Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 đã khẳng định sức mạnh, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trước những thử thách ngặt nghèo.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm diễn ra sự kiện lịch sử đặc biệt này, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) xin trân trọng giới thiệu bài viết: “Nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc năm 1979” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Khang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Bộ Chỉ huy mặt trận Lạng Sơn cùng chỉ huy Đoàn 327 bàn phương án tác chiến tại hang Chùa Tiên (thị xã Lạng Sơn). Ảnh: Văn Bảo/TTXVN
Đầu năm 1979, khi Quân đội nhân dân Việt Nam tiến công đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, Chính phủ Trung Quốc cùng một số nước phương Tây ra sức tuyên truyền xuyên tạc sự xuất hiện của Quân tình nguyện Việt Nam trên lãnh thổ Campuchia, đồng thời liên tục gây sức ép hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Mục đích của họ muốn chống phá cách mạng Việt Nam, mưu toan áp đặt lợi ích nước lớn trên bán đảo Đông Dương.
Sau khi gây sức ép về chính trị, ngoại giao mà không đạt được mục đích đề ra, ngày 17/2/1979, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã động huy động khoảng 60 vạn quân cùng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép; hàng ngàn khẩu pháo các loại… mở cuộc tiến công trực diện vào lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh).
Nhân dân Việt Nam đứng trước thử thách to lớn: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc chưa lâu (1975), hậu quả để lại còn rất nặng nề; lại vừa kết thúc Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (12/1978) và đang làm nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước. Mặt khác, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do cấm vận của Mỹ; các thế lực phản động trong và ngoài nước vẫn ra sức hoạt động chống phá… Bên cạnh đó, cuộc đụng đầu lịch sử này có tác động rất lớn đến tâm lý, tình cảm của nhân dân hai nước bởi Trung Quốc là nước đã ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về chính trị, vật chất lẫn tinh thần cho Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến cứu nước (chống Pháp, chống Mỹ) trước đây.
Trước thử thách to lớn ấy, vấn đề chỉ đạo đấu tranh như thế nào được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Việt Nam thảo luận rất kỹ. Yêu cầu đề ra là: Vừa phát huy sức mạnh tổng hợp, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời nêu cao tính chính nghĩa và thiện chí mong muốn hòa bình, khôi phục quan hệ hữu nghị hai dân tộc; vừa không để bị ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chiến lược khác, nhất là nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia; tiếp tục tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế.
Thực hiện phương châm đề ra, từ ngày 17/2/1979, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố nêu rõ: Nhà cầm quyền Trung Quốc đang đi ngược lại lợi ích của nhân dân, phá hoại nghiêm trọng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đồng thời khẳng định nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả.
Về chỉ huy tác chiến, phía Việt Nam chủ trương chưa đưa lực lượng dự bị chiến lược vào quyết chiến sớm, cũng không vội rút đại quân từ Campuchia về nước, dễ gây nên sự xáo trộn bất ngờ mà phát huy sức mạnh tổng hợp chiến tranh nhân dân địa phương, sử dụng lực lượng tại chỗ của Quân khu 1, Quân khu 2 là chính, có sự bổ sung một bộ phận lực lượng từ tuyến sau lên tăng cường. Đồng thời, xây dựng kế hoạch điều động dần các binh đoàn dự bị chiến lược của Bộ sẵn sàng thực hành phản công khi cần thiết, chuẩn bị cho nhân dân cả nước bước vào đối phó với tình huống chiến tranh mở rộng.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, quân dân Việt Nam trên tuyến đầu biên giới kịp thời đánh trả, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của quân Trung Quốc, buộc đối phương phải tung lực lượng dự bị chiến lược vào tham chiến. Với ưu thế quân đông, nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật, quân Trung Quốc lần lượt chiếm được một số địa bàn, thị xã quan trọng như: Lào Cai (19/2), Cao Bằng (24/2), Cam Đường (25/2), Lạng Sơn (5/3)…
Trước tình hình cấp bách đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Việt Nam quyết định điều động lực lượng dự bị chiến lược kết hợp cùng lực lượng tại chỗ chuẩn bị mở những đòn phản công quy mô lớn binh chủng hợp thành.
