Nghề báo là nghề của sáng tạo, làm nhà báo cần phải có sự say mê và quan trọng là phải có mục đích cao cả.
Ở Việt Nam, đào tạo được một phóng viên báo chí cần phải mất thời gian ít nhất là 4 năm. Trong 4 năm đó người học nghề báo cần phải trang bị các kiến thức về triết học, xã hội học, văn học… và các kỹ năng thực hành nghề nghiệp báo chí. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo báo chí chính thống còn tạo điều kiện để học viên thực tập tại các toà soạn báo để người học làm quen với cách thức tổ chức toà soạn và học viên có thể ứng dụng phần lý thuyết đã được học vào thực tế để hình thành nên tác phẩm báo chí hoàn thiện.
Các nhà báo chuyên nghiệp tại Việt Nam, công tác 3 năm chính thức tại một tòa soạn báo của Việt Nam (làm việc theo chế độ biên chế hoặc hợp đồng lao động dài hạn) sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét cấp Thẻ Nhà báo (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, trong thực tế ở nhiều địa phương hiện nay xuất hiện hiện tượng một số cá nhân không được học hành, đào tạo về nghề báo cũng như thiếu hụt về kiến thức cơ bản tự xưng là “nhà báo độc lập” và tác nghiệp tự do không tuân theo những quy tắc quy định về báo chí trong Luật báo chí hiện hành.
Số tự xưng là “nhà báo độc lập” này đang hoạt động đã gây “nhiễu” thông tin trong xã hội, khiến cho thông tin hiện nay đang bị trong tình trạng “ô nhiễm”. Chính từ những hiện tượng “nhiễu thông tin” này khiến cho một bộ phận nhân dân, nhất là giới trẻ bị động trong tiếp nhận thông tin. Việc phân tích tính chất đúng, sai của nội dung thông tin trở lên khó khăn.
Lợi dụng việc nhận thức của nhân dân ta về âm mưu “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa còn hạn chế, các thế lực thù địch đang có âm mưu xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã tăng cường cổ suý cho các phần tử trong nước đang lợi dụng hoạt động báo chí để tuyên truyền xuyên tạc, kích động, gây chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước ta.
Số tự xưng là “nhà báo độc lập” và tác nghiệp tự do kia đa phần do ham muốn vật chất đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tống tiền những người chưa nắm rõ Luật Báo chí và nhầm tưởng chúng là nhà báo chân chính. Nhiều người đã phải “ngậm đắng nuốt cay” chuyển số tiền không phải là nhỏ cho kẻ giả danh nhà báo để rồi gây nên những tiền lệ xấu trong xã hội.
Hành động bao che cho kẻ giả danh nhà báo cũng cần bị lên án. Cũng có một số người “ăn theo” kẻ giả danh nhà báo, đây là những người ăn không ngồi rồi thường xuyên cổ suý cho việc làm sai trái trong hoạt động báo chí bằng cách săn tin và cung cấp thông tin chưa hoàn toàn chính xác để kẻ giả danh nhà báo trục lợi.
Việc chủ động phân tích, sàng lọc, nhận định đúng thông tin trên mạng xã hội là hết sức cần thiết. Thiết nghĩ các cấp, các ngành và các cơ quan thông tin truyền thông cần phải vào cuộc đồng bộ để giúp nhân dân nắm được và hiểu rõ tình hình, kiên quyết không để hiện tượng giả danh nhà báo hoạt động làm “ô nhiễm môi trường thông tin” trong nước Việt Nam.
Lan Nguyễn