Trang chủ Luận bàn - Phản biện ‘Mượn’ xe công làm việc riêng và ‘chuyến tàu vét’

‘Mượn’ xe công làm việc riêng và ‘chuyến tàu vét’

150
0

Xem ra, chuyện nhắc nhở, nghiêm cấm, răn đe của cấp trên đối với các vị chỉ như… nước đổ lá khoai.

“Nạn” sử dụng xe công vào việc tư, tiệc tùng hoành tráng mời cấp dưới và doanh nghiệp nhằm trục lợi những tưởng sẽ chấm dứt sau những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương, sau những “tấm gương” tày liếp, nhưng hóa ra dư luận đã “bé cái nhầm”.

Dư luận vừa tạm lắng sau vụ tai tiếng dùng xe biển xanh vào tận chân cầu thang máy bay đón vợ của vị cán bộ cấp cao, thì lại thêm một cú sốc trước một loạt xe biển xanh chở khách đi dự tiệc của một cán bộ lãnh đạo cấp huyện ở Hậu Giang.

Chủ nhân bữa tiệc hoành tráng ấy là ông Bí thư Huyện ủy Vị Thủy (Hậu Giang). Vì nhà trong hẻm chật chội nên ông đành phải đãi khách tại một nhà hàng ở quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, vừa là mừng cháu nội thứ hai thôi nôi, vừa là dịp để “chia tay” bạn bè trước lúc nghỉ hưu – ông Bí thư giải thích.

Thôi thì lại một màn phân trần từ chủ tiệc cho đến những vị “chót nhỡ” dùng xe công. Nhưng dù nói thế nào, những vị cán bộ này quả là “ý thức chính trị kém”, như nhận xét của một lãnh đạo tỉnh Hậu Giang.

Vì chỉ mới mấy hôm trước đó, ngay những ngày đầu năm sau Tết Kỷ Hợi 2019, tỉnh Hậu Giang đã quán triệt rất chặt chẽ tới lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức của tỉnh về việc sử dụng xe công sai mục đích. Ngày 11/2, tại buổi họp báo thông tin về tình hình trước trong và sau Tết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm việc cán bộ, lãnh đạo vi phạm.

Lẽ nào các vị tham gia bữa tiệc thôi nôi và đương kim bí thư huyện ủy Vị Thủy không biết thông tin này?

Xa hơn một chút, trước Tết Nguyên Đán cả tháng, Chính phủ rồi một số bộ, ngành, địa phương đều có công văn nhắc nhở, nghiêm cấm việc sử dụng xe công vào việc riêng. 

‘Mượn’ xe công làm việc riêng và ‘chuyến tàu vét’

Loạt xe biển xanh đỗ ở khu vực nhà hàng khiến dư luận xôn xao

Xem ra, chuyện nhắc nhở, nghiêm cấm, răn đe của cấp trên đối với các vị chỉ như… nước đổ lá khoai. Liệu với vụ việc lần này, kịch bản “quen thuộc” có lặp lại:  sợi dây kinh nghiệm dài dằng dặc lại được rút, cách giải quyết lại theo kiểu “đánh bùn sang ao”?

Trong khi đây không đơn thuần chỉ là chuyện “vô tư, vô ý” mà cần xem như hành vi lạm dụng tài sản công, chẳng khác nào tham nhũng. Dù thiệt hại có thể không nghiêm trọng, nhưng vì hình ảnh cán bộ nghiễm nhiên dùng xe công sẽ “đập” vào mắt người dân một cách phản cảm, gây xói mòn niềm tin vào đạo đức cán bộ, đảng viên.  

Một khía cạnh khác cũng không thể bỏ qua là về chủ nhân bữa tiệc – ông Bí thư huyện.

Cũng xin rào đón một chút, chuyện gia đình, cá nhân tổ chức tiệc tùng chẳng ai, chẳng luật lệ nào cấm. Nhưng với cán bộ lãnh đạo đương chức thì cần có giới hạn.

Giới hạn đó là Quy định những điều đảng viên không được làm, là những yêu cầu ràng buộc đối với người lãnh đạo trong Luật công chức. Đặc biệt là “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” do Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành hồi tháng 10/2018.

Trong trường hợp này, chỉ là lễ thôi nôi cháu nội thứ hai, lẽ ra nên giới hạn trong gia đình họ tộc và bạn bè thân thiết nhưng ông bí thư lại phá lệ, đặt những 35 bàn tiệc với khoảng 350 khách mời ở nơi nhà hàng sang trọng. Thiệp mời thôi nôi cháu đứng tên ông, đỏ chót như thiệp đám cưới. Lại nhớ mấy năm trước, có ông quan nọ tổ chức đám cưới cho con trai, trên thiệp mời ghi cả chức danh “Phó ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TP” của mình.

Còn trần tình của ông Bí thư thì đầy mâu thuẫn.

“Cán bộ đến dự tiệc có vài bí thư các huyện, cán bộ hưu trí ở Cần Thơ và của Tiểu đoàn Tây Đô mà tôi công tác trước đây”;

“Khách của buổi tiệc chủ yếu là bà con, bạn bè của tôi… Tuy nhiên, do nhiều anh em ở Hậu Giang biết nên tới dự”;

“Cháu nội tôi từ khi sinh ra đã không được may mắn vì bị bệnh phải phẫu thuật 3 lần rồi. Tôi thương vợ chồng con trai và cháu nội nên tổ chức tiệc”.

Mừng cho ông đương kim bí thư huyện – một bạn đồng liêu nặng tình thắm nghĩa, một người cha, một người ông bao la tình thương.

Nhưng dư luận vẫn “tâm tư”. Đích của bữa tiệc to này là gì? Phải chăng là vì cái “ghế” Bí thư huyện ông đang đảm nhận không bao lâu nữa, sau bữa tiệc này sẽchuyển giao cho người khác khi ông về hưu. Đâm ra, người ta lại hoài nghi cuộc chia tay đầy tình thương mến thương, đậm chất văn chương này thực chất là “chuyến tàu vét” cuối cùng của một ông quan đầu huyện?

Việc ông Bí thư đứng ra tổ chức tiệc thôi nôi hoành tráng cho cháu nội có vi phạm khoản 7 điều 2 và khoản 8 điều 3 Quy định 08-QĐ/TW nêu rõ trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên: “Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành”?

Câu trả lời không khó. Khó là ở chỗ, các cấp ủy Đảng và chính quyền có dám minh bạch chỉ ra và kiên quyết xử lý bằng hình thức xứng đáng. Làm được như vậy thì mới đủ sức răn đe và từ đó chấm dứt tình trạng lạm dụng xe công, tiệc tùng trục lợi; giữ gìn hình ảnh cán bộ – công bộc – trong con mắt của người dân.

Nguyễn Duy Xuân

Nguồn: Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây