Đại lễ Phật đản Vesak 2019 đã kế thúc thành công với sự tham gia của trên 3000 đại biểu thuộc 113 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cùng các chư tôn đức giáo phẩm, tăng ni, phật tử. Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) lần thứ 16 được tổ chức tại chùa Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) lần thứ 16 được tổ chức tại chùa Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” đã nói lên tầm vóc, ý nghĩa lớn lao của Đại lễ Vesak kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn, cùng với sự khẳng định giá trị cốt lõi về hòa bình và trí tuệ trong giáo lý của Đức Phật, hơn bao giờ hết, càng cần thiết được phổ biến trong xã hội ngày nay để xây dựng sự phát triển bền vững và hòa bình đích thực cho nhân loại.
Điều đặc biệt trong Vesak năm nay là sự xuất hiện của bức tranh “Đạo pháp và dân tộc” được ông Hà Huy Thanh trao tặng cho Học viện Phật Giáo Việt Nam ngày 10/5/2019, tại Sóc Sơn. Bố cục bức tranh thể hiện ý nghĩa vô cùng sâu sắc, trong đó một bên là Phật Thích Ca Mâu Ni, một bên là Chủ tịch Hồ Chí Minh và ở giữa là bánh xe chuyển pháp luân. Điều này thể hiện sự gắn kết bền chặt giữa Phật giáo với sự tồn tại, phát triển của dân tộc Việt Nam mà đại diện là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bức tranh có chiều cao 2m, chiều ngang 4,2m, tổng diện tích 8,4m2, được thực hiện trên chất liệu sơn mài với nguyên liệu sơn ta của Việt Nam và vàng thật 100%, đã được 6 hoạ sĩ miệt mài thực hiện ngày đêm suốt một tháng qua. Sau khi công bố tại Đại lễ Kính mừng phật đản và triển lãm tại Học viện phật giáo Việt Nam, bức tranh sẽ cùng 19 bức tranh về Bác Hồ của nền hội hoạ Đông Dương – kháng chiến lần đầu được công bố và 19 bức tranh vẽ Bác Hồ của các hoạ sĩ đương đại sẽ được đưa về Nhà hát Lớn Hà Nội triển lãm vào ngày 18/5/2019.
Thượng toạ Thích Thanh đã chia sẻ đây là bức tranh có ý nghĩa. “Năm nay ngày sinh của Đức Phật và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại trùng nhau, ngày 19/5. Hiếm có ngày nào như vậy, chính vì thế khi nhận được ý tưởng của Hà Huy Thanh tôi rất ủng hộ. Còn việc nhiều người nói màu sắc nham nhở tôi nghĩ chưa đúng, bản chất bức tranh là đẹp. Vì là tranh sơn mài, càng mài càng bóng, mọi người chỉ nhìn bức tranh qua ảnh chụp nên việc màu sắc không như thực tế là điều không tránh khỏi. Thêm vào đó, các hoạ sĩ vẫn đang hoàn thiện, chưa xong nên chưa thể chê xấu đẹp“.
Bức tranh “Đạo pháp và dân tộc” thể hiện sự tinh túy của Phật học, ý nghĩa đầy nhân văn của sự gắn kết không thể tách rời giữa dân tộc và tôn giáo. Điều này đã được thể hiện rõ nét thông qua tuyên bố chung.
Công Lý