Các chuyên gia pháp luật cho rằng hành vi cướp, giật túi xách là phạm tội, nhưng không nên khuyến khích người dân truy đuổi theo tội phạm, vì có thể rất nguy hiểm cho tính mạng của bản thân hoặc người đi đường.
Công an Q.9 cho biết nguyên nhân tử vong của Nguyễn Thế Ngọc (37 tuổi), nghi can giật túi xách, là do bể bàng quang.
Theo diễn biến sự việc, rạng sáng 26.4, anh H.Q.B. lái ô tô chở chị N.T.H.H (21 tuổi, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) lưu thông trên xa lộ Hà Nội, hướng Q.2 (TP.HCM) về Đồng Nai. Khi đổ hết dốc cầu Rạch Chiếc (P.Phước Long A, Q.9), anh B. dừng xe đi vệ sinh. Lúc này Nguyễn Thế Ngọc cùng Nguyễn Hoàng Lâm (30 tuổi) đi trên xe máy trờ tới mở cửa ô tô, giật túi xách trên tay chị H. rồi tăng ga bỏ chạy.
Cú tông mạnh làm xe máy vỡ nát, bay vào vách tường, hai tên cướp ngã ra đường. Nguyễn Thế Ngọc bị thương nên bị anh B. cùng người dân gần đó bắt giữ giao cho Công an P.Phước Long A.
Trong lúc làm việc tại Công an P.Phước Long A, thấy Nguyễn Thế Ngọc có dấu hiệu bất thường về sức khỏe nên công an đã đưa Ngọc đi bệnh viện cấp cứu. Sáng cùng ngày, nghi can Ngọc tử vong.
Tài xế đối diện những mức án nào?
Các chuyên gia pháp luật cho rằng hành vi cướp giật tài sản của Nguyễn Thế Ngọc là vi phạm pháp luật, nhưng theo các các luật sư (LS), không nên khuyến khích người dân truy đuổi theo tội phạm vì có thể rất nguy hiểm cho tính mạng của bản thân hoặc người đi đường.
Trao đổi với PV Thanh Niên, LS Nguyễn Hải Nam (Đoàn LS tỉnh Đồng Nai) cho biết trong vụ việc này có 2 trường hợp xảy ra. Thứ nhất là trường hợp tài xế ô tô chỉ đuổi theo tên cướp, nhưng không may xảy ra tai nạn (khách quan), và đây là ngoài ý muốn của tài xế. Thứ 2 là tài xế cố tình tông vào tên cướp.
LS Nam cho hay dù trong trường hợp nào thì tài xế đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã gây ra hậu quả chết người. Cụ thế, trong trường hợp thứ nhất tài xế sẽ bị xử lý về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo điều 260 bộ luật Hình sự (BLHS). Mức phạt tội này từ 30 – 100 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Trong trường hợp thứ 2, tài xế cố tình tông vào tên cướp, dẫn đến chết người. Dù tài xế không mong muốn hậu quả xảy ra, nhưng xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, tài xế buộc phải nhận thức được khả năng gây chết người. Trong trường hợp này, tên cướp đã có hành vi vi phạm pháp luật trước. Vì vậy, hành vi của tài xế có dấu hiệu cấu thành tội giết người theo điều 123 BLHS, mức phạt tù từ 7 đến 15 năm.
Nếu số tiền mà tên cướp cướp được từ 50 triệu đồng trở lên, dùng thủ đoạn nguy hiểm, hành hung để tẩu thoát…, thì hành vi của tài xế có dấu hiệu của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, theo điều 125 BLHS. Mức phạt tù trường hợp này từ 6 tháng đến 3 năm.
Đồng quan điểm với LS Hải Nam, LS Lê Quang Vũ (Đoàn LS TP.HCM) cho biết trong vụ việc này tài xế có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì hậu quả của vụ án là chết người. Tuy nhiên, theo LS Vũ, khổ chủ trong vụ này bị truy cứu ở tội danh nào còn phụ thuộc vào lời khai của tài xế và quá trình thực nghiệm hiện trường, nơi xảy ra tai nạn.
LS Vũ cho hay quá trình tẩu thoát, Ngọc không dùng hung khí nguy hiểm nào để chống trả thì khả năng truy cứu anh B. ở tội danh “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” là khó.
“Xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, nếu lời khai cùng biên bản hiện trường thể hiện anh B. cố tình đâm mạnh vào nạn nhân, khiến Ngọc tử vong, thì có thể anh B. bị xử lý về tội giết người. Nhưng nếu tốc độ va chạm nhẹ, thể hiện anh B. chỉ tông nhẹ vào nạn nhân chỉ để bắt được tội phạm, còn nạn nhân chết ngoài ý muốn, thì có thể anh B. bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở hành vi vô ý làm chết người, với hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”, LS Vũ phân tích.
“Theo quan điểm của tôi, khi bị giật đồ, cụ thể trong vụ này là bị giật túi xách, tôi không khuyến khích nạn nhân truy đuổi theo tên cướp. Vì việc này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy về an toàn giao thông”, LS Vũ nêu quan điểm.
Nguồn: Thanh niên