Trang chủ Luận bàn - Phản biện Chúng ta có trong tay tất cả, bọn trẻ vẫn bị ‘bỏ...

Chúng ta có trong tay tất cả, bọn trẻ vẫn bị ‘bỏ rơi’?

161
0

Cùng với bệnh thành tích, sự tha hóa của văn hóa ứng xử học đường đang là nỗi đau nhức nhối của cả xã hội, đặc biệt là những ai tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Thời gian qua có rất nhiều ý kiến, bình luận phân tích mổ xẻ các nguyên nhân, nhằm trả lời cho câu hỏi: Bạo lực học đường, vì đâu nên nỗi?

Trong một bài viết trước đây, người viết bài này từng nhấn mạnh đến ba yếu tố: Nhà trường – gia đình – xã hội. Bây giờ ngẫm lại, thấy cần phải đổi trật tự nêu trên thành: Gia đình – Nhà trường – Xã hội, bởi sự logic trong quan hệ tương tác và nhân quả giữa các yếu tố.

Gia đình ươm mầm

Nền tảng văn hóa gia đình đóng vai trò ươm mầm, hết sức quan trọng trong việc hình thành đạo đức, lối sống của trẻ.

Vì thế, các bậc phụ huynh hãy dành sự quan tâm đến những vấn đề cơ bản trong môi trường giáo dục gia đình. Hãy nêu gương cho con trẻ, đừng “quên” trách nhiệm giáo dục con cái, đừng o bế chiều chuộng chúng thái quá về mọi mặt, đừng dạy con theo “bệnh sĩ”, gây áp lực học hành, thành tích quá mức, đừng tiếp tay cho tiêu cực chạy thầy, chạy trường, chạy điểm.

Trước hết đó là vai trò nêu gương của người lớn.

Mọi hành vi, lời nói của người lớn trong gia đình đều tác động đến đầu óc non nớt của trẻ thơ. Người lớn ứng xử có văn hóa thì nhất định trẻ cũng học hỏi, làm theo.

Không phải vô cớ mà người xưa luôn đề cao và coi trọng cái gọi là gia phong, gia giáo. Bây giờ, nhắc đến điều đó, không ít người dè bỉu, cho là lạc hậu, cổ hủ. Nhưng gia phong, gia giáo hướng con người sống tốt, sống có ích, hạn chế việc làm xấu, trái với đạo lý, điều đó không bao giờ là cũ.

Đó là sự quan tâm, giám sát của phụ huynh về các hành vi của trẻ.

Môi trường sống thay đổi, điều kiện sống ngày càng tốt hơn. Có lẽ vì thế mà nhiều bậc làm cha làm mẹ hết sức chiều chuộng, tạo cho con cái thói quen tiêu xài, ăn diện quá sớm, sẵn sàng dốc túi mà không cần quan tâm đến việc chúng xin tiền bạc để làm gì.

Có gia đình còn mua sắm điện thoại đắt tiền dù con đang học tiểu học. Còn ở bậc học trên thì hầu như em nào cũng có trong tay công cụ không chỉ để liên lạc mà còn kết nối internet.

Đó là việc tạo áp lực học hành quá mức với con cái.

Xã hội trọng danh, chuộng bằng cấp thì phụ huynh cũng bị cuốn theo cái gu thời thượng. Nhiều phụ huynh hằng ngày trẻ đi học về chỉ quan tâm đến điểm số mà không cần biết thực lực và chuyện học hành của con mình ở trường ra sao.

Chúng ta có trong tay tất cả, bọn trẻ vẫn bị ‘bỏ rơi’?

Bạo lực học đường vì đâu nên nỗi. Ảnh minh họa

Nhà trường định hình

Hòa nhập vào môi trường giáo dục, trẻ bắt đầu chịu tác động trực tiếp của cả môi trường xã hội. Chính vì thế mà chúng ta đã từng đề ra nguyên lý giáo dục “nhà trường gắn liền với gia đình và xã hội”.

Nhưng xem ra, cái nguyên lí xưa như trái đất ấy, chúng ta đã bỏ quên từ lâu. Nhà trường đang bị “pháo đài hóa” vì sự gắn kết này đang hết sức lỏng lẻo.

Thiên chức của giáo dục nói chung, thầy cô giáo nói riêng gói gọn trong mấy chữ dạy kiến thức, dạy làm người. Tuy nhiên, dù đã qua nhiều phen cải cách nhưng “hai chân” ấy của giáo dục vẫn khập khiễng, dạy kiến thức vẫn là chính.

