩa nêu ý kiến./.
Nguồn: VOV