Lo ngại ảnh hưởng đến môi trường sống và sản xuất, người dân xã Lương Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương) đang phản đối việc xây dựng nhà máy xử lý rác tại đây.
Nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải ngày càng tăng của huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đề xuất đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Lương Điền và đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Khu vực diện tích đất nông nghiệp ở xã Lương Điền nằm trong diện thu hồi của dự án nhà máy xử lý rác thải
Tuy nhiên, việc triển khai dự án trên thực tế còn gặp khó khăn do chưa nhận được sự đồng thuận của người dân nơi đây. Người dân lo ngại nhà máy xử lý rác thải đặt trên địa bàn xã sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống và sản xuất lâu dài trong vùng nên ra sức phản đối.
Từ ngày có dự án Nhà máy rác, dân Lương Điền bất an
Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tỉnh Hải Dương tại xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng do Liên doanh United Exprert Investments Limited, Công ty Cổ phần Tài nguyên và Môi trường Âu Việt làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.023 tỷ đồng.
Đây là Dự án xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện công suất 500 tấn/ngày đêm (rác không phân loại) và phát điện 9MW-10MW. Diện tích sử dụng đất khoảng 10ha, thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Mô hình Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện tỉnh Hải Dương
Trong quyết định này, UBND tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện lập báo cáo tác động môi trường (ĐTM) cho dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trước khi triển khai dự án.
Sau khi có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND huyện Cẩm Giàng, xã Lương Điền cùng đại diện chủ đầu tư đã tổ chức đối thoại với các hộ dân có đất trong dự án và toàn thể nhân dân thôn Bình Long, xã Lương Điền để thông báo các văn bản pháp lý liên quan, quy mô, quy trình công nghệ của dự án. Đồng thời, giải thích các chế độ chính sách, quy định về bồi thường, hỗ trợ GPMB khi Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, nhiều người dân sinh sống cạnh dự án này cho rằng, nhà máy rác này đặt quá gần khu dân cư, trường học, các công trình tâm linh là bất hợp lý.
Ông Hoàng Văn Long (73 tuổi, ở thôn Bình Long xã Lương Điền) cho biết: “Chúng tôi phản đối dự án xử lý nhà máy rác và phát điện vì đến thời điểm thu hồi đất để triển khai, chủ đầu tư chưa làm báo cáo tác động môi trường. Dự án triển khai gần nhà dân, cách trường học và nhà dân chỉ vài trăm mét”.
Sau đối thoại, đã có 52/89 hộ dân nhận tiền, 37 hộ còn ý kiến chưa thống nhất với phương án bồi thường đã lập. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số hộ dân có ruộng bị thu hồi kiên quyết không nhận tiền đền bù GPMB, một số hộ dân đã nhận tiền đền bù đề nghị trả lại tiền.
Ông Trần Văn Thụ ở thôn Bình Long, xã Lương Điền cho rằng nằm Dự án Nhà máy rác ở đầu nguồn nước Bắc Hưng Hải cấp nước cho ba tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, nên dân chúng tôi không đồng ý vì lo ô nhiễm
Người dân cho rằng, việc vận chuyển rác về nhà máy có thể làm rỉ nước rác và gây ô nhiễm môi trường, dự án nằm ở gần đầu nguồn hệ thống sông Bắc Hưng Hải, nơi cung cấp nước tưới tiêu cho các hộ dân…
“Chưa có thông báo thu hồi đất của UBND huyện Cẩm Giàng, nhưng UBND xã Lương Điền đã thông báo là đã hết thời gian niêm yết đền bù công khai, nếu gia đình nào không nhận tiền thì sẽ đưa vào kho bạc và sẽ không lấy được”, ông Trần Văn Thụ ở thôn Bình Long, xã Lương Điền cho hay.
