Để kỷ niệm Ngày Tự do Báo chí Thế giới (03/05) và ngày Nguyễn Hữu Vinh ra tù (05/05/2019), đài BBC tiếng Việt đã tổ chức một buổi tọa đàm về vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam. Trong và sau buổi tọa đàm, Trần Quốc Thuận, Phạm Chí Dũng và Hoàng Ngọc Giao đã đòi Nhà nước Việt Nam bãi bỏ các hoạt động “định hướng”, “chỉ đạo”, “kiểm soát” đối với báo chí; công nhận báo chí tư nhân và xây dựng luật để quản lý báo chí tư nhân; trong khi Phạm Đoan Trang tuyên truyền rằng Việt Nam phải thay đổi chế độ để có tự do báo chí.
Cụ thể, trong cuộc tọa đàm, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nói rằng Việt Nam thực ra không có tự do báo chí, vì 3 lý do. Một, là thay vì được tự do đưa tin rồi tự chịu trách nhiệm về thông tin; báo chí Việt Nam phải đưa tin “có định hướng, có chỉ đạo”. Hai, là không có báo chí tư nhân. Ba, là các tổ chức “giám sát, phản biện” phải trực thuộc Mặt trận Tổ quốc.
Trong khi đó, Phạm Chí Dũng đòi phải có “cách mạng báo chí” và “trả tự do cho những người đấu tranh vì quyền tự do ngôn luận và quyền lợi của người dân” “như Trần Huỳnh Duy Thức và Đỗ Công Đương”.
Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, nói rằng Nhà nước phải “từ bỏ độc quyền về báo chí”, “để tất cả các thành phần khác tham gia làm báo và trên cơ sở cạnh tranh về thông tin, về chất lượng đưa tin, cũng như về nội dung”, và tạo “một hành lang pháp lý rất rõ ràng để xử lý những hành vi vu khống, hay những hành vi đưa tin trái sự thật và gây hậu quả”. Tóm lại, ông Giao muốn Việt Nam có báo chí tư nhân và khung pháp luật về vấn đề này.
Đi xa hơn 3 khách mời vừa nêu, Phạm Đoan Trang trả lời BBC sau buổi tọa đàm rằng chừng nào Việt Nam còn chế độ độc đảng thì còn chưa có tự do báo chí; và chế độ làm giới hạn trình độ nghiệp vụ, kỹ năng của nhà báo, làm tha hóa giới báo chí.
Ngoài ra, “một nhà nghiên cứu muốn giấu tên” ở Hà Nội nói với BBC rằng để nới rộng tự do báo chí ở Việt Nam, cần “chú ý đến” Luật Tiếp cận Thông tin, sửa Bộ luật Hình sự theo hướng loại bỏ những điều luật liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, ban hành Luật Biểu tình.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 3 nhận xét.
Thứ nhất, dù các khách mời trong cuộc tọa đàm của BBC tiếng Việt đưa ra khá nhiều ý kiến, chất lượng thảo luận của cuộc tọa đàm thực ra không cao. Trong suốt cuộc tọa đàm, các khách mời không thống nhất cách định nghĩa tự do báo chí, cũng không viện dẫn các văn bản về tự do báo chí của quốc tế hoặc Việt Nam để làm căn cứ bàn thảo. Vì vậy, khách mời chủ yếu chỉ chia sẻ các cảm nhận, suy nghĩ mang tính chủ quan và tản mạn của mình về vấn đề này. Hy vọng BBC lưu ý, để cải thiện chất lượng thảo luận trong các buổi tọa đàm tới.
Thứ hai, giả sử khách mời của BBC chịu trích dẫn các văn bản, họ sẽ thấy không cần nhắc đến vấn đề báo chí tư nhân trong thời điểm này, vì hai lý do.
Một: “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”, đã được Thủ tướng phê duyệt, không để nhiều khoảng trống cho vấn đề tư nhân hóa báo chí.
Hai: các cam kết quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký chỉ đề cập đến vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí, chứ không nêu đích danh một giải pháp là “báo chí tư nhân”.
Chẳng hạn, Khoản 2 Điều 19 “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị” chỉ quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ”. Với quy định có phần “rộng mở” này, Nhà nước hoàn toàn có thể giải thích rằng mọi công dân Việt Nam đang có khả năng sử dụng quyền tự do ngôn luận thông qua việc gửi tin, bài cho báo chí của Nhà nước, hoặc đăng chúng lên không gian phi chính thống trên Internet. Nhà nước cũng có quyền hạn chế các tin, bài đe dọa “an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội”, theo quy định của pháp luật, như Khoản 3 Điều 19 của Công ước đã nêu.
Như vậy, thay vì ngoan cố đòi Nhà nước công nhận báo chí tư nhân và bãi bỏ các điều luật Hình sự liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, các khách mời của BBC nên tìm cách phát huy quyền tự do ngôn luận trong những không gian vừa phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, vừa phù hợp với các thỏa thuận về nhân quyền mà Việt Nam đã ký với quốc tế.
Thứ ba, một số khách mời và nội dung xuất hiện trong buổi tọa đàm của BBC hơi thiếu sức thuyết phục với độc giả. Một buổi thảo luận về báo chí không nên có sự hiện diện của Phạm Chí Dũng và Phạm Đoan Trang, trừ phi các tờ báo mở thêm mục “Chửi bới mỗi ngày” cho Trang và mục “Bói toán” cho Dũng. Việc Dũng đòi thả Trần Huỳnh Duy Thức nhân danh “quyền tự do báo chí” cũng không hợp lý, vì Thức bị bắt vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, chứ không phải vì hoạt động báo chí.
Nguồn: Loa Phường