Kể từ khi ra đời vào ngày 03/03/2014, “Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập” đã tổ chức các buổi gặp mặt thường niên để kỷ niệm ngày ra mắt hội, và để trao “Giải thưởng Văn Việt”. Tuy nhiên, trong tuần này, họ đã thông báo hủy lễ kỷ niệm và trao giải lần thứ tư, diễn ra hôm 03/03/2019. Phạm Nguyên Trường, thành viên Văn đoàn Độc lập, nói với BBC rằng họ hủy buổi lễ vì “người ta báo trước là mình không được tổ chức công khai”.
Trong các bài viết xoay quanh sự kiện này – bao gồm 1 thông báo của Hoàng Hưng trên website Văn Việt, cùng 2 bài phỏng vấn Hoàng Hưng, Phạm Nguyên Trường, Hoàng Dũng trên BBC – các thành viên Văn đoàn Độc lập đã tổng kết thành tựu hoạt động trong 5 năm của mình, đồng thời đưa ra 2 thông điệp chính trị đáng lưu ý.
Thứ nhất, họ tuyên bố rằng họ là những người làm văn, chứ không làm chính trị. Cụ thể, Hoàng Hưng nói với BBC rằng họ “là những người làm văn”, “không phải là một tổ chức tranh đấu chính trị”, nên cần tập trung “làm ra tác phẩm để lại lâu dài cho nền văn chương tiếng Việt” hơn là “xông ra để mà làm liệt sỹ đấu tranh”. Nguyên Ngọc viết trên Văn Việt rằng họ “là những người cầm bút không muốn để cho ai dùng mình”. Hoàng Dũng nói với BBC rằng “Chúng tôi là chúng tôi, trước sau không ‘đối trọng’ với bất kỳ ai cả”.
Tuy nhiên, những phát ngôn trên không phản ánh đúng thực tế. Chẳng hạn, trong diễn văn tổng kết 5 năm hoạt động, Hoàng Hưng viết rằng Văn Việt không chỉ thực hiện các hoạt động chuyên môn, mà còn “chủ động hoặc phối hợp với các nhân sĩ trí thức lên tiếng nhanh chóng về những vấn đề thời sự của đất nước, (…) như phản đối Giàn khoan Tàu Cộng xâm nhập lãnh hải, phản đối Formosa đầu độc biển miền Trung, phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng…”. Về “tinh thần” của Văn đoàn Độc lập, ông Hưng viết: “Văn Việt đề cao những cây bút và tác phẩm gắn bó với số phận của đất nước, của dân tộc, dấn thân cho sự nghiệp đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền của người dân Việt Nam”. Những hoạt động và định hướng vừa nêu đều mang tính chính trị. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng Văn đoàn Độc lập hoạt động bằng tiền tài trợ của ông Nguyễn Quang A (người đứng đầu Diễn đàn Xã hội Dân sự), và được thành lập vào đúng “Ngày Nhà văn Thế giới” mà International PEN – một tổ chức gắn văn chương với nhân quyền – đã thiết lập năm 1986.
Trong thông điệp thứ hai, các thành viên Văn đoàn Độc lập công kích những rào cản mà Nhà nước đặt ra cho họ. Chẳng hạn, Hoàng Hưng viết rằng 4 điều mà họ chưa làm được đều nảy sinh từ “sự ngăn trở thật vô lý của thể chế hiện hành”, thay vì từ những hạn chế của bản thân họ. Họ phàn nàn về 3 vấn đề, là việc Nhà nước kiểm duyệt xuất bản, “trù dập” hoặc “gây khó dễ” cho thành viên của họ, và ngăn cản các buổi lễ trao giải Văn Việt.
Ngoài ra, họ cũng hướng mũi nhọn công kích vào Ban Tuyên giáo và an ninh văn hóa. Chẳng hạn, BBC nhắc lại một vụ việc hồi năm ngoái, trong đó Ban Tuyên Giáo ra văn bản đề nghị “rút toàn bộ tác phẩm của nhà văn có tên trong Văn đoàn Độc lập ra khỏi sách giáo khoa”. Phạm Nguyên Trường nói với BBC rằng: “năm ngoái, người ta nói với ban tổ chức là cuốn 1984 do tôi dịch có những đoạn mà giới an ninh văn hóa bảo là nói về họ, nên không được trao giải cho cuốn này”.
Sau khi xem xét vụ việc, chúng tôi xin đưa ra 3 nhận xét.
Thứ nhất, như đã chỉ rõ ở trên, Văn đoàn Độc lập vừa có hoạt động chính trị, vừa nhận tài trợ từ một nguồn quỹ chính trị. Vì vậy, khi các thành viên của tổ chức này tuyên bố rằng họ chỉ sinh hoạt văn chương, họ đã nói dối dư luận.
Thứ hai, trong 5 năm tồn tại của Văn đoàn Độc lập, các thành viên của tổ chức này đã không sáng tác được tác phẩm nào “có khả năng để lại lâu dài cho nền văn chương”. Đây là một điều đáng tiếc, vì không ít người trong số họ từng là những nhà văn, nhà phê bình có năng lực. Một mặt, hiện tượng này cho phép chúng ta nghi ngờ rằng do bận làm chính trị, Văn đoàn Độc lập đã thụt lùi trong văn chương. Mặt khác, hiện tượng này cũng phủ nhận tuyên bố của các thành viên Văn đoàn Độc lập, rằng nhà văn Việt Nam không làm ra tác phẩm có giá trị chủ yếu do bị Nhà nước kiểm soát. Tóm lại, không những thất bại trong việc bảo vệ văn chương khỏi ảnh hưởng chính trị, Văn đoàn Độc lập còn góp phần khiến giới văn nghệ bị “chính trị hóa” nhiều hơn, khiến văn chương bị hi sinh cho chính trị nhiều hơn. Văn đoàn Độc lập đã không làm tròn nhiệm vụ của mình, do sa đà vào những hoạt động chính trị chống đối.
Thứ ba, khi Văn đoàn Độc lập hủy cuộc gặp mặt thường niên để trao Giải thưởng Văn Việt, họ đã thể hiện một sự nhượng bộ tương tự các thành viên của Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh. Hai sự kiện này, diễn ra cách nhau chỉ một tuần, có lẽ đã khép lại một giai đoạn dài 8 năm, trong đó các gương mặt khoa bảng và cựu cán bộ cao tuổi có vai trò dẫn dắt dư luận phi chính thống. Dù diễn biến này giúp giảm thiểu một số nguy cơ cũ, nó cũng đặt ra một số lo ngại mới, khi giới chống đối được dẫn dắt bởi những gương mặt cực đoan, ít học, và lệ thuộc nhiều vào nước ngoài hơn.
Nguồn: Loa Phường