Cách đặt tiêu đề cho một bài báo của báo Dân Trí đã vô tình hay hữu ý tạo điều kiện cho những kẻ chống phá đất nước xuyên tạc, bôi bẩn thực tế ở Việt Nam.
Hình bên là ảnh chụp từ màn hình bài báo trên Dân Trí
Hôm 17/5/2019, báo Dân Trí có bài “Băng trộm chỉ mặt công an nói: “Mày mới là cướp”. Ngay sau đó nhiều bạn đọc đã có phản ứng với tác giả Hồng Điệp và Dân Trí về cách đặt tiêu đề bài viết. Tiêu đề rõ ràng thể hiện thái độ thiếu thiện chí của tác giả với ngành công an và gợi ý cho những kẻ chống phá chế độ nhảy vào bình luận theo hướng tiêu cực.
Trang SBTN ngay sau đó đã có bài với sự hả hê: Ăn trộm ở Sài Gòn chỉ mặt nói công an là cướp.
Hình bên là ảnh chụp bài đăng trên SBTN
Sau khi tóm tắt nội dung bài báo trên Báo Dân, tác giả chua thêm: “Được biết, trong những năm gần đây, lực lượng công an, cảnh sát CSVN thường có những hành vi vô cớ bắt người, hoặc đánh đập trấn áp người dân, đặc biệt là những người bất đồng chính kiến, những dân oan, những người đấu tranh chống BOT sai phạm, không chỉ vậy, lực lượng chức năng này còn bị tố cáo hành vi làm tiền người dân nên đã khiến nhiều người mất niềm tin vào lực lượng này. Vì vậy, việc người dân không tin vào nhóm cảnh sát bắt cướp trong vụ việc trên, dù đây là tội phạm quả tang khiến nhiều người liên tưởng đến câu truyện ngụ ngôn “Cậu bé chăn cừu nói dối.”.
Tất nhiên, bài viết nhận được nhiều bình luận mà hầu hết là theo hướng tiêu cực, đả phá chế độ. Có những bình luận cực đoan mà Lâm Trực không muốn viết ra ở đây.
Nội dung bài báo không có vấn đề gì, nhưng với tiêu đề đó, rõ ràng bạn đọc có lý do để thể hiện thái độ bức xúc, phẫn uất khi tìm thấy sự “hả hê”, “Khoái trá” của tác giả trong đó.
Bàn về hiện tượng này, nhiều bạn đọc viết rằng báo chí bao gồm cả báo chí chính thống đang không làm tròn bổn phận, chức trách, nhiệm vụ của mình.
Dù không được đào tạo báo chí ngày nào, nhưng người viết cho rằng, với vai trò to lớn của mình đối với xã hội, báo chí phải là vũ khí sắc bén thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến quảng đại quần chúng bằng cách thông tin đúng đắn, chân thật, có sức thuyết phục để hình thành dư luận tốt; làm tốt chức năng biểu dương và phê phán, phát hiện và phản ánh trung thực những điển hình tiên tiến, nhiệt tình ủng hộ và cổ vũ nhân tố mới, những người tốt, việc tốt, những biểu hiện tích cực; tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.
Rất tiếc nhiều tờ báo đã không thực hiện chức năng này. Tôi không dám nói là báo chí tiêu cực, nhưng hãy xem những gì mà những tờ báo này đăng, hẳn các anh chị sẽ phải đặt câu hỏi nghi vấn.
Thiết nghĩ, đã đến lúc Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chủ quản phải vào cuộc để giải quyết tình trạng này.
LâmTrực@
Nguồn: Tre làng