Khởi công rầm rộ rồi lại quây tôn kín, cỏ mọc um tùm là thực trạng tại nhiều dự án trên địa bàn Hà Nội, có những dự án “treo”, “vắt” qua 2 thập kỷ.
Năm 1995, Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội được giao thuê 60.000m2 đất để liên doanh với nước ngoài thực hiện dự án xây dựng, kinh doanh nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn tại khu vực đất bên sông Hồng (hay còn gọi là Song Hong city) thuộc phường Yên Phụ (quận Tây Hồ). Đây được kỳ vọng sẽ là khu đô thị mới hiện đại, tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị bên bờ sông Hồng, tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án được xem là quy mô, hoành tráng này vẫn “treo” trên bản đồ quy hoạch.
Hệ lụy từ việc dự án bất động “vắt” qua hai thập kỷ là cuộc sống của nhiều hộ dân đảo lộn, tạm bợ, vá víu khi nhà đất của họ không được xây dựng, sữa chữa, sang nhượng, mua bán…
“Dự án treo thế này chúng tôi ở đây rất là bức xúc. Nhà cửa hàng chục năm nay nằm trong diện quy hoạch nên cũng không sửa chữa được gì, bán thì không ai mua. Cuộc sống người dân trong tình trạng thiếu thốn đủ đủ bề” – ông Hồ Văn Sâm, người dân sống phường Yên Phụ nói.
Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đã “treo” hơn 14 năm nay.
Song Hong City chỉ là một trong rất nhiều dự án “rơi” vào cảnh bất động, hoang hóa, cỏ mọc um tùm sau ngày động thổ. Thống kê cho thấy, trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng trăm dự án “treo”, chưa biết ngày tái khởi động. Tại quận Hoàng Mai có 26 dự án chậm triển khai. Sau 15 năm “khoanh vùng, treo biển”, Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, với diện tích trên 35 ha thuộc các phường Hoàng Văn Thụ, Tương Mai, Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) vẫn chỉ mang hình hài trên giấy, ảnh hưởng lớn đến mỹ quan, môi trường đô thị.
“Chậm ở đây thường các dự án liên quan đến hạ tầng kỹ thuật như bãi đỗ xe, trường học. Ở đây chúng tôi đã rà soát, tất cả chủ đầu tư mà chậm triển khai trường học thì chúng tôi kiên quyết kiến nghị thành phố thu hồi và giao lại cho quận, đầu tư bằng ngân sách công. Bởi trên địa bàn như Định Công, Linh Đàm, Đại Kim đang rất thiếu trường học” – ông Vũ Quỳnh, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho biết.
Trước thực trạng nhiều dự án chậm triển khai trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, yêu cầu các sở ngành, quận huyện kiểm tra, thanh tra, rà soát, xử lý. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng rốt ráo xử lý tồn tại này. Tại quận Nam Từ Liêm – một trong những quận, huyện có số dự án “treo” nhiều nhất thành phố (48 dự án, tính đến 8/2018), phóng viên Đài TNVN đã nhiều lần liên hệ để tìm hiểu thông tin, nhưng sau gần 2 tháng chờ đợi vẫn không nhận được sự phối hợp, dù trước đó, ông Trần Văn Hoạt, Chủ tịch UBND quận Nam Từ liêm đã “gật đầu” và đề nghị phóng viên gửi nội dung làm việc.
Câu hỏi được đặt ra là phải chăng, vì quá nhiều dự án “treo” nên người đứng đầu chính quyền quận Nam Từ Liêm “né” trả lời công luận?
Trước đó, phát biểu tại phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai trên địa bàn thành phố do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức (8/2018), Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm thừa nhận, 48 dự án chậm triển khai trên địa bàn là con số rất lớn. Việc theo dõi kiểm tra, phát hiện, xử lý những vi phạm, công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ nặng nề.
“Hiện nay chúng tôi có 48 dự án chậm, trong đó có 17 dự án đang trong trạng thái giải phóng mặt bằng và 31 dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai. Đây là một con số rất lớn. Các dự án này cơ bản là do nguyên nhân chủ quan của chủ đầu tư. Tuy nhiên ở đây cũng phải kiểm tra, rà soát để xác định nguyên nhân cụ thể” – ông Trần Văn Hoạt nói.
Liên quan đến việc rà soát, xử lý dự án “treo” trên địa bàn Thủ đô, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, những nhà đầu tư không còn đủ các điều kiện dứt khoát phải thu hồi. Rõ ràng, sự quyết tâm của người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội là có, nhưng sẽ không “đến đầu đến đũa” nếu như các quận, huyện, sở ngành chức năng vẫn xem như việc “chẳng có gì phải vội”./.
Nguồn: VOV