Trong ba mục mục tiêu của giáo dục ở bậc tiểu học, mục tiêu dạy làm người được nêu hào sảng như nghị quyết nhưng lại xếp hàng sau cùng trong thực tiễn. Chúng ta cố nhồi nhét học trò kiến thức mang tính hàn lâm mà sao nhãng việc dạy kĩ năng sống, dạy cách làm người trong lúc môi trường sống ngày càng đa dạng, phức tạp và biến động không ngừng.

Nhiều nhiêu năm qua, nhất là thời gian gần đây, giáo dục nổi lên với những dự án hàng ngàn tỷ, nào là cải cách, thay sách, đổi mới phương pháp dạy học, nào là dự án thử nghiệm mô hình (VNEN), đồ án dạy ngoại ngữ, dự án dạy tin học vùng khó,… Nhưng chuyện dạy và học thực tế của thầy – trò thì chẳng mấy sốt sắng.

Còn người thầy chịu quá nhiều áp lực, chạy theo thành tích, thi thi đua của cá nhân và tập thể, áp lực về hồ sơ sổ sách, thi cử,… Họ bị ràng buộc bởi một lô những tiêu chí, tiêu chuẩn, chứng chỉ cần có để rồi quanh năm suốt tháng đôn đáo chạy ngược chạy xuôi.

Trong một môi trường làm việc như thế, không thể tránh khỏi căng thẳng, bức xúc về mặt tâm lí. Thầy cô còn đâu tâm trí, tâm huyết để chăm lo sự nghiệp trồng người.

Xã hội tác động

Chưa bao giờ tác động của xã hội vào trường học lại quyết liệt, toàn diện như hiện nay, với nhiều mặt trái. Những tác động tiêu cực ngấm vào đầu óc non nớt của các em nhanh, nhạy hơn cả bài học nào trên lớp, trong sách giáo khoa.

Liệu lòng trung thực, tự trọng (vốn là những bài học trong môn đạo đức, giáo dục công dân) còn có chỗ trong tâm thức con trẻ một khi gian dối chi phối môi trường giáo dục?

Bài học gian lận thi THPT quốc gia năm 2018 còn nóng bỏng. Đó là vụ gian dối chấn động, nhưng thường ngày, còn bao nhiêu cái sự gian dối khác diễn ra dưới mỗi mái trường? Đừng nghĩ học sinh không biết gì giữa cái thời đại bùng nổ thông tin, dồi dào sẵn phương tiện nghe nhìn hiện nay.

Ngoài ra, không thể nói những vụ đại án tham nhũng, những vụ thăng tiến thần tốc của con ông cháu cha, chuyện bổ nhiệm lại những quan chức sai phạm nghiêm trọng, tin tức “cướp giết hiếp” giăng đầy mặt báo và mạng xã hội,… không tác động tiêu cực đến giới trẻ.

Hiện tượng “giang hồ” mạng như Dương Minh Tuyền, Khá Bảnh,… rộ lên vừa qua, được đông đảo thanh thiếu niên hưởng ứng là một minh chứng cho thấy sự khủng hoảng trong tâm lý và niềm tin của giới trẻ. Nhưng nếu nghĩ một cách sâu xa hơn sẽ thấy, chúng ta đang phần nào thất bại trong việc giáo dục, tập hợp bọn trẻ dù có trong tay tất cả: luật pháp, tổ chức chính quyền, đoàn thể, gia đình và nhà trường.

Thầy cô gian dối, môi trường sống xung quanh cũng đầy gian dối – tứ bề thọ địch – học trò như trang giấy trắng, làm sao đây để nguyên vẹn, lành lặn, sáng trong?

Phải thay đổi…

Cùng với bệnh thành tích, sự tha hóa của văn hóa ứng xử học đường đang là nỗi đau nhức nhối của cả xã hội, đặc biệt là những ai tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò – chuyện tưởng như đơn giản ấy nhưng lại thật khó trong bối cảnh hiện nay.

Hãy để trường học làm đúng thiên chức dạy chữ, dạy người của mình.

Hãy để thầy cô được toàn tâm toàn ý vào việc dạy dỗ, tất cả vì học sinh thân yêu.

Hãy để học trò thực sự “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Tôi tin, nếu làm được như thế, bạo lực học đường tự khắc sẽ giảm, nhà trường sẽ là điểm sáng của văn hóa ứng xử, xứng đáng là vườn ươm các thế hệ tương lai của nước nhà.

Nguyễn Duy Xuân

Nguồn: Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây