Tuần vừa qua, một hình ảnh đẹp đã khiến cho cả thế giới phải ngỡ ngàng. Đó là hình ảnh hạ mình, quỳ gối hôn chân các vị lãnh đạo chính quyền Nam Sudan của Giáo hoàng Francis. Theo đó, ngày 11/4 Tòa thánh Vatican đã nhóm họp các nhà lãnh đạo Nam Sudan tại nơi cư trú của Giáo hoàng Francis để cầu nguyện và thuyết giảng nhằm hàn gắn sự chia rẽ ở quốc gia này. Tại đây, Giáo hoàng Francis đã làm cho các nhà lãnh đạo Nam Sudan tỏ ra sững sờ, dù đã 82 tuổi và bị đau chân mãn tính, dù khó khăn nhưng ông đã quỳ xuống để hôn chân hai thủ lĩnh đối lập chính và một số người khác.
Giáo hoàng Francis đã hạ mình để kêu gọi Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và 3 phó tổng thống tôn trọng một hiệp định đình chiến mà họ ký kết, đồng thời thực hiện cam kết thành lập chính phủ thống nhất vào tháng tới. Giáo hoàng đã gửi thông điệp “Sẽ có những cuộc đấu tranh, bất đồng giữa các bạn nhưng hãy giữ chúng bên trong các bạn, bên trong văn phòng. Còn trước mặt mọi người, hãy nắm tay nhau đoàn kết”. Giáo hoàng cũng nhấn mạnh đến việc người dân Nam Sudan đã kiệt sức vì chiến tranh và các nhà lãnh đạo có nhiệm vụ xây dựng quốc gia non trẻ của họ bằng công đạo.
Một hình ảnh kinh ngạc, đáng ngưỡng mộ của một người đứng đầu Tòa thánh Vatican, một người nắm “quyền lực” rất lớn trong tay, với sự cầu mong hòa bình cho người dân. Điểm lại từ những khoảng thời gian trước đó, lời khẩn cầu cho sự hòa bình, mong muốn hòa giải các xung đột nội bộ hay quốc tế của giáo hội Công giáo lần này không phải chỉ mang tính nhất thời, mà trên thực tế nó đã được thực hiện rất một cách rất chủ động, tích cực và hết sức chân thành. Những lời kêu gọi hòa bình cho Syria, Yemen, chấm dứt xung đột kéo dài giữa Israen và Palestin… thể hiện rõ được sự mong muốn hướng thế giới đến những giá trị tốt đẹp hơn, ổn định hơn.
Nhưng thật đáng tiếc, những hình ảnh, hành động đẹp đó lại chỉ đến từ thượng tầng của Giáo hội Công giáo. Khi nhìn lại tại Việt Nam, khi mà ở đây chúng ta đã có sẵn sự hòa bình, ổn định, và mọi người cũng chỉ có một mong muốn nhỏ nhoi rằng, các vị Linh mục Công giáo tại Việt Nam có thể cùng chung tay duy trì và phát triển điều đó. Thế nhưng thực tế lại đang chứng minh một điều hoàn toàn ngược lại, một thực trạng rất đáng buồn. Không ít các vị linh mục cai quản các giáo xứ, là những người có chức sắc, nhưng các vị lại luôn hướng đến việc tìm cách gây hấn, cố tình khiêu khích, gây rắc rối nhằm gây mất đoàn kết dân tộc. Đây là những tồn đọng, những hạt sạn của Giáo hội Công giáo. Trong cả một quãng thời gian dài, những cái tên như linh mục Nguyễn Nam Phong, Đặng Hữu Nam, Nguyễn Duy Tân, Nguyễn Đình Thục, Phan Văn Lợi,… đã gây ra không ít các vụ việc làm mất an ninh trật tự tại địa bàn. In băng rôn, khẩu hiệu đả kích rồi xúi giục, ép buộc bà con giáo dân xuống đường gây mất trật tự; tổ chức cầu nguyện cho tội phạm, đồng thời không quên xuyên tạc, đả kích chế độ; gây sức ép không cho các gia đình để con em đến trường học… là những hình ảnh đáng lên án của các vị linh mục Công giáo nêu trên.
Điều này thật đúng là khó hiểu. Những tưởng những hành động, phát ngôn của Giáo hoàng được xem như là lời răn đối với các linh mục, với bà con giáo dân. Ấy thế nhưng nghịch cảnh là không ít các chức sắc Công giáo tại Việt Nam lại dường như không để ý, không quan tâm lắm đến đường hướng, mục đích chung của giáo hội. Thượng tầng thì vẫn đang tạo ra, lan truyền một hiệu ứng tốt đẹp khắp thế giới, thế nhưng ở hạ tầng tại Việt Nam thì lại đang tồn tại đám linh mục máu nóng, luôn tìm cách gây hấn, thậm chí còn cấu kết với những phần tử phản động, bất mãn chống đối, thù địch Việt Nam ở nước ngoài để chống phá, tìm cách phá hoại sự hòa bình, ổn định của đất nước./.
AN THIÊN