Thực hiện chủ trương đó, đầu tháng 3/1979, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ra lệnh cho Quân đoàn 2 (cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia) nhanh chóng chuyển toàn bộ lực lượng về phía Bắc Hà Nội tập kết, đồng thời ra quyết định thành lập Quân đoàn 5 (ngày 2/3/1979) ngay tại mặt trận biên giới (gồm 4 sư đoàn bộ binh: 3, 338, 327, 337 cùng một số đơn vị kỹ thuật và bảo đảm khác). Ngoài ra, các đơn vị chủ lực của Quân đoàn 1, Quân chủng Phòng không – Không quân và các binh chủng kỹ thuật khác sẵn sàng tham gia chiến đấu.
Chiến sĩ xe tăng Trung đội 1, Đại đội 2, Đoàn 407 truy kích quân địch ở thị xã Lạng Sơn. Ảnh: Thế Thuần/TTXVN
Để phát huy sức mạnh tổng hợp, ngày 4/3/1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi quân dân cả nước phát huy khí thế cách mạng, hăng hái thi đua lao động sản xuất, chi viện nhiều nhất cho tiền tuyến, quyết tâm giữ vững biên cương Tổ quốc.
Tiếp đó, ngày 5/3, Chủ tịch nước công bố Lệnh tổng động viên. Cả nước cùng đồng lòng hướng về mặt trận. Hàng triệu thanh niên nam, nữ viết đơn tình nguyện đi chiến đấu. Dự trữ vật chất hậu cần phục vụ chiến đấu do đó tăng lên nhanh chóng.
Quyết tâm của Bộ Chỉ huy tối cao Việt Nam, đặc biệt là động thái chuẩn bị mở đòn phản công chiến lược đã tác động mạnh đến tương quan cục diện cuộc chiến và tâm lý của các nhà cầm quyền Trung Quốc, tạo niềm tin sắt đá cho nhân dân cả nước và bạn bè thế giới, nhất là nhân dân Campuchia vừa được Quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ thoát khỏi họa diệt chủng, đang ra sức bảo vệ chính quyền non trẻ. Các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng tiến bộ cùng nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới tiếp tục lên án mạnh mẽ hành động chiến tranh phi nghĩa của Trung Quốc và kêu gọi ủng hộ Việt Nam.
Chịu tổn thất nặng nề mà chưa đạt được mục tiêu cơ bản đề ra, lại bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ, ngày 5/3/1979, chính quyền Trung Quốc tuyên bố rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam. Với truyền thống nhân nghĩa, lấy đại cục làm trọng, mong muốn củng cố hòa bình, khôi phục quan hệ hữu nghị giữa hai nước, Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam chỉ thị cho các lực lượng vũ trang và nhân dân trên mặt trận biên giới phía Bắc ngừng mọi hoạt động quân sự để quân Trung Quốc rút về nước. Đến ngày 18/3/1979, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân khỏi Việt Nam.
Thắng lợi của quân dân Việt Nam trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 được tạo nên từ nhiều nguyên nhân khác nhau: Đó là tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng vì độc lập, tự do và sự vẹn toàn lãnh thổ; sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bè bạn quốc tế; thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc được xây dựng, củng cố qua thời gian; là Quân đội nhân dân tinh nhuệ với đội ngũ tướng lĩnh tài ba đã được rèn luyện, thử thách qua các cuộc chiến tranh… Nhưng bao trùm lên tất cả chính là nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh độc lập, tự chủ, đúng đắn của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nghệ thuật ấy chính là sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật đánh giặc truyền thống của cha ông (“lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, “tránh thế ban mai, đánh lúc chiều tà”…) và nghệ thuật chiến tranh hiện đại (kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích, chiến tranh chính quy; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trên tất cả các mặt chính trị – kinh tế – quốc phòng – an ninh; phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân địa phương, đặc biệt là sức mạnh của lực lượng vũ trang tại chỗ, sức mạnh hậu phương cả nước); đồng thời biết khai thác, phát huy tư tưởng nhân văn “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, kết hợp với chủ anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Nguồn: Báo Tin tức