Để có một Đồng Tâm thực sự ổn định, điều cần làm ngay lúc này là các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm những hành vi trái pháp luật của số đối tượng cầm đầu trong “nhóm Đồng Thuận”, trong đó của Bùi Viết Hiểu.
Trong đoạn Livestream phát đi từ buổi “kỷ niệm 2 năm ở xã Đồng Tâm” hôm 15/4/2019, Bùi Viết Hiểu, thành viên cốt cán của “nhóm Đồng Thuận” đã liên tục phát đi những thông tin sai sự thật, nhằm kích động mâu thuẫn giữa nhân dân và chính quyền, lực lượng vũ trang.
Cụ thể, Bùi Viết Hiểu đã gọi sự kiện Đồng Tâm năm 2017 là “chiến dịch cướp của, giết người có quy mô, tổ chức lớn nhất từ trước đến nay”, thậm chí Hiểu còn ví sự kiện Đồng Tâm là “ngang tầm với quy mô thời chống Mỹ như dồn dân, lập ấp chiến lược…”. Không những vậy, Bùi Viết Hiểu còn lớn tiếng khi công bố cái gọi là “hồ sơ tuyệt mật” được Hiểu và “nhóm Đồng Thuận” giấu kín từ năm 2017. Hiểu loan tin rằng, khi xảy ra sự kiện Đồng Tâm năm 2017, đã có 1 lực lượng rất lớn của Công an và Quân đội được đóng tại sân bay Miếu Môn với nhiều phòng nghỉ VIP gồm thê đội 2 (lực lượng máy bay chiến đấu) cùng điện thoại, bộ đàm, 200 sĩ quan chỉ huy, hơn 500 cảnh sát cơ động, 200 chiến sĩ tinh nhuệ của quân khu thủ đô, bộ đội đặc công… kèm theo súng bắn tỉa, súng tia laze, chó nghiệp vụ và máy bay trực thăng… để phục vụ cho cái gọi là “chiến dịch giết người, cướp đất” của “giặc nội xâm”…
Tuy nhiên, cái gọi là “chiến dịch cướp của, giết người có quy mô, tổ chức lớn nhất từ trước đến nay” mà Bùi Viết Hiếu đưa ra chỉ là sự vu khống, bịa đặt.
Thực tế là do có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng, xây dựng công trình trên đất quốc phòng nên người dân dân trên địa bàn xã Đồng Tâm đã có đơn thư khiếu tố lên cơ quan của huyện và thành phố. Về vấn đề này, huyện Mỹ Đức và thành phố Hà Nội đã nhiều lần tổ chức đối thoại nghiêm túc giải quyết nhiều nội dung khiếu tố và vẫn tập trung giải quyết; tuy nhiên, số công dân khiếu kiện vẫn không đồng tình và tổ chức nhiều hoạt động gây phức tạp tại địa phương, nhất là khi Vietel nhận bàn giao diện tích đất trên để thi công.
Một trong những sự việc như thế đã khiến Công an thành phố Hà Nội phải tiến hành khởi tố vụ án hình sự (ngày 30/3/2017) và áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bắt giữ một số đối tượng đã làm rõ bước đầu phục vụ công tác điều tra, xử lý trước pháp luật (ngày 15/4/2017). Ngay sau khi lực lượng chức năng triển khai bắt giữ các đối tượng trên, do sự kích động của “nhóm Đồng Thuận” một số phần tử quá khích đã tiến hành bao vây, không cho xe ô tô của các lực lượng làm nhiệm vụ ra khỏi địa bàn xã Đồng Tâm và giữ trái phép 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Hà Nội tại Nhà văn hóa thôn Hoành hòng cố giữ cho bằng được phần đất quốc phòng mà chúng đã cướp được, lấn chiếm được từ sự buông lỏng quản lý của chính quyền xã cũng như phía quân đội.
02 năm đã qua đi, bất chấp nỗ lực của chính quyền các cấp, “nhóm Đồng Thuận” do bố con nhà Lê Đình Kình, Lê Đình Công cầm đầu vẫn tiếp tục diễn trò lòe bịp dư luận, tích cực cấu kết với đám phá chính quyền ở trong và ngoài nước để khống chế người dân, vô hiệu hóa hệ thống chính trị cơ sở nơi đây.
Rõ ràng, hành vi thách thức pháp luật của “nhóm Đồng Thuận” ngày càng trắng trợn và nguy hiểm. Một trong những hành vi đó là việc tuyên truyền những thông tin sai sự thật của Bùi Viết Hiểu trong đoạn Livestream phát đi từ buổi “kỷ niệm 2 năm ở xã Đồng Tâm” hôm 15/4/2019.
Điều 37 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.
Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, có quy định một trong các hành vi bị cấm như: đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Do đó, người có hành vi vi phạm có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào mức độ, tính chất và hậu quả của hành vi đó gây ra.
Xét trường hợp của Bùi Viết Hiểu, đây là trường hợp loan tin sai sự thật, có tính chất vu khống chính quyền, lực lượng công an, quân đội… gây sự hiểu lầm, bức xúc trong nhân dân để kích động bạo lực. Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, người phạm tội có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội vu khống, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm./.
Đắc Chí
Nguồn: Việt Nam Mới (vnnew.net)