Vừa qua, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên đã lên tàu rời ga Đồng Đăng, Lạng Sơn để trở về Triều Tiên, kết thúc chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ 1-2/3/2019 theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước Triều Tiên sau 55 năm kể từ chuyến thăm Việt Nam năm 1964 của Chủ tịch Kim Nhật Thành. Chủ tịch Kim Nhật Thành từng có hai chuyến thăm Việt Nam từ 28/11-2/12/1958 và tháng 11/1964. Có thể thấy rằng, đây là sự kiện lịch sử, đánh dấu bước phát triển quan trọng, tiếp nối truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam, Triều Tiên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un
Vào thập niên 1950 và 1960, Việt Nam – Triều Tiên có quan hệ thân thiết do có nhiều điểm tương đồng. Cả hai nước vào thời điểm này đều bị chia cắt, cùng đang chiến đấu chống Mỹ và nhận được sự ủng hộ từ các nước như Trung Quốc và Liên Xô. Sau khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953, Triều Tiên tranh thủ sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc, duy trì và phát triển nền kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa, thu được một số thành tựu trong thập niên 1960 và 1970, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng, khai khoáng, công nghiệp nặng.
Năm 1957, quan hệ Việt Nam – Triều Tiên chứng kiến dấu mốc quan trọng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Triều Tiên. Người dân Bình Nhưỡng đứng dọc hai bên đường chào đón khi chiếc xe chở Chủ tịch Hồ Chí Minh đi qua. Trong chuyến thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp với Thủ tướng Kim Nhật Thành, thăm nông trường Gochang ở tỉnh Pyongan Nam và trường học ở Bình Nhưỡng. Một năm sau, Thủ tướng Kim Nhật Thành thăm Việt Nam. Nhiều người dân Hà Nội đổ ra đường vỗ tay chào mừng ông. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ông đến nhà máy dệt Nam Định. Ông Kim Nhật Thành còn đến thăm trường Sĩ quan Lục quân ở Sơn Tây và bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, Việt Nam đi theo con đường khác với Triều Tiên. Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc vào năm 1992 và với Mỹ vào năm 1995. Công cuộc Đổi Mới được Việt Nam khởi xướng vào năm 1986 đã thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giúp xuất khẩu tăng 70%, với các cải cách như chấm dứt kiểm soát giá cả và khuyến khích thành lập doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng được tăng cường đáng kể từ cuối những năm 2000 với những chuyến công du như chuyến thăm Triều Tiên của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh năm 2007, nguyên Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh năm 2008. Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Kim Yong-nam và Thủ tướng nội các Triều Tiên Kim Yong-il lần lượt thăm Việt Nam năm 2001 và 2007. Trong nhiều năm liền, Việt Nam đã hỗ trợ gạo cho Triều Tiên. Khi nạn đói nghiêm trọng xảy ra ở Triều Tiên năm 1994-1998, Việt Nam viện trợ 100 tấn gạo năm 1995 và 13.000 tấn gạo năm 1997. Giai đoạn 2000 – 2012, Việt Nam hỗ trợ Triều Tiên 22.700 tấn gạo, 5 tấn cao su nguyên liệu và 50.000 USD. Năm 2016, Việt Nam viện trợ lũ lụt 70.000 USD. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Triều năm 2014 đạt 8 triệu USD, năm 2015 đạt 11,6 triệu USD, trong đó xuất khẩu sang Triều Tiên 6,13 triệu USD, nhập khẩu từ Triều Tiên 5,47 triệu USD. Năm 2016 và 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Triều Tiên tổng cộng 10,3 triệu USD. 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất sang 497.000 USD và không có số liệu nhập khẩu từ Triều Tiên. Điều này đã cho thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam – Triều Tiên là thành quả của nhiều thế hệ đã vun đắp, xây dựng. Theo đó, trước khi lên tàu, Chủ tịch Kim Jong-un đã nán lại khá lâu để vẫy chào và cảm ơn người dân Việt Nam. Sau khi bắt tay các quan chức Việt Nam, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã lên đoàn tàu màu xanh bọc thép của mình và không quên vẫy tay chào lần cuối trước khi bước vào trong.
Bên cạnh đó, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhất trí duy trì tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; mở rộng giao lưu, trao đổi đoàn các cấp theo kênh Đảng, Nhà nước và đoàn thể nhân dân một cách thiết thực, hiệu quả nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực mà hai bên có nhu cầu; hai bên cũng nhất trí duy trì thường xuyên và hiệu quả các cơ chế đối thoại và hợp tác; mở rộng giao lưu và hợp tác văn hóa, nghệ thuật, thể thao và giao lưu nhân dân; tổ chức các hoạt động phù hợp, có ý nghĩa nhằm kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Triều Tiên vào năm 2020. Đặc biệt, Chủ tịch Kim Jong-un trân trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Triều Tiên vào thời gian thuận tiện. Điều này đã cho thấy chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Kim Jong-un là sự kiện lịch sử, mốc lớn trong quan hệ Việt – Triều, tạo nên sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai nước ở tầm cao, giúp vạch ra hướng phát triển quan hệ trong thời gian tới.
Nguồn: Người con Đất Mẹ