Cũng giống như ở đời thực, bạn không thể thả con mình lang thang tự do làm gì tùy ý, hãy không chỉ đứng cạnh mà còn dắt tay con trên “đại lộ” Internet.
Trong một môn học về truyền thông tôi dạy cho sinh viên của Đại học Middlesex tại Hà Nội, chúng tôi có làm một chiến dịch “YouTube an toàn cho trẻ em” vào năm 2018. Phần lớn phụ huynh lắc đầu khi được hỏi đã bao giờ cài đặt iPad hay điện thoại thông minh để chặn một số nội dung không phù hợp với trẻ dưới 16 tuổi trên YouTube trước khi cho trẻ xem. Đa số họ chưa từng nghĩ tới chuyện này.
Hẳn nhiều người vô cùng an tâm nghĩ rằng con mình có thể dạo chơi với kiến thức và giải trí trên các kênh dành cho trẻ em (Kids) của YouTube. Cho đến gần đây nhân vật Momo quái dị xuất hiện ẩn trong các video hoạt hình nổi tiếng dành cho trẻ em đã trở thành nỗi kinh hãi với phụ huynh và trẻ em các nước, trong đó có Việt Nam. Rất nhiều trường hợp được báo cáo, các em nhỏ bị tấn công tinh thần, và bị thách thức thực hiện những hành vi nguy hiểm đến tính mạng bởi nhân vật ảo Momo.
Tháng 5 năm ngoái, có thông tin Việt Nam đã xuất hiện trò chơi nguy hiểm trên mạng xã hội “thử thách cá voi xanh”, từng cướp đi sinh mạng của hơn 100 thanh niên Nga.
Cách đây không lâu, nhiều bạn bè tôi từng phát hoảng khi những kênh YouTube đồi truỵ trá hình với các từ khoá Elsa được bọn trẻ vô tư truy cập.
V.v và v.v…
Phim hoạt hình Peppa Pig có xuất hiện hình ảnh Momo. Ảnh: TTVH
Rõ ràng thế giới trên mạng không hề là một cuộc vui chơi êm đềm như hình dung của nhiều ông bố bà mẹ. Thế giới trẻ tiếp xúc trên Internet cũng giống như môi trường sống ngoài đời, đều tác động tới quá trình trưởng thành và hình thành nhân cách của chúng.
Trẻ con thời nay sinh ra và lớn lên đã gắn liền với các thiết bị thông minh và trở thành “công dân số”, hay nói một cách khác là thế hệ đa nhiệm. Hầu hết trẻ tiếp xúc với điện thoại thông minh hay iPad từ rất sớm, hình thành những kỹ năng sử dụng thành thạo nhanh chẳng kém gì thời cha mẹ chúng bắt đầu học chơi ô ăn quan, đánh đáo, ném khăng.
Việt Nam hiện có khoảng 14 triệu người thuộc thế hệ Z (sinh từ những năm 1995 trở lại đây). Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới gọi thế hệ này là thế hệ “Người bản địa số” (Digital natives) hay những đứa trẻ dotcom (Dotcom children).
Tính đến năm 2017, Việt Nam đã có 64 triệu người dùng Internet, là quốc gia có lượng người dùng đứng thứ 12 trên toàn thế giới và thứ 6 tại khu vực châu Á. Việt Nam là một trong 15 nước có thời gian trung bình mà người dân dành cho MXH (đứng đầu là Facebook) nhiều nhất với khoảng 2 tiếng 37 phút mỗi ngày.
Trong đó, xu hướng đối tượng sử dụng Facebook ngày càng trẻ hóa, sinh viên và những người mới bắt đầu đi làm là bộ phận truy cập và tương tác trên Facebook nhiều nhất, tiếp theo là học sinh từ 13-19 tuổi.
Mặt tích cực của Internet và các thiết bị kết nối Internet, của MXH là giúp những người trẻ tiếp cận với thông tin học tập, tìm hiểu và tiếp xúc ngoại ngữ tốt hơn, kết nối dễ dàng hơn. Điều này là không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, những hệ luỵ và mặt trái của Internet nếu chưa biết sử dụng đúng cách đang là vấn đề đáng báo động cho những thị trường mới nổi như Việt Nam. Nhất là khi trường học và chính phụ huynh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để dạy trẻ về năng lực số.
Một khảo sát ở Mỹ được tiến hành trong những năm qua đã phát hiện ra rằng hầu hết những người bị rối loạn nghiện Internet là những người trẻ tuổi, những người dễ dàng rơi vào thu hút của khám phá tất cả mọi thứ có sẵn trên Internet. Chỉ riêng ở Mỹ, người ta ước tính rằng khoảng 10-15 triệu người đang bị rối loạn nghiện Internet, và điều này đang gia tăng ở mức 25% mỗi năm.
Còn ở những xã hội có văn hoá châu Á gần với Việt Nam như Nhật Bản, hơn 1 triệu thanh thiếu niên cũng chịu chứng “văn hoá phòng ngủ”.
Một báo cáo năm 2014 của Anh cho biết, người sử dụng Internet dành nhiều hơn 4 giờ một ngày nhìn vào màn hình dễ bị các bệnh liên quan tới tinh thần.
Có vô vàn những nghiên cứu mang tính cảnh báo như thế. Nhưng câu trả lời chỉ có một: luôn bên cạnh bọn trẻ. Cũng giống như ở đời thực, bạn không thể thả con mình lang thang tự do làm gì tùy ý, hãy không chỉ đứng cạnh mà còn dắt tay con trên “đại lộ” Internet.
Hãy sử dụng các ứng dụng kiểm soát, cài đặt bộ lọc các nội dung không phù hợp, thiết lập các quy tắc… Tuy nhiên, phụ huynh không thể đặt toàn bộ niềm tin vào một chế độ cài đặt nào trên các thiết bị điện tử dù chúng tối ưu đến đâu hay dựa vào trách nhiệm xã hội của một nhà cung cấp nền tảng.
Điều quan trọng là, hãy luôn trò chuyện, chia sẻ để hiểu được con mình đang tham gia hoạt động gì trên mạng, giúp chúng hiểu rõ những nguy cơ, từ đó có thể cho chúng lời khuyên hữu ích, kịp thời, chặn trước những hệ lụy có thể xảy ra. Hãy tìm hiểu rồi truyền đạt cho con kỹ năng hữu ích để nhận diện, phòng tránh và tự vệ trước những thông tin, hình ảnh, trào lưu… nhiễu loạn, ảnh hưởng tiêu cực trên mạng.
Tôi rất thích câu nói của Yuva Noah Harari trong cuốn sách “21 bài học dành cho thế kỉ 21”. Ông muốn nói rằng thời kỳ xa xưa nếu ai nắm giữ đất sẽ có sức mạnh, rồi tới thời đại ai nắm được công nghệ và máy móc là người nắm giữ sức mạnh, nhưng chúng ta đang tiến tới thời đại ai nắm được big data và dòng chảy thông tin, người đó sẽ làm chủ sức mạnh.
Học và tìm hiểu cùng con, như cách bạn dạy con cách qua đường và sinh tồn ngoài đời thật, để chúng ta thực sự có một thế hệ biết tận dụng công nghệ một cách tốt nhất – những người sẽ làm chủ sức mạnh.
TS Phạm Hải Chung, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nguồn: Tuần Việt Nam