Không có một chuẩn nhân văn nào mà bao che cho những sai phạm liên tục, dai dẳng trong môi trường giáo dục cả.
Vụ gian lận kỳ thi THPT Quốc gia 2018 bị phát hiện đã phơi bày chân tướng một đường dây nâng điểm và thêm một lần bộc lộ tiêu cực trong thi cử. Nhưng đó chỉ là “giọt nước làm tràn ly” dư luận, còn thực tế những gian dối dai dẳng trong lĩnh vực giáo dục đã trở nên phổ biến, từ việc chạy theo bệnh thành tích mà nâng điểm, “làm đẹp” học bạ cho học sinh, che giấu yếu kém cho đến nạn đạo văn.
Phải chăng vì luật pháp chưa nghiêm, vì sự bao che, sợ mất uy tín trong ngành, cũng có thể là do ”đồng chí chưa bị lộ” đi giải quyết ”đồng chí bị lộ”… mà bệnh giả dối đâm “lờn thuốc”, thành mãn tính?
Môi trường nhà trường đáng ra phải là nơi trong sáng, đạo đức, công bằng, yêu thương lại liên tiếp xảy ra nhiều tệ nạn. Những vấn nạn có tính “tái lại” cho thấy chúng không còn thuộc phạm vi cá nhân, tự phát… mà là có một lỗ hổng đạo đức của thiết chế, chính sách.
Ngành giáo dục từ cấp trung ương tới địa phương có đầy đủ lực lượng Thanh tra, Giám sát, Khảo thí… Các kỳ thi quan trọng thì có tăng cường cán bộ an ninh công an phối hợp làm nhiệm vụ. Nếu tất cả làm việc công tâm và trách nhiệm thì đã giăng được một mẻ lưới lớn, nhưng trên thực tế thì vụ gian lận điểm thi là do cá nhân ngoài những ngành này phát hiện, còn cán bộ, công an đã có những người dính dáng vào đường dây.
Ngẫu nhiên các trường hợp được nâng điểm toàn rơi vào nhà có chức, quyền, tiền?Ảnh minh họa: TTO
Những phụ huynh không thể vô can thì nhanh chóng đưa ra “bằng chứng ngoại phạm”: con tôi học giỏi, không ai nhờ, chẳng rõ lý do, không nâng điểm vẫn đậu… Thật khó lý giải tại sao thí sinh được nâng điểm không phải con cái công nhân, nông dân… mà ngẫu nhiên toàn rơi vào nhà có chức, quyền, tiền?
Một thí sinh nếu bị phát hiện mang điện thoại vào phòng thi cho dù không sử dụng thì ngay lập tức bị lập biên bản, đình chỉ thi… Còn một em được nâng gần 15 điểm thành thủ khoa “kép” Đại học Sư phạm Hà Nội lại đã từng lên báo rao giảng về lòng trung thực trên báo chí.
Một thiết chế minh bạch và khoa học cũng giống như một dây chuyền sản xuất công nghiệp vận hành trơn tru. Một hạt cát lẫn vào sẽ tự động văng ra, nếu hạt cát lớn thì máy sẽ tự động dừng để bộ phận kỹ thuật vào sửa chữa… chứ không có chuyện tùm lum cát hòa chung vào nguồn máy đang chạy. Một dây chuyền máy móc như thế chỉ sản xuất ra những phiên bản lỗi, sản phẩm kém chất lượng.
Vụ điểm thi nếu không bị phát hiện thì không thể hình dung sự đảo điên nào sẽ đến với đất nước trong tương lai gần, khi số “nhân tài sửa điểm” lên tới 222 người tốt nghiệp ra trường rồi được cơ cấu làm nhân sự nòng cốt. Một phụ huynh có con đang học thi nói: Nhìn những điểm số ăn gian được báo chí bôi đậm, rồi nhìn con mình đêm đêm chong đèn lần mò từng con chữ con số ôn thi… tôi không thể kiềm chế lòng phẫn nộ, khinh bỉ!
Cách giải quyết vụ gian lận điểm thi đang gây sôi sục dư luận hiện nay là thước đo sự thực tâm cải cách của ngành giáo dục. Nếu lấp liếm bao che, nhân văn giả hiệu… thì ung nhọt lại tiếp tục ủ bệnh, còn người dân có quyền đặt câu hỏi: trong hệ thống hiện hành có hay không những kẻ trở thành “nhân tài”, cán bộ… sau một đêm ngủ dậy! Không có một chuẩn nhân văn nào mà bao che cho những sai phạm liên tục, dai dẳng trong môi trường giáo dục cả.
Phát biểu mới đây của một lãnh đạo cấp cao “xót ruột khi đạo đức xuống cấp”có thể coi như một lời cảnh báo có tính dự báo. Lực cản phát triển đất nước những năm tới ngoài hạn chế nguồn vốn, năng suất lao động thấp, môi trường luật pháp lạc hậu… còn là đạo đức công dân xuống cấp. Nếu cho rằng đạo đức là thứ không ăn được rồi bỏ bê quả là sai lầm.
Khi các trường của Bộ Công an yêu cầu tất cả thí sinh trúng tuyển, nhập học đều phải viết giấy cam đoan điểm trúng tuyển là điểm thực thì cơ sở của lòng tin vào thể chế cũng lung lay. Niềm tin đã rạn nứt, bệnh giả dối đang lan tràn… cần kíp một cuộc chấn hưng đạo đức xã hội, bắt đầu từ nhà trường. Làm bây giờ là đã muộn nhưng chưa phải là quá muộn!
Giữa lúc những vụ việc chấn động này được sôi sục bàn luận khắp nơi, tôi liên tưởng đến sách dạy Đạo đức cho học sinh đầu cấp 2 của Nhật Bản. Trong đó có một câu: “Khi hành động và ứng xử với lòng trung thực thì bầu trời trong xanh lồng lộng hiện ra trước mắt”… Điều đó cũng đồng nghĩa rằng khi có hành vi, ứng xử không trung thực, nhất là ở lứa tuổi học sinh, các em đã đóng bớt một cánh cửa trên con đường tương lai của mình.
Sinh sống, làm việc, tiếp xúc với người Nhật tôi học hỏi họ nhiều điều, bao gồm lòng trung thực. Tôi từng thầm trách sao họ trung thực có lúc đến mức cực đoan như vậy? Nhưng thời gian trôi qua đã xác thực: dù dưới góc độ nào thì hành vi ứng xử trung thực cũng luôn luôn đúng và một xã hội chỉ có thể vận hành lành mạnh trên cơ sở đó.
Có thể nói, những quốc gia nghèo tài nguyên như Nhật Bản và Singapore trở thành cường quốc một phần chính là do được kiến tạo trên nền tảng lòng trung thực của công dân và sự minh bạch của thể chế!
Trúc Nguyễn
Nguồn: Tuần Việt Nam