Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 13/5/2019 vừa qua đã công bố một cái gọi là “bản danh sách gồm 128 Tù nhân lương tâm Việt Nam”, theo đó, đây là những người “bị chính quyền Việt Nam cầm tù vì biểu lộ niềm tin theo lương tâm của họ một cách bất bạo động”. Cũng theo bản báo này, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã chỉ rõ “theo nghiên cứu của chúng tôi, trong nửa cuối năm 2018, tức là chúng ta tính từ tháng 6 trở về sau và đến đầu năm 2019 chúng tôi nhận thấy là các cấp chính quyền VN đã gia tăng bắt bớ, xử tù những người hoạt động xã hội, cũng như những người bảo vệ nhân quyền, cả những nhà báo ở VN nữa”. Được biết đây không phải lần đầu Tổ chức Ân xá quốc tế lên tiếng để bảo vệ những người được coi là “tù nhân lương tâm”.
Ân xá quốc tế công bố danh sách 128 TNLT được RFA đưa tin
Tổ chức Ân xá Quốc tế (tiếng Anh: Amnesty International, viết tắt AI) là một tổ chức phi chính phủ quốc tế, đặt ra mục đích bảo vệ tất cả quyền con người đã được trịnh trọng nêu ra trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các chuẩn mực quốc tế khác. Mục đích họ đặt ra thì rất tốt đẹp nhưng cái cách họ làm thì có gì đó chưa phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Những từ ngữ như “làn sóng bắt bớ”, “biểu tình rầm rộ”, “quyền con người”,… xuất hiện trong bản báo cáo này. Đáng chú ý, sau khi liệt kê danh sách những người “bất đồng chính kiến”, phê phán sự “đàn áp”, “tra tấn” thì Tổ chức Ân xá quốc tế lại chĩa mũi sang mối quan hệ Việt – Mỹ: “Trong cuộc đối thoại sắp tới, chính phủ Hoa Kỳ nên nhắc lại ở mức cao nhất rằng nếu không có tiến bộ thực sự về quyền con người thì sẽ có giới hạn cho mối quan hệ Mỹ-Việt”. Ý đồ của Tổ chức này là muốn dùng “ngòi nổ nhân quyền” hòng lu loa để làm bình phong, kêu gọi Mỹ gây sức ép với Việt Nam, mượn nhân quyền để ngăn cản mỗi quan hệ Việt – Mỹ vốn đã được xây dựng một cách tốt đẹp trong nhiều năm qua. Đây chiêu bài tưởng mới mà cũ, năm nào Tổ chức này cũng nhai đi nhai lại nhiều lần.
Ở Việt Nam, quyền con người được xác định từ Luận cương (Cương lĩnh) chính trị, năm 1930, các cương lĩnh tiếp theo cho đến Cương lĩnh 2011. Ngay sau khi giành được độc lập, xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam), các Hiến pháp Việt Nam, từ Hiến pháp đầu tiên-1946 đến Hiến pháp 2013 đều nhất quán quy định Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Trong Hiến pháp 2013, lần đầu tiên đã dành cả một chương (Chương II) quy định về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”. Chương này không chỉ quy định đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân mà còn quy định những nguyên tắc cơ bản về quyền con người. Những nguyên tắc đó bao gồm: 1) Nguyên tắc về mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân, trong đó Nhà nước có nghĩa vụ, người dân là chủ thể của quyền; 2) Nguyên tắc hạn chế quyền (chẳng hạn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo… (Điều 24); quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình… (Điều 25) có thể bị hạn chế “vì lợi ích an ninh Quốc gia, trật tự xã hội…”. Cần lưu ý rằng, quyền tự do ngôn luận, báo chí, quyền tiếp cận thông tin…” là những quyền bị hạn chế. Đây là điều mà trong bản báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế đã cố tình bỏ qua.
Hơn nữa, Việt Nam là nước pháp quyền XHCN, mọi công dân đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được trừng trị theo pháp luật. Việc Tổ chức Ân xá tung hô những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam là “tù nhân lương tâm” chỉ là cái cớ để Tổ chức này gây sức ép về nhân quyền ở Việt Nam, từng bước can thiệp sâu vào công việc nội bộ của nước ta – rõ ràng điều này vi phạm Nguyên tắc 95 trong Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945.
-
Thúy Kiều
Nguồn: Người con Đất Mẹ