Trang chủ Loa Phường Vì sao nạn đói lịch sử ở Ấn Độ không được truyền...

Vì sao nạn đói lịch sử ở Ấn Độ không được truyền thông phương Tây nhắc đến?

1
0

Những ngày qua báo chí trong nước dành nhiều bài viết nói về nạn đói lịch sử ở Việt Nam do phát xít Nhật gây ra năm 1945 khiến hơn 2 triệu người (10% dân số Việt Nam thời đó) chết đói. Bạn đọc tham gia bình luận đều bày tỏ sự kinh hãi với thảm họa tàn khốc này của lịch sử, thấy được giá trị cuộc sống hòa bình, yên ổn hiện nay và mong mỏi lịch sử dân tộc Việt Nam đừng bao giờ tái hiện lại tháng ngày bi thương đó nữa.

Vì sao nạn đói lịch sử ở Ấn Độ không được truyền thông phương Tây nhắc đến?

Cùng tham gia sóng truyền thông với báo chí trong nước, trên mạng Internet, một số trang tin lại “điểm danh” những thảm họa nạn đói trong lịch sử nhân loại, như nạn đói ở Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên khiến hàng chục triệu người chết đói và nhấn mạnh đó đều là “nạn nhân” của chế độ cộng sản và cho Chủ nghĩa Marxit là nguyên nhân khiến nạn đói giết hại người dân khủng khiếp nhất của nhân loại. Tất nhiên những thông tin này nhiều thập kỷ nay được truyền thông phương Tây tô điểm đậm nét nhằm “cảnh báo” người dân thế giới về hậu họa của “làn sóng đỏ”. Tuy nhiên, ngoài nạn đói xảy ra ở Việt Nam liên quan đến phát xít Nhật và sự đầu hàng của Pháp và chính quyền bù nhìn còn có nạn đói kinh khủng khác xảy ra ở Ấn Độ giai đoạn 1943-1944 khi đang còn là thuộc địa của Anh khiến hơn 4 triệu (có tài liệu nói là 7 triệu) người chết đói. Sự kiện này đáng ra phải được coi là thảm họa lớn nhất tiểu lục địa Ấn Độ trong thế kỷ 20, thế nhưng không hiểu sao nó chỉ được đề cập tới vài dòng thoáng qua trong lịch sử quốc gia đông dân thứ nhì châu Á này.

“Nạn đói là do lỗi của họ vì đã đẻ sòn sòn như thỏ” – quan chức chính quyền thực dân Vương quốc Anh từng biện bạch về hậu quả của nạn đói ở Ấn Độ giai đoạn 1943-1944 bằng những lời lẽ như thế. Nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất trong giai đoạn này vẫn là Thế chiến II đang ở đỉnh điểm, gạo được đem sang Anh do phát xít Đức hoành hành châu Âu. Nhà hóa sinh Australia, tiến sĩ Gideon Polya, đã gọi nạn đói Bengal là “nạn diệt chủng do con người tạo ra” vì chính những chính sách của chính quyền thuộc địa lúc bấy giờ là nguyên nhân trực tiếp gây ra nạn đói này. Bengal có một vụ thu hoạch dồi dào năm 1942 nhưng người Anh lại đưa phần lớn lương thực từ Ấn Độ sang Anh, gây nên tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trong các khu vực mà ngày nay gồm Tây Bengal, Odisha, Bihar và Bangladesh.

Theo lời kể của tác giả cuốn Churchill’s Secret War (Chiến tranh bí mật của Churchill), bà Madhusree Mukerjee, bức tranh về nạn đói Bengal khiến người ta lạnh gáy: Bố mẹ bỏ xác con chết đói xuống giếng và sông. Nhiều người lao mình vào tàu hỏa tự tử. Người ta phải đi xin nước cơm để cầm hơi. Trẻ con thì ăn lá cây và cỏ. Mọi người còn không có đủ sức lực để hỏa thiêu người thân qua đời. Không ai còn sức để thực hiện các nghi lễ cho người chết nữa. Chó nhà và chó hoang tha hồ cắn xé đống xác người trong những ngôi làng ở Bengal…

Trong tình cảnh đói khát, những người sống sót là những người đàn ông tới Calcutta để tìm việc, là những người phụ nữ hành nghề mại dâm để có tiền nuôi gia đình. Năm 1943, hàng đàn người đói lả tràn vào Calcutta, phần lớn chết trên đường phố. Trái ngược lại với thảm họa này là hình ảnh binh sĩ Anh ăn uống no đủ trong các câu lạc bộ trên đất Ấn. Nhiều sử gia cho rằng chính quyền thuộc địa lẽ ra có thể ngăn chặn nạn đói một cách dễ dàng. Chỉ cần chuyển tới Ấn Độ vài chuyến lương thực là đủ. Nhưng họ lại không làm gì cả.

Nội các Chiến tranh của Chính phủ Anh đã liên tục nhận được cảnh báo rằng nạn đói có thể xảy ra ở Ấn Độ do chính sách vắt kiệt tài nguyên của Ấn Độ nhưng họ đều phớt lờ. Khi quân Nhật xâm chiếm Miến Điện tháng 3/1942, việc nhập khẩu gạo của Ấn Độ từ Miến Điện đã bị cắt đứt. Miến Điện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới thời đó. Thay vì bảo vệ người Ấn Độ trước tình trạng thiếu lương thực, người Anh đã để Ấn Độ tự chịu và tiếp tục xuất khẩu gạo kiếm lời cho các nước không nhập khẩu gạo được từ Đông Nam Á do chiến tranh. Tài liệu cho hay Chính quyền thuộc địa Anh đã xuất 260.000 tấn gạo trong giai đoạn 1942-1943.