Còn ông Nguyễn Xuân Năm ở thôn Bình Long cho rằng, người dân ở đây phản đối nhà máy xử lý rác này vì quy mô lớn, nằm gần khu dân cư sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này. Hơn nữa, quyết định ghi rõ là trong vòng 6 tháng, chủ đầu tư phải hoàn thiện đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường, đất đai…nhưng đến nay (tháng 4/2019) đã 9 tháng rồi mà chủ đầu tư vẫn chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ông Nguyễn Xuân Năm ở thôn Bình Long cho rằng, người dân ở đây phản đối nhà máy xử lý rác này vì quy mô lớn, nằm gần khu dân cư sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này
“Không cho họp dân, dân không được biết, không được bàn, nói chung là người dân không được biết gì về dự án này. Còn về môi trường thì dự án nằm quá gần khu dân cư, đồng ruộng cận kề nên không thể cấy hái được. Lại nằm ở đầu nguồn nước Bắc Hưng Hải cấp nước cho ba tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, nên dân chúng tôi không đồng ý…”, ông Năm nói.
Làm việc với phóng viên, ông Trịnh Ngọc Thành – Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho rằng, dự án trên hoàn toàn đảm bảo về khoảng cách và sẽ không gây ô nhiễm môi trường khi đi vào hoạt động. Cơ sở để ông Thành khẳng định là chủ đầu tư sẽ sử dụng dây chuyền, công nghệ đồng bộ, bản quyền của một tập đoàn nước ngoài mà đoàn của huyện đã được đến thăm quan.
“Chúng tôi đã được đi tham quan một nhà máy xử lý rác ở nước ngoài do chính nhà đầu tư này đầu tư theo công nghệ đang hoạt động, khi mà tận mắt chứng kiến hoạt động của nhà máy đó thì chúng tôi thấy rất yên tâm về mặt công nghệ”, ông Trịnh Ngọc Thành cho hay.
Theo lãnh đao UBND huyện Cẩm Giàng, trong quá trình chuẩn bị dự án, nhà đầu tư đã có văn bản cam kết dự án sử dụng công nghệ tiên tiến của châu Âu, không phát sinh ô nhiễm. Các sản phẩm phụ của nhà máy như tro, xỉ được sử dụng làm gạch không nung, nước thải được xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam…
Tuy nhiên theo phản ánh của người dân có thể thấy cách triển khai của chính quyền huyện Cẩm Giàng và xã Lương Điền rõ ràng là chưa đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và dân chủ trong giải phóng mặt bằng.
Đa số người dân Bình Long đều lo lắng môi trường sống bị ảnh hưởng khi nhà máy rác đi vào hoạt động
Bên cạnh đó, người dân có ý kiến, nên mời đại diện người dân (chứ không phải cán bộ cơ sở) đi thăm quan trải nghiệm thực tế tại nhà máy mà chủ đầu tư đã xây dựng, vận hành, là nguyên mẫu công nghệ của nhà máy sắp xây dựng ở Hải Dương, để họ được tận mắt xem. Không nên để những đoàn thăm quan nghiên cứu, trải nghiệm chỉ toàn cán bộ các cấp như vừa qua.
“Người dân chúng tôi không kiểm soát được, nếu nhà máy gây ô nhiễm chúng tôi muốn vào kiểm tra mà bảo vệ không cho vào thì chúng tôi phải làm sao?”, ông Vũ Xuân Năm, xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương lo lắng.
Dự án chưa có đánh giá ĐTM
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, chủ đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt. Khoản 2 Điều 19 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định, việc lập ĐTM phải được thực hiện từ khi thực hiện từ giai đoạn chuẩn bị dự án; Khoản 2 Điều 21 của luật này quy định, chủ dự án phải tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án.
Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng Trịnh Ngọc Thành khẳng định, đến thời điểm này, UBND huyện Cẩm Giàng vẫn chưa nhận được bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng Trịnh Ngọc Thành khẳng định, đến thời điểm này, UBND huyện Cẩm Giàng vẫn chưa nhận được bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án.
Ông Trịnh Ngọc Thành khẳng định: “Hiện nay dự án vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Để được xây dựng thì nhà đầu tư phải hoàn thành các thủ tục theo quy định như báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, xin giấy phép xây dựng, khi đó nhà đầu tư mới được xây dựng dự án. Các cơ quan chức năng sẽ yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường thì mới được xây dựng, vận hành”./.
Phi Long/VOV.VN
Nguồn: Đấu trường dân chủ