Những ngày gần đây, dư luận quần chúng nhân dân Thủ đô nóng lên xung quanh đề xuất của Sở GTVT Hà Nội về việc không chờ đến năm 2030 mới cấm đồng loạt xe máy trong nội thành mà sẽ làm từng bước, chọn những tuyến phố thích hợp như Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi để cấm trước.
Hệ thống xe buýt ở Hà Nội hiện chỉ đáp ứng được 10-11% nhu cầu đi lại của người dân
Mục đích của việc cấm xe máy chính là để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông đang ngày càng nghiêm trọng. Rất nhiều chuyên gia đã đưa ra những lý do để phản đối chủ trương này như cấm tuyến đường này thì xe máy sẽ đồng loạt tràn sang tuyến đường còn lại khiến ùn tắc giao thông còn nghiêm trọng hơn; cấm xe máy trong khi các phương tiện vận tải công cộng (như xe buýt, đường sắt trên cao…) chưa đủ đáp ứng nhu cầu sẽ khiến việc đi lại của người dân trở nên khó khăn hơn; cấm xe máy thì số lượng ô tô cá nhân sẽ tăng lên mà khả năng gây ùn tắc của ôtô còn cao hơn xe máy…
Ôtô mất làn, xe máy mất lối là điển hình của sự thiếu văn minh giao thông Việt Nam
Tuy nhiên, hầu như nhiều người đã quên rằng ngoài thực trạng hạ tầng giao thông chưa theo kịp nhu cầu phát triển, còn có một nguyên nhân quan trọng hơn gây nên tình trạng ùn tắc, giao thông lộn xộn ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là ý thức của người tham gia giao thông. Hầu như đa số người điều khiển phương tiện có động cơ đều đã học các lớp về Luật Giao thông đường bộ, được cấp giấy phép lái xe, nhưng học xong hình như “quên” mất việc chấp hành. Tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay xảy ra hầu hết các nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở các nước đó khác với ta ở chỗ, khi có ùn tắc giao thông nhưng người điều khiển phương tiện vẫn chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông, không luồn lách, đi lên vỉa hè, rú còi inh ỏi, còn ở nước ta thì ngược lại mạnh ai nấy đi, “hở chỗ nào đi chỗ nấy”, không theo qui định nào cả. Trên thực tế, có rất nhiều đường rất rộng, nhưng vẫn thường xuyên ách tắc tại những điểm nút ngã ba, ngã tư ngay cả những lúc không phải giờ cao điểm. Ai cũng muốn vượt lên trước nên người đi ngược chiều không đi được và thế là chỉ sau 5 đến 10 phút đã tắc đường không thể đi nổi, nhưng nếu có bóng cảnh sát giao thông thì đường lại rất thông thoáng.
Việc chấp hành Luật Giao thông của người dân phải trở thành tự giác, không cần hình bóng của lực lượng Cảnh sát giao thông trên đường
Do vậy, để giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Hà Nội, việc cấm xe máy, ôtô cá nhân hay cải thiện hạ tầng giao thông không phải là giải pháp tối ưu, hàng đầu mà điều quan trọng nhất vẫn là giáo dục nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Đó cũng là giải pháp tối ưu, hàng đầu để giải quyết nhiều vấn đề đang tồn tại trong xã hội thay vì “quản không được thì cấm” như hiện nay!
@Nhân Trần
Nguồn: Trà đá blog