Trong tuần qua, khi tận dụng chủ đề “BOT giao thông” để tuyên truyền, các tổ chức, cá nhân chống đối đã tập trung khai thác vụ công an tăng cường lực lượng tại trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài, và phạt 5 lái xe gây rối tại trạm, nhân dịp trạm này thu phí trở lại hôm 15/03/2019.
Cụ thể, năm 1997, Bộ Giao thông – Vận tải mở trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài (BTL-NB), để thu phí trên tuyến đường nối trung tâm Hà Nội với cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Năm 2009, Bộ bàn giao trạm này cho Công ty cổ phần Vietracimex 8, để thu phí đoạn đường tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc gần quốc lộ 2, do công ty này đầu tư xây dựng. Từ năm 2013 đến nay, Bộ và UBND thành phố Hà Nội đã nhiều lần đề xuất di chuyển trạm thu phí này về đúng vị trí, là đường tránh Vĩnh Yên, vì như lời nguyên Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, “Thu phí trên tuyến đường đối ngoại để trả tiền đầu tư cho một con đường ở Vĩnh Yên là bất hợp lý”. Tuy nhiên, Vietracimex 8 phản đối, viện lý do rằng đề xuất này sẽ khiến họ phá sản. Phải đến ngày 18/12/2018, khi một số nhóm lái xe và cư dân địa phương căng băng-rôn phản đối trạm, trạm thu phí BTL-NB mới tạm dừng thu phí 3 tháng.
Ngày 15/03/2019, khi trạm BTL-NB bắt đầu thu phí trở lại, cơ quan Công an đã huy động lực lượng tuần tra tại trạm, nhằm kịp thời xử lý nếu các nhóm lái xe tiếp tục phản đối trạm bằng hình thức dừng xe, từ chối trả tiền, cố tình gây ách tắc giao thông. Tuy nhiên, một số lái xe vẫn tái diễn các hoạt động đó, dẫn đến va chạm với lực lượng. Cụ thể, theo lời kể trên BBC của Trần Thị Thu Thủy, thì một nhóm gồm Thủy và 4 người khác đã từ chối trả phí qua trạm, để phản đối trạm BTL-NB. Khi được trạm mở barrier cho qua mà không phải trả tiền, họ lái xe đi ăn rồi lại để tiếp tục phản đối. Sau lần mở barrier thứ 3, lực lượng chức năng cậy cửa xe, bắt giữ nhóm 5 người vì “hành vi gây rối, cản trở hoạt động của cơ quan tổ chức”, đồng thời tạm giữ họ “30 tiếng”, và phạt hành chính 2,5 triệu VNĐ.
Trong khi đó, ông Lê Văn Duyển, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 15, đơn vị phụ trách đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường Bắc Thăng Long, nói với báo Tin Tức rằng không có việc “lực lượng chức năng bắt lái xe và phá xe có hành vi phản đối thu phí”. Thay vào đó, lực lượng chức năng chỉ “vận động, nhắc nhở các lái xe và người dân địa phương không tụ tập gây cản trở giao thông và yêu cầu các phương tiện mua vé theo quy định”.
Trong suốt buổi tối ngày 15/03, một số cá nhân chống đối, như Lê Dũng Vova, đã liên tục đăng bài, Livestream để tường thuật vụ việc. Trong những ngày tiếp theo, các hoạt động tuyên truyền của họ tiếp diễn theo 3 hướng.
Thứ nhất, họ tìm cách biện hộ cho nhóm lái xe 5 người. Chẳng hạn, Trần Thị Thu Thủy nói với BBC rằng nhóm của Thủy không gây tắc đường, phần đường quanh trạm đã tắc từ sáng. Tuy nhiên, lời này không có giá trị, vì qua tiền sử hoạt động của nhóm 5 người, việc họ đi cùng nhau, và việc họ liên tục lái xe đến trạm BTL-NB rồi từ chối trả tiền, có thể thấy họ cố tình thực hiện “hành vi gây rối, cản trở hoạt động của cơ quan tổ chức”, như ghi trong biên bản phạt.
Thứ hai, họ công kích rằng ông Lê Văn Duyển đã nói sai sự thật khi trả lời phỏng vấn báo Tin Tức.
Thứ ba, họ tiếp tục tuyên truyền rằng qua việc công an tung lực lượng để “bảo vệ BOT bẩn”, có thể thấy Nhà nước đang cấu kết với các “nhóm lợi ích tư bản” để chống lại người dân. Phạm Đoan Trang đi xa hơn, khi hô hào rằng Nhà nước Việt Nam đã trở thành “kẻ thù” của “dân”, vì vậy “dân” phải lật đổ Nhà nước, thay vì tôn trọng pháp luật và đối thoại với Nhà nước.
Sau khi xem xét vụ việc, chúng tôi xin đưa ra 3 ý kiến.
Thứ nhất, như đã phân tích, hành vi của nhóm Trần Thị Thu Thủy vào tối 15/03 thật sự vi phạm luật pháp Việt Nam. Khi họ phạm luật, họ có trách nhiệm chấp nhận hình phạt mà luật quy định, dù họ có hay không danh hiệu “anh hùng đánh BOT”. Khi họ bất hợp tác, làm chậm quá trình điều tra, thời hạn tạm giữ họ để điều tra đương nhiên sẽ kéo dài. Và vì Bộ luật Hình sự 2015 cho phép tạm giữ đến 3 ngày, họ không có lý do để phàn nàn về việc bị tạm giữ 30 tiếng.
Thứ hai, không nên quy chụp rằng Nhà nước đang “cấu kết với các nhóm lợi ích tư bản” để chống lại cánh lái xe. Một mặt, cần nhớ rằng chính Bộ Giao thông – Vận tải và UBND thành phố Hà Nội từng nhiều lần đề nghị đưa trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài về đúng chỗ. Mặt khác, cần nhớ rằng báo chí chính thống vẫn liên tục đăng những bài phản đối các trạm thu phí có biểu hiện tiêu cực; chỉ những nhóm “đánh BOT” có dấu hiệu vi phạm pháp luật mới bị xử lý bởi cơ quan chức năng. Như vậy, thay vì công kích Nhà nước chỉ để tự cô lập mình, tự đánh mất cơ hội có thêm đồng minh, có lẽ các nhóm “đánh BOT” nên tự điều chỉnh hành vi của mình, sao cho không vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật.
Thứ ba, khi Phạm Đoan Trang kêu gọi độc giả lật đổ Nhà nước, thay vì tôn trọng pháp luật và đối thoại với Nhà nước, Trang đang làm khó rất nhiều người. Từ nay, Tổ chức Ân xá Quốc tế sẽ không tiện phong chức “tù nhân lương tâm” cho Trang, vì họ định nghĩa “tù nhân lương tâm” là những “nhà hoạt động ôn hòa”, “cổ vũ đối thoại xã hội”, “không kêu gọi hận thù”, “không vi phạm pháp luật”. Từ nay, các đệ tử sẽ khó làm truyên thông ca ngợi Trang, vì họ càng mô tả Trang như một “trí thức” có học, ôn hòa thì Trang càng ăn nói một cách vô học, hiếu chiến hơn. Riêng an ninh phải cảm ơn Trang, vì Trang đã tự chứng minh rằng có một thế lực xấu cả người lẫn nết, là Trang, đang muốn lợi dụng vấn đề “BOT giao thông” để kêu gọi lật đổ chế độ.
Nguồn: Loa Phường