Trang chủ Tin tức Hé lộ nội dung chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Kim...

Hé lộ nội dung chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Kim Jong-un

165
0

Ngày 27.2, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung có cuộc trao đổi nhanh với truyền thông tại Trung tâm báo chí quốc tế, chia sẻ một số thông tin về Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có chuyến thăm Việt Nam.

Hé lộ nội dung chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Kim Jong-un

Xin ông chia sẻ nội dung chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong-un?

Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Hai bên sẽ trao đổi về quan hệ, chắc chắn Việt Nam sẽ khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ truyền thống của Việt Nam và CHDCND Triều Tiên. Năm 2019, kỷ niệm 55 năm ngày cố Chủ tịch Kim Nhật Thành sang thăm Việt Nam, là dịp khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ 2 nước. Cũng sẽ bàn về những biện pháp để có thể làm sao tăng cường và phát triển quan hệ giữa 2 nước.

Trong các cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ cung cấp địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai. Ông đánh giá như thế thế nào về lời cám ơn này?

Tôi nghĩ đây là đánh giá rất khách quan, thể hiện sự tôn trọng với nước chủ nhà. Thời gian chuẩn bị thực chất chưa đến 10 ngày nhưng Việt Nam đã hoàn thành đầy đủ bảo đảm các khâu về an ninh, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng trong đó có cả vấn đề nơi ở khách sạn với số lượng rất lớn các phóng viên báo chí ngoài các đoàn chính thức. Kể cả cơ sở về thông tin về hoạt động cho báo chí…

Tất cả yếu tố cần về cơ sở vật chất, kể cả con người nữa, Việt Nam đã làm đầy đủ. Nên ở các cấp khác nhau phía Mỹ có đánh giá rất cao.

Phía Mỹ đánh giá cao nhất Việt Nam ở điểm gì trong quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh?

Họ đánh giá rất cao là trong thời gian ngắn mà chúng ta đã chuẩn bị chu đáo tất cả các mặt. Đối với hội nghị thưởng đỉnh lần đầu, Singapore có thời gian chuẩn bị gần 2 tháng, nhưng lần này chúng ta chưa đến 10 ngày. Ngay cả di chuyển của chúng ta đón các lãnh đạo cấp cao bảo đảm an ninh, an toàn ở nhiều phương án khác nhau chứ không phải phương án sân bay. Thời gian rất ngắn nhưng chuẩn bị chu đáo ở tất cả các mặt và cho đến nay thì chưa có vấn đề gì cả.

Việt Nam thu được gì từ việc tổ chức hội nghị lần này?

Qua dịp này, Việt Nam muốn thể hiện rất rõ chính sách, quyết tâm của mình là đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực, cũng qua đây, Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ với 2 đối tác là Mỹ và Triều Tiên. Thông qua hội nghị, Việt Nam cũng muốn qua truyền thông hiểu hơn về đất nước, còn người và quá trình phát triển của Việt Nam.

So với việc tổ chức các hội nghị trước đây, thì hội nghị này có gì khác?

Mỗi một hội nghị có đặc thù riêng thì có việc chuẩn bị riêng. Ví dụ lần nay, ngay cả vấn đề số lượng báo chí vào đông nhất từ trước đến nay nên phải đảm bảo yêu cầu. Ngay việc chọn vị trí đặt trung tâm báo chí quốc tế, như hôm trước chúng tôi nêu, nếu đặt ở xa thì thuận cho chủ nhà hơn, còn đặt ở đây thì thuận lợi cho họ di chuyển và đồng thời ở đây thì có dịp giới thiệu nhiều hơn về Hà Nội.

Những khó khăn và thuận lợi khi Việt Nam tổ chức hội nghị này?

Đây là hội nghị có thời gian chuẩn bị rất ngắn. Việt Nam là nước giúp tổ chức hội nghị chứ không phải là nước tham gia hội nghị. Do vậy, phía Mỹ và Triều Tiên yêu cầu giữ kín, nhiều sự kiện Việt Nam không biết mà được phía hai nước giữ kín, thông báo và đề nghị Việt Nam đáp ứng trong thời gian ngắn nhất.

Mặc dù trong vài ngày hoạt động song phương hai nước nhưng quy mô chuẩn bị như một hội nghị quốc tế gồm nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhất là do thiếu thông tin nên hoạt động của chúng ta càng khó.

Về thuận lợi, được lãnh đạo của Việt Nam quan tâm, coi trọng, trực tiếp chỉ đạo của Thủ tướng để chuẩn bị các mặt nội dung, an ninh, hậu cần. Hai nước đều có niềm tin vào Việt Nam và cộng đồng quốc tế rất ủng hộ. Việt Nam cũng có kinh nghiệm quốc tế và an ninh an toàn, ổn định chính trị. Nhân dân cũng rất ủng hộ, người dân hoan nghênh, phấn khởi và tự hòa về việc Việt Nam được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Lần này không chỉ có hội nghị song phương của Mỹ – Triều Tiên mà lãnh đạo cấp cao Mỹ thăm Việt Nam và có chuyến thăm chính thức hữu nghị của Chủ tịch Kim Jong-un với Việt Nam. Ngày hôm nay, đoàn Triều Tiên đã thăm Hạ Long, Quảng Ninh và Hải Phòng. Đây là cơ hội để chúng ta giao lưu, phát triển kinh tế.

Xin ông chia sẻ về việc Tổng thống Mỹ cầm lá cờ Việt Nam?

Hai quốc gia Việt Nam cũng như Mỹ, cũng như Mỹ với tất cả các quốc gia khác, cũng như Việt Nam với các quốc gia khác khi đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau, tức là công nhận thể chế của nhau, công nhận hai nhà nước của nhau.

Tôi nghĩ đối với lãnh đạo các quốc gia, việc cầm lá cờ của các quốc gia mà mình có quan hệ ngoại giao thì thể hiện sự tôn trọng với quan hệ giữa 2 nước, sự tôn trọng với ngay bản thân quốc gia mình, quốc gia mình là quốc gia đàng hoàng, khi có quan hệ ngoại giao, tôn trọng thể chế của nhau thì tôn trọng lẫn nhau, đồng thời cũng tôn trọng nhân dân của cả hai nước.

Nguồn: Thanh niên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây