Theo từ điển tiếng Việt, thần tượng là hình ảnh hay một vật chất khác tượng trưng cho một vị thần được hướng đến để thờ phụng, tôn sùng trong tôn giáo, hoặc còn có thể là bất kỳ người nào hay thứ gì được quan tâm bằng sự ngưỡng mộ, yêu mến hay sùng bái.
Mỗi chúng ta ai cũng từng có cho mình một thần tượng, đó là một anh hùng, một cầu thủ bóng đá, một diễn viên hay một ca sĩ… và tất nhiên, ai cũng mong muốn được giống thần tượng của mình ở một mặt, một khía cạnh nào đó. Đó là điều hoàn toàn bình thường, không có gì để bàn cãi, bởi đa số những thần tượng đó đều là những người có ảnh hưởng trong xã hội, có đóng góp cho xã hội và một lĩnh vực nào đó nổi trội, được mọi người thừa nhận. Việc chúng ta cố gắng luyện tập để được như thần tượng của mình sẽ mang đến những điều tốt đẹp.
Hiện tượng mạng ‘lệch chuẩn’ Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền (ảnh Hải Anh-dautruongdanchu.org)
Thế nhưng, trong thời gian gần đây, một bộ phận giới trẻ đang “thần tượng” những kẻ vì muốn “nổi tiếng”, thích “chơi trội” đã không ngại đăng tải những hình ảnh phản cảm, ảnh nóng, cách ăn chơi sa đọa, chửi thề, khoe của, các thú chơi ngông. Tại sao lại như vậy?
Bởi đa số họ là các bạn trẻ, những người mong muốn được thể hiện bản thân, chưa có kinh nghiệm sống và đa số họ nghĩ rằng, những hành động đó chỉ là trên mạng, không ảnh hưởng đến cuộc sống thực tại, họ thấy rằng những hành động đó thể hiện sự đẳng cấp, thể hiện “anh hùng” và nếu như khi các bạn trẻ ở ngoài đời thật công khai ủng hộ một hành động nào đó, họ cần xem xét đến dư luận xung quanh và ít nhiều phải chịu sự chi phối từ những chuẩn mực xã hội, nhưng khi họ tham gia vào mạng xã hội thì mọi việc lại khác, để bày tỏ ý kiến của mình, thích hay không thích chỉ bằng 1 cái click chuột, đôi khi họ bấm mà chưa kịp suy nghĩ xem những hành động đấy có tác hại thế nào.
Những “thần tượng” lệch lạc như vậy sẽ có ảnh hưởng rất xấu đến việc hình thành nhân cách của giới trẻ đúng như PGS. TS. Phạm Mạnh Hà – Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ nỗi trăn trở về môi trường mạng với những hiện tượng thiếu văn hóa hiện nay: “Tôi nghĩ rằng nếu người ta cứ học theo, làm theo một cách vô thức thì đến một lúc nào đó nó sẽ biến thành lối sống thực của mình. Và khi đó, xã hội của chúng ta sẽ phải chịu hậu quả rất lớn của lối sống bản năng, hoang dã của những cá nhân thuộc một cộng đồng mạng nào đó, học theo những clip, những nội dung thiếu giá trị văn hóa, nhân văn”. Chia sẻ quan điểm về sự việc này dưới góc nhìn Văn hóa, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia cho biết, trong lúc chưa thể ngăn chặn triệt để những hiện tượng mạng tiêu cực như trên thì điều cần làm là phê phán, phê phán mạnh mẽ.
Tối 31/03, chương trình Thời sự 19h trên sóng VTV – Đài truyền hình Việt Nam đã dành khoảng hơn 2 phút để nói về trường hợp của Khá “bảnh” (Ngô Bá Khá) – hiện tượng mạng gây chú ý thời gian gần đây với quá khứ bất hảo, từng vào tù ra tội. Theo đó, Khá “bảnh” được mô tả là một đối tượng đã nhiều lần vi phạm pháp luật và bị xử lý như việc dừng xe, dàn hàng ngang chụp ảnh trên cao tốc khiến thanh niên này bị phạt 5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.
Gần đây, Khá lên mạng chửi bậy, đốt xe, khoe khoang vô văn hóa. Biên tập viên chương tình Thời sự mô tả đời sống của Khá “bảnh” là sự tổng hợp của bạo lực, văng tục chửi thề, khoe tiền khoe của. Đáng nói là những hành động có thể nói là “vô văn hóa” nói trên lại khó có thể bị xử lý. Chính vì vậy, rất cần sự lên án mạnh mẽ của dư luận, cũng như các hình thức xử lý của cơ quan chức năng, không để những hình ảnh vô văn hóa lan truyền.
Các học viện, nhà trường trong quân đội là môi trường vô cùng lý tưởng để giáo dục, rèn luyện thanh niên. Đại bộ phận các bạn trẻ trong quân đội đều là những người có trình độ, được tuyên truyền, giáo dục tốt. Vì vậy, họ cần phải có trách nhiệm và tiếng nói giúp các bạn trẻ khác có nhận thức đúng, không hùa theo, không ủng hộ, không like và thẳng thắn phê phán những việc làm của những “thần tượng” vô văn hóa trên mạng xã hội để không những hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà còn góp phần xây dựng một môi trường mạng xã hội lành mạnh, tốt đẹp hơn.
Lê Út
Nguồn: Đấu trường dân chủ