Chứng kiến Đoàn Thị Hương được dẫn độ từ Malaysia về Việt Nam bằng phong thái “Trang điểm đậm, tóc xoã, đeo kính đen, miệng tươi cười tay kéo vali màu hồng trong khi hai cảnh sát và vệ sĩ tỏ ra đang chật vật mở đường”trong vòng vây truyền thông y như một ngôi sao hạng A, đặc biệt cô chưa hề tỏ thái độ hối lỗi về những gì mình đã gây ra, ngoài lời cảm ơn Chính phủ và người dân đã giúp cô nhanh chóng ra khỏi nhà tù một cách hình thức, khiến nhiều người tỏ thái độ bất bình.
Trước khi bị bắt vì “nhận lời tham gia gameshow trên truyền hình” đã dẫn đến cái chết của một công dân Triều Tiên, trên facebook của Đoàn Thị Hương, người ta thấy cô không có bóng dáng của một cô gái đến từ vùng quê nghèo Nam Định mà là một cô gái trẻ, hiện đại, sung túc, thường xuyên hiện diện trong các bữa tiệc, trong phòng khách sạn, tới các cửa hàng mỹ phẩm, thời trang, thậm chí còn tự khoe mình từng học ở Havard (?). Trả lời phỏng vấn về dẫn đến phiên tòa, Hương nói vì muốn được nổi tiếng nhanh nên đã đồng ý ngay khi có người đàn ông Triều Tiên ngỏ lời mời cô tham gia đóng các trò chơi khăm trên truyền hình.Và kết cục, thay vì nổi tiếng nhờ tài năng đóng gameshow truyền hình, cô nổi tiếng theo cách khác: Là một nghi phạm chính trong một vụ ám sát quốc tế, và kéo theo nhiều hệ luỵ về luật pháp, ngoại giao, chưa kể đến sự lo lắng của gia đình, người thân và cả những người dân trong nước quan tâm đến số phận của một công dân Việt Nam đang bị xét xử ở nước ngoài.
Sau nhiều nỗ lực ngoại giao, mà nhiều trong số đó chúng ta không thể biết hết được, Đoàn Thị Hương từ nghi phạm bị khép tội giết người, phải chịu án tử hình được đổi tội danh thành Cố ý gây thương tích bằng hung khí hoặc cách thức nguy hiểm với mức án 3 năm 4 tháng tù. Tuy nhiên, cuối cùng cô được giảm án và phóng thích trước thời hạn.
Việc Đoàn Thị Hương trở về với hình ảnh rạng rỡ vì thoát khỏi án tử và tù giam, được săn đón như ngôi sao hạng A khiến cô quên đi rằng, bản thân đã là một người có tiền án, sẽ thực thi các thủ tục với người mãn hạn tù, thuộc diện chính quyền địa phương cần giáo dục, quản lý, bản thân cô cần có trách nhiệm thể hiện thái độ hướng thiện, tái hòa nhập cộng đồng.
Vụ việc Đoàn Thị Hương không khỏi khiến ta liên tưởng đến vụ một nhà báo người Nhật Yasuda sang Syria để đưa tin về cuộc nội chiến bị bắt cóc, tống tiền. Ngay ngày đầu tiên được trả tự do về nước, ông này đã cúi đầu xin lỗi vì đã “gây phiền phức” cho chính phủ Nhật và dân chúng. Dư luận Nhật có nhiều tiếng nói chỉ trích ông này cần tự chịu trách nhiệm về việc bị bắt cóc khi đi vào vùng nguy hiểm.
Xem link https://theworldnews.net/vn-news/nha-bao-nhat-bi-bat-coc-o-syria-gui-loi-xin-loi
Vụ Đoàn Thị Hương và ông nhà báo người Nhật có điểm tương đồng vì “rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm” nhưng hoàn toàn khác ở nguyên nhân, động cơ dẫn đến tình trạng đó. So sánh với cách hành xử của nhà báo Nhật kia thì quả thực, cách thể hiện của Đoàn Thị Hương không khỏi khiến dư luận bức xúc.
Dù sao cô ta cũng là người may mắn khi đã “vô ý gây hậu quả nghiêm trọng” vẫn được giải thoát, được nổi tiếng như ý nguyện, nên mong rằng khi bình tĩnh nhìn lại, Đoàn Thị Hương sẽ trưởng thành hơn, đừng vì săn đón của truyền thông mà ảo tưởng về bản thân, kẻo rơi từ vùng bùn này sang vùng bùn khác, mà e rằng vũng bùn sau sẽ khiến cô không còn cơ hội làm lại cuộc đời.
Nguồn: Loa Phường