Trang chủ Nhân vật Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên – người thực hành Trường Sơn

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên – người thực hành Trường Sơn

287
0

Những người đi sau như chúng tôi đang hụt hẫng vì sự ra đi của vị Tư lệnh huyền thoại của Bộ đội Trường Sơn, nhất là khi lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đang đến gần.

Trong giai đoạn lịch sử khó khăn nhất thời kỳ chống Mỹ đã xuất hiện những con người thực hành xuất sắc. Các vị tướng được nhân dân phong thánh vì sự thực hành của họ đã vượt lên trên mọi lý thuyết, lý luận, sách vở, đưa đến chiến thắng cuối cùng. 

Một người trong số đó là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên – vị Tư lệnh huyền thoại của Bộ đội Trường Sơn. 

Ông không phải là vị Tư lệnh đầu tiên nhưng ông đã để lại dấu ấn là một người thực hành có niềm tin sắt đá vào sự chính nghĩa tất thắng. Sự thực hành đạt tới đỉnh cao của người Việt Nam trong thời chiến. Thực hành những điều không thể. Thực hành những điều vô cùng giản dị. 

Hơn hết, ông thực hành để tự hào là người Việt Nam, khi đất nước còn chia cắt, người Mỹ còn cho rằng chúng ta không thể thắng, không thể bắn rơi B52, không thể làm đường sá, cầu cống, đưa xe tăng, những quân đoàn chủ lực vượt qua Trường Sơn. 

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - người thực hành Trường Sơn

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn. Ảnh của Nhà văn Phùng Văn Khai.

Người thực hành quyết liệt 

Trước ông đã có nhiều vị Tư lệnh Trường Sơn như Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Thượng tá Võ Bẩm, nhưng phải đến khi Đồng Sĩ Nguyên được bổ nhiệm làm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn mọi thứ mới hoàn toàn đổi khác. 

Điều khác biệt căn bản nhất của ông là tư duy chiến lược để thực hành ra con đường và hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại, mà cho đến tận bây giờ vẫn còn những câu hỏi lớn không chỉ phía ta mà cả phía đối phương. 

Qua một số nhân chứng từng làm việc với Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, chúng tôi được biết một điều vô cùng bình dị: Thực hành từ thực tiễn, thực hành đến tận cùng trên nền tảng chính nghĩa của cuộc chiến tranh. 

Ông vào Trường Sơn khi bộ đội ta gặp vô cùng khó khăn. Xe bị bắn cháy liên tục, hàng loạt. Đường bị san phẳng bất cứ nơi đâu. Sự dũng cảm hi sinh không thể đắp đầy nhu cầu phía trước. Khu 5, miền Nam ruột thịt cần rất nhiều vật chất, con người. Đi vào bằng cách nào nếu cứ hi sinh hàng loạt? Câu hỏi này nhiều vị Tư lệnh, cả cấp trên giải ngày đêm, cam go, nhiều lúc là bế tắc. Có lúc như là không có đáp số. 

Khi Đồng Sĩ Nguyên vào Trường Sơn, ông phải giải bài toán trên mà lời giải của nó đã gúp bộc lộ một thiên tài chiến lược theo cách giản dị nhất: hực hành. Địch đánh, ta đánh lại chúng. Thay vì chịu trận giữ bí mật an toàn ta đưa cao xạ phòng không vào đối chiến. 

Địch dùng B52, ta đưa thơ văn nhạc họa vào Trường Sơn. Địch rải chất độc thiêu trụi cây rừng, ta trồng cây ngụy trang đường ra phía trước. Cứ như vậy, hàng chục tiểu đoàn thành trung đoàn, sư đoàn. 

Cả nước lên đường. Các binh chủng công binh, phòng không, vận tải, xăng dầu tiến về phía trước như những dòng sông lửa, những dòng sông vượt hai đỉnh Đông-Tây Trường Sơn tiến vào chiến trường. Những bông hoa gài lên mái tóc. Những vòng vô lăng mềm mại nữ lái xe tải quân sự Trường Sơn. 

Ở Trường Sơn không chỉ có súng pháo mà còn có binh trạm đưa đón giao liên. Hàng ngàn học sinh miền Nam theo núi Trường Sơn ra Bắc, sang các nước bạn học tập. 

Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên ít nói, càng không bao giờ tranh luận gay gắt, chỉ thực hành từ thực tiễn máu xương.

Người bạn chí thân của ông, Chính ủy Đặng Tính, hi sinh khi đi kiểm tra chốt trạm ở Trường Sơn. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên gạt nước mắt nói phải lập tức tìm mọi cách đưa thi hài Chính ủy ra Hà Nội, còn ông vẫn chỉ đạo bộ đội Trường Sơn nắm chắc tay súng. 

Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và Chính ủy Đặng Tính như đã theo lối tâm truyền mà hiểu hết mọi cơ sự Trường Sơn. Âu cũng là nỗi niềm và trí tuệ của những người hiền. 

Những trăn trở thời bình 

Không chỉ ở Trường Sơn, ở đâu, thời gian nào, ngay cả khi ở cương vị cao nhất là Ủy viên Bộ chính trị – Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hay đã gần trăm tuổi, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên vẫn là con người thực hành. Ông rất kiệm lời, luôn suy nghĩ đến tận cùng và thực hành đến tận cùng. 

Sau này, cá tính thực hành vẫn luôn theo Đồng Sĩ Nguyên. Ông đã lấy đầu mình để bảo vệ phương án phải làm cầu Chương Dương khi chúng ta định làm duy nhất cầu Thăng Long. 

Số sắt thép thừa mà Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên đưa về làm cầu Chương Dương khiến sau này những người làm xây dựng trầm trồ thán phục. Không chỉ vậy, với người thực hành Đồng Sĩ Nguyên, không có một giây cho sự chần chừ, nước đôi, rồi dẫn đến thỏa hiệp, bắt tay dưới ngăn kéo như không ít những điều hôm nay chúng ta đang chứng kiến. 

Khi trò chuyện với Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, tôi mới hiểu được thêm cốt cách thực hành đến tận cùng của vị tướng Trường Sơn dù khi đó ông đã gần một trăm tuổi. 

Ngần ấy binh trạm, ngần ấy sư đoàn, ngần ấy giao liên, có đến hàng ngàn thanh niên xung phong Trường Sơn trở về quá lứa nhỡ thì, nương tựa cửa chùa bóng phật. Là một vị Tư lệnh thực hành, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên dẫu rất ít nói nhưng đã phải nói ra những điều tâm can nhất: “Phải làm gì đó cho Bộ đội Trường Sơn”. 

Trong hơn 10 năm nay, Hội truyền thống Trường Sơn đã thực hiện được nhiều điều theo tâm nguyện của vị Tư lệnh nhưng vẫn còn nhiều điều lắm phải thực hành bằng được. Điều đó bao gồm những gì vị tướng đã nói ra còn bao hàm những gì đời sống chúng ta đang đặt ra. Hãy học tập cách nghĩ của người đi trước. 

Chúng ta đang phải giáp mặt với quá nhiều những điều không đáng có, sự trí trá đảo lộn, những bất lực, những tầm phào mà quá thiếu những thực hành chính trực như vị tướng Trường Sơn huyền thoại Đồng Sĩ Nguyên. 

Chúng tôi, những người đi sau, đang hụt hẫng khi nghe tin ông. 

Nhà văn Phùng Văn Khai 

Phó TBT Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội

Nguồn: Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây