Liên quan đến việc người dân vây trạm thu phí BOT Hòa Lạc – Hòa Bình liên tiếp trong các ngày từ 3 – 8/5 vừa qua, gây mất trật tự an toàn giao thông tại khu vực, Bộ Giao thông Vận tải đã có công điện khẩn số 13/CĐ-BGTVT gửi UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi kích động, gây rối.
Người dân vây trạm thu phí BOT Hòa Lạc – Hòa Bình. Ảnh: Thanh Hải/TTXVN
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các lực lượng chức năng giải quyết tình hình mất trật tự trên địa bàn. Đồng thời, địa phương kịp thời có các biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 82/CĐ-TTg ngày 18/01/2018 về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí dịch vụ BOT.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn kinh doanh, khai thác; khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình và nhà đầu tư dự án để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông tại trạm thu phí Km17+100 trên đường Hòa Lạc – Hòa Bình; tiếp tục tổ chức đối thoại, tuyên truyền vận động để người sử dụng dịch vụ đường bộ hiểu rõ phương án thu phí và chính sách pháp luật của nhà nước; kịp thời báo cáo về Bộ Giao thông Vận tải kết quả thực hiện.
Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình (doanh nghiệp dự án) cho biết, nguyên nhân xảy ra tình trạng cản trở thu phí là do một số chủ phương tiện sinh sống trên địa bàn xóm Văn Minh, xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn lôi kéo tụ tập, tắt máy và dừng đỗ xe tại các làn thu phí trái quy định.
Những người này đã có nhiều hành vi cản trở việc thu phí dẫn tới ùn tắc giao thông và gây mất an ninh trật tự tại khu vực trạm thu phí. Mặc dù, các lực lượng chức năng của công an tỉnh Hòa Bình hỗ trợ tích cực; cán bộ nhân viên trạm thu phí đã chủ động tuyên truyền vận động, tổ chức đối thoại nhưng các chủ phương tiện vẫn có hành vi cản trở việc thu phí.
Cũng theo ông Bùi Quang Bát, trước sự việc trên đơn vị đã đối thoại nhiều lần với các chủ xe, nhưng các kiến nghị về miễn giảm phí của chủ xe, nhà đầu tư BOT không giải quyết được do phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể, phương án miễn giảm phí cho các đối tượng phải được Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Hòa Bình quyết định.
Trước đó, trên cơ sở thống nhất với UBND tỉnh Hòa Bình, việc thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm thu phí Km17+100 trên đường Hòa Lạc – Hòa Bình đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận để nhà đầu tư, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình thực hiện thu phí hoàn vốn cho dự án từ 0h ngày 3/5/2019.
Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình dài 56 km, gồm hai hợp phần: Tuyến Hòa Lạc – Hòa Bình được xây dựng mới dài 25,7 km và hợp phần cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình dài 30,36 km.
Theo đó, tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình được thiết kế theo tiêu chuẩn tiền cao tốc, nền đường 12 m, mặt đường 11 m. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.723 tỷ đồng, do liên danh Tổng công ty 36-Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Để hoàn vốn cho nhà đầu tư, theo phương án tài chính, dự án sẽ đặt 2 trạm thu phí trên mỗi tuyến đường: Tuyến Quốc lộ 6 đặt tại Km 42+730 (đã thu phí từ năm 2015) và tuyến Hòa Lạc – Hòa Bình đặt tại Km 17+100 (bắt đầu thu phí từ ngày 3/5/2019).
Liên quan đến việc giải quyết các kiến nghị của các chủ phương tiện tại trạm thu phí Km 17+100 trên tuyến Hòa Lạc – Hòa Bình, Thông tấn xã Việt Nam sẽ tiếp tục tìm hiểu về các giải pháp từ Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư để thông tin tới bạn đọc.
Nguồn: Báo Tin tức