Quan hệ 70 năm giữa hai nước có nền móng từ hai chuyến thăm Việt Nam năm 1958 và 1964 của ông Kim Nhật Thành, ông nội của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Người dân thủ đô chào đón đoàn xe chở lãnh đạo Kim Nhật Thành. Ông sang thăm Việt Nam từ ngày 28/11-2/12/1958. Máy bay chở đoàn hạ cánh tại sân bay Gia Lâm (chưa có sân bay Nội Bài), trong sự đón tiếp nồng hậu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong những ngày ở thăm Việt Nam, lãnh đạo Kim Nhật Thành và phái đoàn nghỉ tại nhà khách Phủ Chủ tịch. Việt Nam và Triều Tiên sớm thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 31/1/1950.
Lãnh đạo Kim Nhật Thành tới thăm nghĩa trang Mai Dịch và đặt vòng hoa. Vừa tới Hà Nội, ông đã có một loạt các hoạt động thể hiện tình hữu nghị giữa 2 nước như duyệt đội danh dự quân đội nhân dân Việt Nam và phát biểu trước người dân thủ đô. Năm 1950, Triều Tiên là nước thứ ba công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ông Kim cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh xem buổi biểu diễn của đoàn văn công Việt Nam và đoàn nghệ thuật Triều Tiên tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội tối ngày 28/11/1958. Ngày 29/11, đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam hội đàm với đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên tại nhà khách văn phòng Trung ương Đảng. Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, khi đó là Thủ tướng Triều Tiên, là chuyến thăm “đáp lễ” sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Triều Tiên vào tháng 7/1957.
Lãnh đạo Kim Nhật Thành đến thăm nhà máy dệt Nam Định trong sự chào đón của công nhân nhà máy. Trong giai đoạn Việt Nam chiến tranh, Triều Tiên lúc đó phát triển hơn đã giúp đỡ Việt Nam về mặt quân sự và kinh tế.
Ông Kim Nhật Thành xem và sau đó đã thử dùng kẹp đập lúa của nông dân, khi đoàn Triều Tiên thăm hợp tác xã nông nghiệp thôn Quán La, xã Xuân La, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Tại đây, bà Phác Chính Ái, phó chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, đã nhận làm xã viên danh dự. Kể từ đó, hợp tác xã lấy tên là Việt – Triều Hữu nghị.
Ông Kim Nhật Thành đang xem sa bàn chiến dịch Điện Biên Phủ khi đoàn đến thăm Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự). Đón tiếp ông có Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam.
Ông Kim nói chuyện với học viên và cán bộ trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam tại Sơn Tây, cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Giám đốc nhà trường Lê Trọng Tấn đã đọc lời chào mừng và trao tặng đoàn lá cờ, sau đó lãnh đạo Kim Nhật Thành đã trao tặng phẩm của quân đội Triều Tiên cho trường. Ông Kim cũng thăm nơi ở của học viên. Ngoài ra, nhiều sinh viên Việt Nam đã sang Triều Tiên du học.
Ông Kim Nhật Thành sang thăm Việt Nam lần thứ 2 ngày 10/11/1964 trong sự đón tiếp nồng nhiệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn (bên phải ông Kim), và thiếu nhi Hà Nội tại sân bay Gia Lâm. Khác với năm 1958, đây là chuyến thăm không chính thức. Sau đó 1 năm, Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng sang thăm không chính thức Bình Nhưỡng để “đáp lễ”. Dù thăm không chính thức, ông Kim cũng tranh thủ ghé thăm một số nơi.
Ông Kim Nhật Thành tham quan các hiện vật trong Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) tại Hà Nội. Trong dịp này, rạp xiếc nhân dân trung ương cũng đã biểu diễn chào mừng đoàn lãnh đạo Triều Tiên. Ông Kim nghỉ tại khu nghỉ Quảng Bá ở ven hồ Tây, Hà Nội.
Đoàn lãnh đạo Triều Tiên thăm nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo ở Hà Nội. Sau khi thăm nhà máy, ông đã “thân mật trao đổi ý kiến” với lãnh đạo nhà máy, theo tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Ông Kim Nhật Thành cũng đến thăm hợp tác xã Việt – Triều Hữu nghị, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội.
Ông Kim Nhật Thành (phải) và ông Lê Duẩn (giữa, không đội mũ) trên tàu thăm phong cảnh vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. Trong đợt thăm Việt Nam này, ông Kim cũng thăm một đơn vị hải quân nhân dân Việt Nam.
Các diễn viên biểu diễn nghệ thuật trước sự chứng kiến của ông Kim Nhật Thành và đoàn lãnh đạo Triều Tiên.
Nguồn: VOV