Trang chủ Tin tức Từ vụ Nhật Cường Mobile: Tại sao "kinh tế ngầm" khó bị...

Từ vụ Nhật Cường Mobile: Tại sao "kinh tế ngầm" khó bị phát hiện?

171
0

Nếu không quản lý minh bạch, rõ ràng, thì ranh giới giữa gian thương và các doanh nhân làm ăn chân chính sẽ rất mong manh.

Những ngày qua, báo chí đã nêu khá rõ về một số hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Nhật Cường, Giám đốc đã bị khởi tố với nhiều bị can khác. Cụ thể ra sao sẽ chờ những kết luật chính thức của cơ quan điều tra và Tòa án xét xử.

Tuy nhiên, qua sự việc này đã bộc lộ rõ công tác quản lý doanh nghiệp kinh doanh bán buôn, bán lẻ, dịch vụ đang có vấn đề. Doanh nghiệp Nhật Cường đã tổ chức 2 loại sổ sách kế toán để che đậy doanh thu thực của mình, doanh số hàng năm bình quân là 340 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận bình quân chỉ khoảng 1 tỷ đồng. Họ đã để ngoài sổ sách hàng trăm tỷ đồng doanh thu.

Điều đáng nói ở chỗ, doanh nghiệp là một tổ chức buôn lậu xuyên quốc gia với các mặt hàng điện thoại di động, phụ kiện điện tử các loại…hoạt động đã 19 năm song đến bây giờ mới bị phát hiện.

Từ vụ Nhật Cường Mobile: Tại sao "kinh tế ngầm" khó bị phát hiện?

Cửa hàng chính của Nhật Cường mobile ở 33 Lý Quốc Sư đóng cửa sau khi bị khám xét.

Cả một quãng thời gian dài như vậy, nhiều hoạt động vi phạm pháp luật kinh doanh như thế mà các cơ quan như: Công an kinh tế, quản lý thị trường, phòng kinh tế các quận, huyện nơi doanh nghiệp này có cửa hàng kinh doanh lại không hề biết!? Việc quyết toán hàng năm về doanh thu, nộp ngân sách đã được xác lập như thế nào khi quyết toán mà có thể “qua mặt” được cơ quan thuế?

Một vài năm trước, báo chí cũng đã nêu lên câu chuyện những “mỏ thuế lộ thiên” chưa được khai thác, không biết khai thác hoặc “không muốn” khai thác để nêu lên tình trạng quản lý lỏng lẻo hoặc “bảo kê tiêu cực” cho vấn đề trốn thuế, buôn lậu, gian lận thương mại của các đơn vị ăn uống dịch vụ và thương mại của các thành phần kinh tế.

Tất cả những diễn biến như Con cưng, Khaisilk, Nhật Cường… đã làm cho dư luận phải đặt ra một số câu hỏi: Việc sai trái kéo dài liên tục với quy mô lớn, các cơ quan quản lý được phân công giám sát có biết không? Những số liệu khập khiễng, mâu thuẫn như đã nêu ở trên thì các cơ quan có đặt dấu hỏi và có thẩm tra, kết luận cụ thể không?

Bên cạnh đó, hàng loạt các doanh nghiệp buôn bán dịch vụ sầm uất, mở thêm các chuỗi bán lẻ dịch vụ nhưng vẫn kêu lỗ hoặc thực hiện nghĩa vụ ngân sách rất thấp với nhà nước…Rồi hiện tượng bảo kê tiêu cực, lơ là thiếu trách nhiệm mà báo chí còn biết được, tại sao những cơ quan quản lý lại không biết?

Cần phải nhắc lại rằng, Bộ Tài Chính gần đây đã có những chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp nhằm giảm bớt việc nợ đọng thuế hàng nghìn tỷ đồng thất thu, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Những hiện tượng như vậy không phải là cá biệt và vẫn chưa được ngăn chặn một cách cơ bản. Ngân sách thất thu, tổ chức và cá nhân làm ăn nghiêm túc bị thua thiệt trong sự cạnh tranh không cân sức. Điều đó tạo ra ranh giới mong manh giữa gian thương và các doanh nhân làm ăn chân chính.

Đem lại sự minh bạch công khai, công bằng trong sản xuất kinh doanh, phân biệt rõ ràng ai là người thực chất kinh doanh nghiêm túc, đâu là kẻ làm ăn phi pháp, vi phạm pháp luật là nhiệm vụ rất phức tạp, khó khăn nhưng rất cần cho xã hội. Niềm tin của những doanh nghiệp chân chính sẽ được hun đúc mạnh mẽ hơn, bằng những cố gắng trong công tác quản lý thuế và chống “kinh tế ngầm” bất hợp pháp hiện nay tại thị trường Việt Nam./.

Nguồn: VOV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây