Sau nhiều năm thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Hà Nội dự kiến triển khai kế hoạch cải tạo, sửa chữa trục đường Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung. Dự kiến kế hoạch sẽ được triển khai ngay trong Quý II, năm 2019.
Hà Nội triển khai sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Nguyễn Trãi, Trần Phú
Tuyến Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung là trục giao thông liên khu vực, trục hướng tâm kết nối đường Vành đai 3 – Vành đai 3,5 của thành phố. Là khu vực phát triển đô thị, kết hợp giữa cải tạo chỉnh trang dân cư đô thị và đô thị xây dựng mới. Đây cũng là trục cảnh quan chính kết nối khu vực nội đô mở rộng với đô thị Hà Đông (thuộc chuỗi đô thị phía Đông đường Vành đai 4) nằm ở phía Tây thành phố đi qua các khu vực chức năng đô thị khác nhau như khu vực các khu tập thể cũ, dân cư đô thị hóa, khu nhà ở, khu đô thị mới… đang trong quá trình hình thành và phát triển.
Ngoài ra, trên tuyến đường còn có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (tuyến 2A) kết nối khu vực nội đô lịch sử với chuỗi đô thị phía Đông đường Vành đai 4.
Trên tuyến đường này thường xuyên có mật độ lưu lượng tham gia giao thông cao, tiềm ẩn nguy cơ về ùn, tắc giao thông. Trong thời gian qua, tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung thường xuyên bị đào, cắt mặt đường để phục vụ thi công tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh – Hà Đông. Mặc dù đã được các chủ đầu tư hoàn trả, Sở Giao thông vận tải duy tu duy trì thường xuyên nhưng mặt đường Nguyễn Trãi vẫn xuất hiện các vệt lồi lõm, mặt đường không bằng phẳng, gây mất mỹ quan đô thị.
Hiện nay, tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh – Hà Đông do Bộ GTVT đầu tư (chạy trong hành lang tuyến đường Nguyễn Trãi) đã cơ bản hoàn thành, dự kiến đưa vào vận hành, khai thác vào tháng 4/2019. Trên cơ sở đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội dự kiến triển khai dự án cải tạo, sửa chữa các đoạn Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung trong Quý II, năm 2019.
Về phương án sửa chữa, Hà Nội dự kiến sẽ cào bóc và thảm toàn bộ mặt đường bằng bê tông nhựa hạt mịn dày 5cm. Đồng thời, thay thế toàn bộ hệ thống bó vỉa dải phân cách giữa, trồng thêm cây xanh, đồng thời các nắp cống, hố ga thoát nước được nâng bằng cao độ mặt đường.
Sau khi thảm xong, tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung sẽ được sơn kẻ, chia thành 6 làn xe. Cùng đó, trên tuyến có các giá long môn có treo biển phân làn đường, bảng điện tử giao thông thông minh, thông tin đô thị và tuyên truyền theo yêu cầu của thành phố.
Tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung sắp được thi công cải tạo, sửa chữa trong Quý II, 2019
Sửa đường là tốt, sửa ý thức còn tốt hơn
Thực tế đáng buồn đối với giao thông Hà Nội hiện nay là chất lượng hạ tầng giao thông lại tỷ lệ nghịch với ý thức của người tham gia giao thông. Theo đó, khi chất lượng các tuyến đường, phương tiện tham gia giao thông ngày càng được cải thiện thì ý thức tham gia giao thông của người dân lại càng đi xuống với mức báo động. Hiện tượng lấn làn, vượt quá tốc độ của các xe ô tô lại xảy ra thường xuyên, phổ biến hơn ở những tuyến đường “đẹp”. Tệ hơn nữa đó là nạn xâm chiếm vỉa hè, lòng đường với mục đích “điền vào chỗ trống” của xe máy và các phương tiện cỡ nhỏ khác. Bên cạnh đó, là ý thức coi thường tính mạng của những người đang tham gia giao thông khi sẵn sàng sử dụng rượu, bia, chất kích thích trước khi cầm lái. Minh chứng cho thực tế này chính là con số ngày càng gia tăng về số vụ, mức độ nghiêm trọng của các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn Thủ đô. Những thực tế này đã vẽ lên khung cảnh một bức tranh giao thông Hà Nội đa dạng, nhiều màu sắc nhưng chủ yếu là những gam màu xám, tối.
Do đó, vấn đề cốt lõi của việc cải thiện điều kiện, cơ sở giao thông Hà Nội không chỉ dừng lại ở việc cải thiện cơ sở hạ tầng. Mà ở đó, trước hết là trách nhiệm nâng cao ý thức của bản thân những người đã, đang và sẽ tham gia giao thông tại địa bàn Hà Nội nói chung và trên tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung nói riêng. Đó là việc nâng cao ý thức tự coi trọng sức khỏe, tính mạng của bản thân và những người khác. Đồng thời là việc xây dựng nét văn minh trong quá trình tham gia giao thông, tiến tới xóa bỏ nạn “điền vào chỗ trống” như giai đoạn hiện nay.
Đi kèm với đó là trách nhiệm của các đơn vị quản lý trong việc xây dựng và thực thi những chế tài đối với những sai phạm trong lĩnh vực giao thông. Thực tế đã chứng minh, ý thức “nhờn luật” của một bộ phận không nhỏ người dân Thủ đô khi tham gia giao thông xuất phát từ chính sự yếu kém, thiếu tính răn đe của hệ thống pháp luật hiện hành.
Chốt lại, triển khai đồng bộ việc cải tạo hạ tầng giao thông, đi kèm với đó là việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân mới là hướng đi đúng và trúng để giải bài toán giao thông Thủ đô hiện nay.
Nam Việt
Nguồn: Người con Đất Mẹ