Khi nạn đói nghiêm trọng nhất, tháng 7/1943, Toàn quyền Linlithgow đã ngừng xuất khẩu gạo và lại đề nghị Nội các Chiến tranh cho nhập khẩu 500.000 tấn lúa mỳ. Đây là con số tối thiểu để nuôi quân đội. Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 4/8 sau đó, Nội các Chiến tranh lại không xếp được lịch cho một chuyến tàu lúa mỳ tới Ấn Độ. Thay vào đó, nội các đã ra lệnh tích trữ lúa mỳ để nuôi người dân châu Âu sau khi họ được giải phóng. 170.000 tấn lúa mỳ từ Australia đã được chuyển sang châu Âu. Người dân Ấn Độ đói lả không được lấy một hạt. Số lượng lương thực và nguyên liệu thô mà Anh tích trữ dành cho nền kinh tế thời hậu chiến đạt 18,5 triệu tấn. Đường và các loại hạt nhiều đến mức phải phủ bạt để ngoài trời.

Nhà cầm quyền Anh lúc bấy giờ thừa biết quyết định của mình sẽ khiến dân Ấn Độ chết đói hàng loạt. Không chịu ứng cứu lương thực, nhưng người Anh cũng không chấp nhận các nước ứng cứu cho dân Ấn Độ. Nội các Chiến tranh đã bỏ qua lời đề nghị hỗ trợ 100.000 tấn gạo Miến Điện từ Subhas Chandra Bose – một nhân vật lỗi lạc của Ấn Độ lúc đó đang về phe Trục (Đức-Italia-Nhật) ở Miến Điện. Họ cũng bác đề nghị gửi lúa mỳ của Canada, từ chối gạo và lúa mỳ mà Mỹ muốn gửi cho người Ấn Độ!?

Về sau, Nội các Chiến tranh Anh cuối cùng cũng ra lệnh gửi 80.000 tấn lúa mỳ và 130.000 tấn lúa mạch ít ỏi cho Ấn Độ vào tháng 11/1943. Quân đội Ấn Độ lúc đó vẫn dùng gạo và lúa mỳ trong nước sản xuất mà lẽ ra có thể dùng để cứu đói cho dân. Nạn đói kết thúc tháng 12/1943.

Lời bào chữa cho đến nay vẫn được bám vào là nước Anh không có tàu thừa để chuyển hàng khẩn cấp. Tuy nhiên, tác giả Mukerjee đã có tài liệu để bác lại lời bào chữa này. Bà dẫn các hồ sơ chính thức cho thấy tàu thuyền chở ngũ cốc từ Australia đã bỏ qua Ấn Độ trên đường tới Địa Trung Hải.

Thái độ thù địch của chính quyền thực dân nhằm vào Ấn Độ không phải là điều mới mẻ. Trong một cuộc họp Nội các Chiến tranh, những người có trách nhiệm thời ấy đã đổ lỗi cho người Ấn Độ tự gây ra nạn đói cho mình, nói rằng họ “đẻ như thỏ”. Tác giả Mukerjee nhận định rằng quan điểm của nhà cầm quyền lúc bấy giờ với Ấn Độ khá cực đoan, chủ yếu là vì họ biết không thể giữ Ấn Độ được lâu. Bà từng viết trên tờ The Huffington Post: “Người ta coi lúa mỳ là thức ăn quá quý giá đến mức không thể đem đi cho những người không phải là da trắng, chứ đừng nói là đem cho những đối tượng ngoan cố đang đòi độc lập từ đế chế Anh. Họ thích gom ngũ cốc để nuôi người châu Âu sau khi chiến tranh kết thúc hơn”.

Tháng 10/1943, khi nạn đói ở Ấn Độ đang ở đỉnh điểm, trong bữa tiệc xa hoa đánh dấu lễ nhậm chức của Toàn quyền Wavell người ta vẫn phát biểu: “Nạn đói đã qua… Giai đoạn này trong lịch sử Ấn Độ sẽ chắc chắn trở thành Kỷ nguyên vàng sau này, là giai đoạn mà người Anh đã cho họ hòa bình, trật tự, công lý cho người nghèo và mọi người đều được bảo vệ khỏi các nguy hiểm bên ngoài”.

Thực ra, chính sách của nhà cầm quyền với khu vực Bengal đang chết đói không có gì khác biệt so với cách đối xử của Anh với Ấn Độ từ trước. Trong 120 năm dưới ách cai trị của Anh, Ấn Độ trải qua 31 trận đói nghiêm trọng. Trong khi 2.000 năm trước khi bị Anh cai trị, Ấn Độ xảy ra 17 nạn đói. Thống kê cho hay tổng cộng, nạn đói do chính sách của người Anh gây ra đã khiến 29 triệu người Ấn Độ chết. Trong khi Anh đã ngỏ lời xin lỗi tới các nước khác như Kenya vì đã gây ra vụ thảm sát Mau Mau, nhưng cho đến nay nước này tiếp tục không đả động đến những nạn đói kinh hoàng ở Ấn Độ do chính sách của họ gây ra.

Nguồn: Loa Phường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây